Những kinh nghiệm hay của Thượng Trưng, tỉnh Vĩnh phúc về xây dựng nông thôn mới năm 2013.

 7405 lượt xem
(BTĐKT)-Thượng Trưng là xã thuộc vùng đồng bằng, gần trung tâm huyện Vĩnh Tường với số dân 8.313 khẩu chia làm 2.368 hộ gia đình. Dân cư được bố trí ở 13 thôn xóm. Có 8/13 thôn được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh và huyện trong năm năm liên tục. 

Tháng 7/2011 Ban chấp hành Đảng bộ đã tổ chức hội nghị bàn về công tác xây dựng nông thôn mới của xã và thành lập Ban chỉ đạo về thực hiện chương trình xây dựng của xã giai đoạn 2011- 2015.

Ban chỉ đạo rất coi trọng công tác tuyên truyền vận động. Với tinh thần trách nhiệm cao, Ban chỉ đạo đã triển khai quyết liệt, bài bản, tuyên truyền mạnh mẽ qua các kênh như: Hội nghị, họp dân, các lớp tập huấn kiến thức về xây dựng nông thôn mới, các ngành đoàn thể tuyên truyền đến tận từng hội viên của mình, phát tờ rơi, tờ gấp đến từng hộ gia đình, đài truyền thanh của xã thường xuyên phát thanh những bản tin liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Có thể nói, từng người, từng nhà trong thôn, trong xóm đều nhận thức được tâm quan trọng về chương trình xây dựng nông thôn mới nên đã cải tạo bờ vùng, bờ thửa, xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, công trình vệ sinh, cổng, tường rào; đóng góp đất đai, công sức, tiền của xây dựng nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông và rãnh thoát nước ngõ xóm.
 
Qua 3 năm nghiêm túc triển khai và thực hiện chương trình  xây dựng nông thôn mới, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới mà nhà nước đã đề ra. Bộ mặt nông thôn được thay đổi từng ngày, có nhiều khởi sắc; cơ sở hạ tầng địa phương được cải thiện đáng kể, đời sống của nhân dân được nâng lên. Nhận thức của Đảng viên và nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới được rõ ràng, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”.
 
Xã Thượng Trưng trở thành xã nông thôn mới thời kỳ CNH – HĐH đất nước và được thể hiện qua các đặc trưng như: Có nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân được nâng cao; có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại, có các hình thức sản xuất phù hợp, đa dạng; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; tình hình an ninh trật tự trong xã ổn định, giàu bản sắc dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ,.. từ đó nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị xã, thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 
Thượng Trưng được chọn làm xã điểm về xây dựng nông thôn mới trong 20 xã điểm của tỉnh Vĩnh Phúc, chính vì vậy mà Ban chỉ đạo xã đã quyết tâm cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đôn đốc cán bộ và nhân dân xã chung sức trong việc xây dựng nông thôn mới, từ đó xã đã về đích theo đúng mục tiêu, cam kết đề ra, cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí.
 
Việc xây dựng xã trở thành xã điểm về xây dựng nông thôn mới được thực hiện trên phương pháp tiếp cận dân, dựa vào nội lực và do nhân dân làm chủ; tổng kết rút kinh nghiệm về nội dung, phương pháp, cơ chế chính sách, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các cấp, các ngành của hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã.
 
Qua 3 năm xây dựng và thực hiện Đề án xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí Quốc gia ban hành, đây là một chương trình lớn tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ xã Thượng Trưng phát huy được năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, bổ sung thêm được trình độ chuyên môn, từ đó phát huy được thế mạnh của từng cán bộ trong xã.
 
Công tác phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân được quan tâm chú trọng, xã đã đưa được mô hình trồng lúa mới vào sản xuất, phát triển chăn nuôi đạt hiệu quả. Một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình nuôi lợn nái, lợn thịt siêu nạc, nuôi gà đẻ, nuôi thủy sản,… đem lại thu nhập đáng kể góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
 
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, xã cũng đã tổ chức đào tạo nghề cho chị em phụ nữ và nông dân; đa số chị em đều có việc làm ổn định tại các công ty đem lại nguồn thu nhập từ 3 -5 triệu/tháng, một số gia đình làm trang trại, chăn nuôi cũng áp dụng được kiến thức đã được đào tạo và thực tiễn.
 
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo chương trình cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban quản lý, Ban phát triển nông thôn để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
 
Xác định công tác xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nên phải xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội ổn định và bền vững. Đặc biệt xã quan tâm đến phát triển kinh tế hộ gia đình như: Đưa các giống cây mới vào vùng sản xuất chuyên canh, như đưa các giống lúa có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; có cơ chế chính sách tạo điều kiện về vay vốn để con em nông thôn được xuất khẩu lao động sang các nước phát triển, có như vậy mới nâng cao được thu nhập cho người dân, cải thiện cuộc sống.
 
Đồng thời xã cũng thường xuyên có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí; bảo tồn, phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa – thể thao dân tộc trên địa bàn xã; bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể thao, từng bước nâng cao dân trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa trên cơ sở địa bàn xã.
 
Một số bài học kinh nghiệm rút ra trong 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới:
 
Một là, Phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động để quán triệt, triển khai tới toàn bộ Đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân để mọi người hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng NTM. Chú trọng khuyến khích người có đóng góp nhiều, mềm dẻo, kiên trì thuyết phục nhân dân tích cực tham gia.
 
Hai là, Công tác lãnh đạo chỉ đạo phải tập trung quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Trong khi kiểm tra phải phân định rõ ràng nội dung công việc của xã, của thôn, của người dân, từ đó chủ động triển khai thực hiện.
 
Ba là, Cán bộ chỉ đạo thực hiện phải vô tư, khách quan, nhiệt tình, trách nhiệm và không ngại khó. Trong quá trình thực hiện nếu có những phát sinh vướng mắc cần phải được tập trung làm rõ ngay và giải quyết dứt điểm ngay.
 
Bốn là, phải xác định được nguồn lực tại chỗ của địa phương, phát huy tốt nội lực trong dân, có cơ chế chính sách từ cấp trên, định hướng tạo đà cho địa phương có cơ sở để phấn đấu thực hiện chương trình.
 
Thu Hương
 
 
Ý kiến của bạn