Lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP, ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định… hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013

 10845 lượt xem
 

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2014 của Bộ Nội vụ tại QĐ số 228/QĐ-BNV ngày 17/3/2014, Ban Thi đua - Khen thưởng TW tiến hành xây dựng dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013.

Để hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013, Cổng Thông tin Điện tử Ban Thi đua - Khen thưởng TW đăng tải dự thảo nhằm lấy ý kiến của nhân dân trong 2 tháng từ ngày 27/6/2014 đến  27/8/2014

Mọi ý kiến xin gửi về:

Địa chỉ: Ban Thi đua - Khen thưởng TW, 103 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội

Email: ttth.btdkttw@gmail.com

 

 Dự thảo

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều 

của Nghị định số  42/2010/NĐ-CP, ngày 15 tháng 4 năm 2010 của 

Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, 

Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định… hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013

_________

 

   Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

   Căn cứ Nghị định số  42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định số …. 

   Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;   

   Bộ Nội vụ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP, ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định số… 

   Điều 1. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng

   Nguyên tắc thi đua, khen thưởng thực hiện theo Điều 2 Nghị định số…/2014/NĐ-CP ….    ( sau đây gọi là …) và theo các nguyên tắc sau:

   1. Đối với các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, trong một năm mỗi cá nhân chỉ được xét tặng một trong các hình thức khen thưởng từ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên hoặc chỉ đề nghị xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc (trừ trường hợp khen thưởng thành tích đột xuất và khen quá trình cống hiến).

   2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương chỉ khen thưởng cho tập thể, cá nhân thuộc quản lý của cấp tỉnh khi tiến hành phát động thi đua theo chuyên đề.  

   3. Chưa xét tặng danh hiệu thi đua và xét khen thưởng đối với cá nhân đang bị kỷ luật, đang xem xét kỷ luật, có đơn thư tố cáo, có vụ việc sai phạm bị báo chí phản ánh và đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

   Điều 2. Hình thức tổ chức phong trào thi đua

   1. Thi đua thường xuyên là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, đơn vị. Đối tượng thi đua thường xuyên là các cá nhân trong một tập thể, các tập thể trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giữa các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc tương đồng nhau. 

   Việc tổ chức phong trào thi đua thường xuyên phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể và được tổ chức tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc theo khối, cụm thi đua để phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua. Thực hiện việc đăng ký giao ước thi đua giữa các tập thể. Kết thúc năm công tác thủ trưởng cơ quan, đơn vị, trưởng các khối, cụm thi đua tiến hành tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua.

    2. Thi đua theo chuyên đề (hoặc theo đợt) là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong khoảng thời gian nhất định hoặc tổ chức thi đua để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của cơ quan, đơn vị . Cơ quan,tổ chức, đơn vị chỉ phát động thi đua theo chuyên đề (hoặc theo đợt) khi đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp và thời gian.

   a) Thi đua theo chuyên đề tổ chức với quy mô trong phạm vi bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, khi tiến hành sơ kết, tổng kết, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương thực hiện việc khen thưởng theo thẩm quyền của cấp mình. Trường hợp được tổ chức với quy mô rộng lớn trong phạm vi cả nước, khi sơ kết, tổng kết, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương thực hiện việc khen thưởng theo thẩm quyền của cấp mình và lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét tặng Bằng khen, những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc đề nghị Chủ tịch nước xét tặng Huân chương Lao động hạng Ba (Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba).

   b) Khi tổ chức phong trào thi đua theo chuyên đề, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi nội dung, tiêu chí tổ chức phong trào thi đua về Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương để tổng hợp và hướng dẫn, xét khen thưởng theo chuyên đề.

   Điều 3.  Nội dung tổ chức phong trào thi đua

   Nội dung tổ chức phong trào thi đua thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng (sau đây gọi là Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ). Các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng các nội dung cụ thể phải thực hiện các điểm sau:

   1. Phong trào thi đua có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ tuyên truyền, dễ thực hiện; nội dung phải bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm cấp bách để đề ra nội dung, phương pháp thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

   2. Căn cứ vào nội dung, chỉ tiêu của các phong trào thi đua để xây dựng các tiêu chí đánh giá thi đua phù hợp với thực tế và để làm căn cứ khen thưởng trong các kỳ sơ kết, tổng kết. 

   3. Trong quá trình tổ chức thực hiện chú trọng công tác chỉ đạo điểm, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, tạo mọi điều kiện để thu hút nhiều đối tượng tham gia. Nâng cao vai trò của người đứng đầu trong việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới, cách làm hay trong phong trào thi đua. Việc phát hiện điển hình tiên tiến phải là nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức các phong trào thi đua. 

   Điều 4.  Danh hiệu ‘‘Chiến sĩ thi đua toàn quốc’’

   1. Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt được tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số... hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013.

   2. Cá nhân có 2 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương là cá nhân có 6 năm liên tục đạt danh hiệu ‘‘Chiến sĩ thi đua cơ sở’’, trong đó có 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

   3. Thời điểm xét danh hiệu ‘‘Chiến sĩ thi đua toàn quốc’’ là năm liền kề với năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương lần thứ hai.

   Điều 5. Danh hiệu ‘‘Chiến sĩ thi đua cơ sở’’, Hội đồng sáng kiến, Hội đồng khoa học cấp cơ sở

  1. Danh hiệu ‘‘Chiến sĩ thi đua cơ sở’’ được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt được tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Nghị định số.../2014/NĐ-CP của Chính phủ. Việc bình chọn, suy tôn danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở" phải đảm bảo tính điển hình tiên tiến, tránh tràn lan; căn cứ tình hình thực tiễn hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tỷ lệ danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở" không quá 15% trong tổng số cá nhân đạt danh hiệu ‘‘Lao động tiên tiến’’, ‘‘Chiến sĩ tiên tiến’’.

   2. Hội đồng sáng kiến, Hội đồng khoa học cấp cơ sở được qui định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số …/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Hội đồng sáng kiến của các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh, xã viên hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trong các lĩnh vực khác, do người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hợp tác xã có tư cách pháp nhân theo quy định thành lập để xét sáng kiến cho người lao động làm việc tại đơn vị đó.

   Điều 6. Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”,“Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”

   1. “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”, “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” được xét tặng mỗi năm một lần vào dịp tổng kết năm công tác của cơ quan, đơn vị, thực hiện theo Điều 17 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

   2. “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” là tập thể tiêu biểu được lựa chọn trong số các tập thể hoàn thành nhiệm vụ, đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 28 Luật Thi đua, Khen thưởng.

  3. “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” là tập thể tiêu biểu, được lựa chọn trong số các tập thể đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 27 Luật Thi đua, Khen thưởng. Tập thể đạt danh hiệu trên phải có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên (đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Công chức, Viên chức) hoặc hình thức “chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa 6 tháng” trở lên (đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động). Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” xét tặng  chủ yếu cho những đối tượng sau:

   a) Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên doanh... (trừ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và các đơn vị trực thuộc như xí nghiệp, phòng, phân xưởng; tổ, đội sản xuất (có tổ chức đảng, đoàn thể).

   b)  Đối với cấp tỉnh xét tặng cho: sở, ban, ngành, đoàn thể ; các phòng, ban và tương đương thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể trên; đơn vị sự nghiệp thuộc cấp tỉnh và  các đơn vị trực thuộc các đơn vị sự nghiệp đó.

   c) Đối với cấp huyện xét tặng cho: các phòng, ban và tương đương, các đơn vị trực thuộc cấp huyện, uỷ ban nhân dân cấp xã, đơn vị sự nghiệp thuộc cấp huyện quản lý.

   d) Đối với bộ ban, ngành, đoàn thể trung ương căn cứ tổ chức bộ máy của đơn vị mình, qui định đối tượng được xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho phù hợp.

   đ) Đối với lực lượng vũ trang do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định sau khi thống nhất với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. 

   Điều 7. Danh hiệu ‘‘Cờ thi đua Chính phủ’’, Cờ thi đua cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương

   1. ‘‘Cờ thi đua Chính phủ’’ được xét tặng hàng năm cho tập thể đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 Nghị định số   /2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tập thể tiêu biểu xuất sắc nhất trong tổng số tập thể đạt tiêu chuẩn cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương gồm các tập thể xuất sắc dẫn đầu một trong các lĩnh vực, ngành nghề và các cụm, khối thi đua. Số lượng đề nghị tặng "Cờ thi đua Chính phủ" không quá 10% tổng số những tập thể đạt tiêu chuẩn tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

   2. Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được xét tặng hàng năm cho các tập thể đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 16 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương tặng cho tập thể tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, được bình chọn, suy tôn trong các khối, cụm thi đua của bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

   Điều 8. Danh hiệu ‘‘Gia đình văn hoá’’, ‘‘Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa’’

   Danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa” và tương đương được xét tặng mỗi năm một lần vào cuối năm cho các đối tượng đạt tiêu chuẩn tại Điều 29 Luật thi đua, khen thưởng. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức bình xét, tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” và lựa chọn những gia đình tiêu biểu trong số các gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” để thưởng tiền theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 71 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

   Điều 9. Trách nhiệm của các bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trong việc tuyên truyền đối với các cá nhân, tập thể đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc’’ và các danh hiệu vinh dự Nhà nước.

   1. Các bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hàng năm có trách nhiệm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức để tuyên truyền, phổ biến  kinh nghiệm và tôn vinh các điển hình tiên tiến.

   2. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và danh hiệu vinh dự Nhà nước thực hiện phổ biến kinh nghiệm để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác học tập, noi theo.

   Điều 10.  Các loại hình khen thưởng

   1. Khen thưởng theo thành tích, công trạng đạt được là hình thức khen thưởng cho tập thê, cá nhân đạt được thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

   2. Khen thưởng theo chuyên đề (hoặc theo đợt) là khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã đạt được thành tích xuất sắc sau khi kết thúc đợt thi đua, do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phát động.

   3. Khen thưởng đột xuất là khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã đạt được thành tích đột xuất, trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; dũng cảm cứu người, tài sản của nhân dân và của nhà nước (thành tích đột xuất là thành tích lập được trong hoàn cảnh không được dự báo trước, diễn ra ngoài dự kiến kế hoạch công việc bình thường mà tập thể, cá nhân phải đảm nhận). 

  4. Khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia trong các giai đoạn cách mạng (giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội), có công lao, thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. 

   5. Khen thưởng theo niên hạn là khen thưởng cho cá nhân thuộc lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân có thành tích, có thời gian tham gia xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.

  6. Khen thưởng đối ngoại là khen thưởng cho tập thể, cá nhân người nước ngoài đã có thành tích, có đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao....

   Điều 11. Khen thưởng quá trình cống hiến

   1. Tiêu chuẩn thời gian xét khen thưởng quá trình cống hiến thực hiện như sau:

   a) Cán bộ tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 là những người bắt đầu tham gia cách mạng từ ngày 31 tháng 12 năm 1944 trở về trước hoặc người được kết nạp Đảng trước ngày 19 tháng 8 năm 1945, được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

   b) Cán bộ tiền khởi nghĩa là người tham gia cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày 19 tháng 8 năm 1945, được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

   c) Cán bộ hoạt động liên tục trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là người có thời gian tham gia công tác liên tục trong khoảng thời gian từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

   d) Cán bộ hoạt động thời kỳ kháng chiến chống Pháp là người có thời gian tham gia công tác liên tục trong khoảng thời gian từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 đến ngày 20 tháng 7 năm 1954.

  đ) Cán bộ hoạt động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là người tham gia công tác liên tục trong khoảng thời gian sau ngày 20 tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

   e) Cán bộ hoạt động thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là người tham gia công tác từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay.

   2. Thực hiện việc xét, đề nghị khen thưởng đối với những người có cống hiến lâu dài nêu trên khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, đã đến tuổi nghỉ chế độ hoặc đã nghỉ chế độ mà chưa được khen thưởng quá trình cống hiến (kể cả các trường hợp đã hy sinh, từ trần). 

   3. Về thời gian giữ chức vụ thực hiện như sau:

   a) Cá nhân có thời gian giữ chức vụ cao nhưng không đủ thời gian để được tính khen theo tiêu chuẩn quy định đối với chức vụ đó thì được cộng với số thời gian giữ chức vụ thấp hơn liền kề để tính tiêu chuẩn khen thưởng theo chức vụ thấp hơn liền kề.

   b) Cá nhân trong cùng một thời gian đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau thì lấy chức vụ cao nhất để làm căn cứ áp dụng tiêu chuẩn khen thưởng.

   4. Điều kiện áp dụng khen thưởng như sau :

   a) Không khen thưởng đối với người bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, bị kỷ luật buộc thôi việc, bị loại ngũ, tước quân tịch, bị toà án tuyên có tội. Đối với cán bộ bị kỷ luật khai trừ Đảng, sau đó đã sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu và được kết nạp lại vào Đảng, nếu đạt tiêu chuẩn quy định thì được xét khen thưởng. 

   b) Hạ một mức khen đối với người đã bị kỷ luật lưu Đảng, khai trừ Đảng sau đó được kết nạp lại và những người: bị cách chức, giáng chức, hạ bậc lương, cảnh cáo. Hình thức kỷ luật của cá nhân chỉ xem xét một lần đối với một hình thức khen thưởng (những lần xét khen sau không căn cứ vào hình thức kỷ luật đã xét khen lần trước).

   Điều 12. Chức danh tương đương.

   Về quy định chức danh tương đương để xét khen thưởng, thực hiện như sau:

   1. Chức danh tương đương là chức danh được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm cho cán bộ, công chức (hoặc công nhận giữ các chức vụ bầu cử) làm công tác lãnh đạo và quản lý trong các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội

   2. Cấp có thẩm quyền quyết định (hoặc công nhận):

   Cấp Trung ương: Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương.

   Cấp địa phương: Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

   2. Các chức danh tương đương:

   a) Chức danh tương đương Bộ trưởng gồm: Giám đốc Học viện Chính trị  quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Bí thư Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội,  Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

   b) Chức danh tương đương Thứ trưởng gồm: Phó Trưởng ban Đảng, Phó Trưởng đoàn thể Trung ương gồm: Phó Chánh Văn phòng Trung ương; Phó Chủ nhiệm, Ủy viên ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phó Giám đốc Học viện Chính trị  quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Ban Cán sự Đảng ngoài nước, Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương, Giám đốc Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu Nghị; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

   Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Thủ trưởng cơ quan, Tổng cục trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

   c) Chức danh tương đương Vụ trưởng (Cục trưởng) gồm: Các chức danh lãnh đạo, quản lý được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,9 đến 1,25 hiện nay (hoặc phụ cấp 0,8 theo Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ); các chức danh lãnh đạo, quản lý được xếp bảng lương chức vụ có mức lương 533, 576, 621 đồng/tháng theo Nghị định số 235/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng; các chức danh lãnh đạo, quản lý được xếp lương chức vụ Vụ trưởng (Cục trưởng) trước năm 1985.

   d) Chức danh tương đương Phó Vụ trưởng (Phó Cục trưởng) gồm: Các chức danh lãnh đạo, quản lý được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và được xếp hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,7 hiện nay (hoặc phụ cấp 0,5 theo Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ); các chức danh lãnh đạo, quản lý được xếp bảng lương chức vụ có mức lương 474, 513, 555 đồng/tháng theo Nghị định số 235/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng; các chức danh lãnh đạo, quản lý được xếp lương chức vụ Phó Vụ trưởng (Phó Cục trưởng) trước năm 1985.

  đ) Chức danh tương đương Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

   e) Chức danh tương đương Giám đốc Sở, trưởng các đoàn thể cấp tỉnh gồm: Các chức danh lãnh đạo, quản lý được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc quyết định công nhận (qua bầu cử) và được xếp hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,9 hiện nay (hoặc 0,7 trước đây); các chức danh lãnh đạo, quản lý được xếp bảng lương chức vụ có mức lương 474, 513, 555 đồng/tháng theo bảng lương chức vụ quy định tại Nghị định số 235/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng hoặc được xếp bằng lương chức vụ Giám đốc Sở trước năm 1985.

   Đối với các trường hợp cán bộ thực hiện yêu cầu luân chuyển, điều động do cấp có thẩm quyền quyết định giữ các chức vụ thấp hơn trước khi luân chuyển, khi xem xét khen thưởng được lấy chức vụ trước khi luân chuyển, điều động để làm căn cứ tính và được hưởng thời gian liên tục theo chức vụ đó để đề nghị khen thưởng.

   Điều 13. Đối tượng tập thể để xét khen thưởng ‘‘Huân chương Sao vàng’’, ‘‘Huân chương Hồ Chí Minh’’

   1. ‘‘Huân chương Sao vàng’’, ‘‘Huân chương Hồ Chí Minh’’ tặng cho tập thể được quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị định số…/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đơn vị tương đương với Tổng cục thuộc Bộ là các tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ có quy mô tổ chức lớn, có chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quy định hoặc được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định.

   2. Tập thể có chức năng, nhiệm vụ đặc biệt là những tập thể trong lĩnh vực quốc phòng, công an, khoa học công nghệ và một số lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ đặc thù do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định, có nhiệm vụ hoạt động bí mật để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

   Đối với các Sở, ban, ngành thuộc 5 thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính nhà nước ở vùng biển, đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Chính phủ quy định có thành tích đặc biệt xuất sắc, đủ điều kiện tiêu chuẩn theo qui định của Điều 8 Nghị định số…/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì được xét tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

 Điều 14. Điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng

   1.  Tiêu chuẩn khen thưởng được quy định trong Luật Thi đua, Khen thưởng và Nghị định số 42/2010/NĐ-CP, Nghị định số …./2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định và đảm bảo áp dụng phù hợp với từng mức hạng, từng loại thành tích tương ứng với kết quả đạt được trong phong trào thi đua, tương ứng với mức độ công lao đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước, của Bộ, ngành hoặc của từng địa phương; thành tích đạt được nhiều, công lao đóng góp lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng thì mức hạng khen thưởng cao; không nhất thiết phải theo tuần tự có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới khen thưởng mức cao; không cộng dồn thành tích đã khen của lần trước để nâng mức khen lần sau. 

   2. Đối với “Huân chương Sao vàng”, “Huân chương Hồ Chí Minh”, là Huân chương cao quý thì điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng phải có bề dày truyền thống, có công lao đóng góp to lớn cống hiến cho sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

   3. Mốc thời gian xét khen thưởng được quy định từ Điều 7 đến Điều 14 Nghị định số ……/2014/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện như sau: Quy định thời gian 25 năm hoặc 10 năm để làm mốc thời gian đề nghị khen thưởng cho lần tiếp theo: là thời gian tính từ khi quyết định khen thưởng lần trước có hiệu lực, tính đến thời điểm trình khen thưởng lần sau phải đủ 25 năm hoặc 10 năm trở lên.

   Căn cứ vào kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập, ngày truyền thống (năm chẵn, tròn) của bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, để đề nghị các hình thức khen thưởng phù hợp với thành tích đã đạt được theo qui định.

   4. Những tập thể không thuộc đối tượng xét tặng cờ thi đua, danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, hàng năm khi xem xét đề nghị tặng thưởng “Bằng khen Thủ tướng Chính phủ” quy định tại Điều 71 Luật Thi đua, Khen thưởng, Huân chương qui định tại các Điều 42,43,44,45,46 và Điều 47 Luật Thi đua, Khen thưởng thì được căn cứ vào thành tích của các đơn vị trực thuộc trực tiếp, để xem xét khen thưởng cụ thể là: trong khoảng thời gian xét khen thưởng (ví dụ 05 năm) thì hàng năm phải có từ 2/3 trở lên số đơn vị trực thuộc trực tiếp phải đạt danh hiệu “Tập thể tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” trở lên và tập thể đó phải đạt các hình thức khen thưởng theo quy định. 

   5. Cá nhân trong thời gian giữ chức vụ, được cử đi học tập trung trên 06 tháng, sau khi đi học về vẫn giữ chức vụ cũ hoặc được bổ nhiệm chức vụ cao hơn thì thời gian đi học được tính thời gian giữ chức vụ trước khi đi học; nếu sau khi đi học về giữ chức vụ thấp hơn hoặc không giữ chức vụ thì không được tính thời gian đi học theo chức vụ trước khi đi học để làm căn cứ xét khen thưởng.

   6. Những cán bộ đã nghỉ hưu, nay đơn vị đã giải thể hoặc sáp nhập thì đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ của cơ quan đó có trách nhiệm xem xét, đề nghị; Các cá nhân đã nghỉ hưu (hoặc hy sinh, từ trần) hồ sơ đề nghị khen thưởng do cơ quan quản lý cán bộ trước khi nghỉ hưu (hoặc hy sinh, từ trần) xem xét, hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

   7. Cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý (kể cả cán bộ đã nghỉ hưu, từ trần) công tác ở các cơ quan, đoàn thể trung ương hoặc ở các địa phương, căn cứ hồ sơ đảng viên (hoặc hồ sơ quản lý cán bộ nếu không là đảng viên) về quá trình công tác và thành tích đạt được, cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy hoặc Vụ (Phòng, Ban) Tổ chức cán bộ của Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương lập hồ sơ các trường hợp đủ tiêu chuẩn, báo cáo cấp ủy xem xét, xác nhận quá trình cống hiến, các hình thức khen thưởng và kỷ luật (nếu có); trên cơ sở đó Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trưởng các Ban, ngành, Lãnh đạo cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ. Việc xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương hoặc báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thực hiện.     

   8. Cá nhân đã được khen thưởng theo Thông tri 38-TT/TW và Thông tri số 19-TT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V), nay đối chiếu với tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ, nếu mức khen chỉ bằng mức đã khen trước đây theo Thông tri 38-TT/TW thì không khen nữa; nếu đủ tiêu chuẩn đạt mức khen cao hơn thì đề nghị xét điều chỉnh mức khen. Hồ sơ, thủ tục thực hiện theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

   Cá nhân chưa được khen, nếu điều kiện, tiêu chuẩn và thủ tục, hồ sơ đầy đủ theo Thông tri 38-TT/TW và Thông tri số 19-TT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V), tiếp tục được xét khen thưởng theo qui định.

   Đối với cá nhân đã được khen thưởng Huân chương Độc lập theo Thông tri số 38-TT/TW, Thông tri số 19-TT/TW, sau đó tiếp tục công tác, đảm nhiệm các chức vụ mới ở các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, nếu đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP và Nghị định số …./2014/NĐ-CP của Chính phủ thì tiếp tục được xét khen thưởng, hình thức khen thưởng có thể cao hơn, bằng hoặc thấp hơn mức đã được khen trước theo Thông tri 38-TT/TW. Thủ tục hồ sơ thực hiện theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

   Điều 15. Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương 

   Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được thực hiện theo Điều 24 của Nghị định sô...…./2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với các hộ gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có  nhiều đóng góp về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã  hội. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của bộ, ngành và địa phương quy định mức đóng góp của gia đình để khen thưởng cho phù hợp. 

   Điều 16. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp Bộ

   1. Hội đồng Thi đua – Khen thưởng cấp Bộ được thành lập và thực hiện theo các nhiệm vụ, quyền hạn tại Điều 28 Nghị định số..... …./2014/NĐ-CP của Chính phủ và có trách nhiệm tham mưu cho Bộ trưởng và Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể ở trung ương hướng dẫn thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc cấp bộ.

   2. Đối với các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương chưa thành lập Vụ (Phòng, Ban) Thi đua – Khen thưởng riêng thì đơn vị nào phụ trách công tác thi đua, khen thưởng là thường trực của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng cấp bộ.

   Điều 17. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh

   Hội đồng Thi đua – Khen thưởng cấp tỉnh được thành lập và thực hiện theo các nhiệm vụ, quyền hạn tại Điều 29 Nghị định số..... …./2014/NĐ-CP của Chính phủ và có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tich Ủy ban nhân cấp tỉnh hướng dẫn thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc cấp tỉnh.

   Điều 18. Thẩm quyền xét tặng danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến", "Chiến sĩ thi đua cơ sở", "Lao động tiên tiến", "Chiến sĩ tiên tiến".

   1. Thẩm quyền quyết định tặng các danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Tập thể lao động tiên tiến”, "Đơn vị tiên tiến" được quy định tại Điều 26 Nghị định số..../2014/NĐ-CP của Chính phủ. 

   2. Giám đốc các doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên doanh nước ngoài, hợp tác xã… hoạt động độc lập, được xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”cho các tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình. 

   3. Giám đốc các doanh nghiệp là thành viên của Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước hoặc tương đương được xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” và danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho các tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình.

    Điều 19. Quy định chung về thủ tục, hồ sơ 

   1. Quy định về kết quả bỏ phiếu kín của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng khi xét danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp và Hội đồng xét danh hiệu vinh dự Nhà nước: “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sỹ, Nghệ nhân (nhân dân và ưu tú), Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước phải được các thành viên của Hội đồng bỏ phiếu kín và có tỷ lệ phiếu bầu từ 90% trở lên, tính trên tổng số thành viên của Hội đồng cấp đó (nếu thành viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng phiếu bầu). 

   2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng có trách nhiệm công khai tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng Huân chương, danh hiệu vinh dự nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, trên phương tiện thông tin thuộc quyền quản lý và xử lý thông tin trước khi trình cấp trên khen thưởng. 

   3. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Báo Nhân dân, Báo Lao động đối với danh hiệu Anh hùng, trong thời hạn 10 ngày làm việc, sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định (trừ trường hợp đặc biệt).

   4. Trường hợp các cá nhân, tập thể do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện có thành tích tiêu biểu xuất sắc được đề nghị khen thưởng, hồ sơ trình cấp trên là tờ trình khen thưởng (nội dung trong đó có danh sách, tóm tắt thành tích của cá nhân, tập thể) do cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị thực hiện

   Điều 20. Tuyến trình khen thưởng

   1. Việc đề nghị các hình thức khen thưởng đối với các tổ chức và cá nhân làm công tác đảng, đoàn thể:

   a) Tập thể, cá nhân chuyên trách công tác đảng, đoàn thể ở các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương thì nơi nào trực tiếp quản lý cán bộ và trả lương nơi đó xét, quyết định khen thưởng hoặc trình cấp trên quản lý trực tiếp khen thưởng.

   b) Tập thể, cá nhân chuyên trách công tác đảng, đoàn thể thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ tiêu chuẩn khen thưởng theo quy định thì cơ quan đảng (các ban, cơ quan đảng trực thuộc tỉnh, thành uỷ), đoàn thể trực tiếp quản lý xét đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khen thưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng.

   c) Tập thể chuyên trách công tác đảng, đoàn thể thuộc cấp huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh) có đủ tiêu chuẩn khen thưởng quy định thì cơ quan đảng (các ban, cơ quan trực thuộc huyện, quận, thị uỷ), đoàn thể trực tiếp quản lý xét đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định khen thưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (thành phố) khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

   2. Đối với tổ chức công đoàn.

   a) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khen thưởng và trình cấp trên khen thưởng cho: Các ban, đơn vị, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công đoàn ngành trung ương và cán bộ công đoàn chuyên trách, hưởng lương từ ngân sách công đoàn. 

   b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương khen thưởng và trình cấp trên khen thưởng cho các đối tượng sau: Liên đoàn lao động cấp huyện; công đoàn ngành cấp tỉnh; công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất; công đoàn Tổng công ty và tương đương; công đoàn cơ sở.  

   Điều 21. Hồ sơ, thời điểm trình khen danh hiệu thi đua, Huân chương, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu vinh dự Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước

   1. Danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” được tổ chức 5 năm xét một lần, trừ những trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất. Thời điểm xét phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” bắt đầu tính từ năm 2015.

   Các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho các tập thể và cá nhân (qua Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương) trước thời điểm xét 06 tháng của năm thứ 5.

   Ví dụ: Năm 2020 xét phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thì các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho các tập thể, cá nhân về Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương trước ngày 01 tháng 07 năm 2019

   2. Hồ sơ đề nghị khen thưởng Huân chương, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” thực hiện theo khoản 4 Điều 57 và khoản 2 Điều 58 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

   Hồ sơ đề nghị khen thưởng “Huân chương Sao vàng”, “Huân chương Hồ Chí Minh”, “Huân chương Độc lập”, “Huân chương Lao động” cho cán bộ có công lao, thành tích, quá trình cống hiến qua các giai đoạn cách mạng; hồ sơ gồm: Tờ trình kèm theo danh sách trích ngang cán bộ được đề nghị khen thưởng, bản tóm tắt quá trình công tác, thời gian từng giữ  chức vụ, các hình thức khen thưởng và kỷ luật của cá nhân đó.

   3. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành về quy trình, thủ tục, tính chính xác hồ sơ, thẩm định tiêu chuẩn khen thưởng của các đối tượng trình khen thưởng trước khi trình cấp trên khen thưởng.

   Điều 22. Thông báo kết quả khen thưởng

   Các tập thể, cá nhân đủ tiêu chuẩn khen thưởng hoặc đã được cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng (trừ khen thưởng đột xuất), trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định khen thưởng, cơ quan thẩm định hồ sơ phải thông báo cho đơn vị trình khen thưởng biết.

   Các tập thể, cá nhân không đủ tiêu chuẩn khen thưởng, trong thời hạn 10 ngày làm việc (kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định đồng ý với cơ quan thẩm định), cơ quan thẩm định phải thông báo cho đơn vị trình khen biết. Nếu hồ sơ không đúng tuyến trình, cơ quan thẩm định thông báo và trả hồ sơ cho cơ quan, đơn vị trình khen thưởng.

   Điều 23. Lưu trữ hồ sơ khen thưởng

   Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ khen thưởng của cấp mình và cấp cơ sở để thuận tiện cho việc tra cứu hồ sơ, giải quyết đơn, thư khiếu nại của công dân hoặc xác nhận cho các đối tượng được hưởng chính sách khi có yêu cầu. Chế độ bảo quản hồ sơ thực hiện theo quy định về lưu trữ. 

   Điều 24.  Sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng

    1. Nguồn hình thành, mức trích và việc sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng thực hiện theo quy định tại Điều 67, 68 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

   2. Về tiền thưởng kèm theo danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng:

   a) Trong cùng một thời điểm, cùng một thành tích một đối tượng nếu đạt nhiều danh hiệu thi đua kèm theo các mức tiền thưởng khác nhau thì chỉ nhận mức tiền thưởng cao nhất.

   Ví dụ: Năm 2009, ông Nguyễn Văn A được công nhận là “Lao động tiên tiến”, sau đó được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” năm 2009, thì chỉ được nhận  tiền thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”.

   b) Trong cùng một thời điểm một đối tượng đạt nhiều danh hiệu thi đua, thời gian để đạt được các danh hiệu thi đua đó khác nhau thì được nhận tiền thưởng của các danh hiệu thi đua khác nhau.

   Ví dụ: Năm 2007, 2008,  2009 ông Nguyễn Văn A được  tặng thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, kết thúc năm 2009 được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương” thì ông Nguyễn Văn A được nhận tiền thưởng của danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” năm 2009 và cả tiền thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

   b) Trong cùng thời điểm một đối tượng vừa đạt danh hiệu thi đua vừa đạt hình thức khen thưởng của hai thành tích khác nhau thì được nhận tiền thưởng của danh hiệu thi đua và của cả hình thức khen thưởng. 

   Điều 25. Thủ tục, hồ sơ hủy bỏ quyết định khen thưởng

   1. Cá nhân gian dối trong việc kê khai thành tích để được khen thưởng Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen thì bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật và tiền thưởng đã nhận. 

   2. Căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền xác định việc cá nhân kê khai gian dối thành tích để được khen thưởng, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng ra quyết định hủy bỏ.

   3. Hồ sơ đề nghị hủy bỏ quyết định gồm có: 

   a) Tờ trình của cơ quan trực tiếp trình khen thưởng đối với từng loại hình khen thưởng cho cá nhân.

   b) Báo cáo tóm tắt lý do trình cấp có thẩm quyền hủy bỏ quyết định khen thưởng.

  4. Sau khi có quyết định hủy bỏ hình thức khen thưởng, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm thu hồi hiện vật khen thưởng giao nộp về cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng cùng cấp; số tiền thưởng thu nộp vào ngân sách nhà nước hoặc quỹ khen thưởng theo quy định.

   Điều 26. Thủ tục, hồ sơ tước danh hiệu

   1. Căn cứ quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã trình khen thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước đối với các trường hợp vi phạm pháp luật có trách nhiệm làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tước danh hiệu vinh dự nhà nước.

   Sau khi có quyết định Chủ tịch nước, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm thu hồi hiện vật khen thưởng giao nộp về cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng cùng cấp; số tiền thu nộp vào ngân sách nhà nước hoặc quỹ khen thưởng theo quy định.

   Điều 27.  Hiệu lực thi hành

   Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 02/2011/TT-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng 

   Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương tổ chức thực hiện Thông tư này.

   Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) để nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh./.

 

Nơi nhận:                                                                                                                      BỘ TRƯỞNG

- Thủ tướng Chỉnh phủ (để báo cáo);

- Hội đồng TĐKT Trung ương;

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; 

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ;

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- UBTW Mặt trận Tổ quốc VN;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- Kiểm toán nhà nước;

- Ngân hàng phát triển Việt Nam;

- Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước;

- ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP  Hồ Chí Minh;

- Bộ Nội vụ: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, Cổng TTĐT, Công báo, các đơn vị  trực thuộc;

- Lưu: VT, Ban TĐKT TW.       

 

 
Ý kiến của bạn