(BTĐKT)-Sự kiện bà con dân tộc Xơ Đăng của 3 làng Long Jôn, Đăk Brái, Đăk Rơ Me, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi , tỉnh Kon Tum phải đu trên một sợi dây cáp mong manh, nguy hiểm để qua sông Pô Kô đã làm “nóng” dư luận trong cả nước cách đây chưa lâu.
Nhưng chỉ sau vài tháng, với sự tiếp sức của Quỹ khuyến học Việt Nam và báo Dân Trí, chiếc cầu treo nghĩa tình trên dòng sông Pô Kô đã nối lại đôi bờ, mang niềm vui lớn cho người dân xã Đăk Ang và làm nức lòng đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Cầu treo Pô Kô.
Cách thành phố Kon Tum khoảng hơn 80km, chúng tôi đến cầu Pô Kô khi báo Dân trí và Quỹ khuyến học Việt Nam đã tổ chức khánh thành cầu và đưa vào sử dụng. Người dân qua lại khá đông. Nhìn thấy chúng tôi đứng ở chân cầu, biết là khách lạ ở xa về nên ai cũng nhìn chúng tôi với ánh mắt thiện cảm, biểu lộ niềm vui và sự cảm ơn chân thành từ tấm lòng của người Xơ Đăng bản xứ. Là ngày chủ nhật, ông A Nua, già làng Long Jôn dẫn đứa cháu từ làng ra ngắm chiếc cầu mới. Gặp tôi ông nắm chặt lấy tay nói: “Vui cái bụng lắm cán bộ à, niềm mơ ước bao đời nay đã thành sự thật rồi”. Chúng tôi còn gặp rất nhiều người dân, các em học sinh đi qua chiếc cầu mới này. Chị Y Vang, người ở làng Đăk Brái chia sẻ: “Đỡ khổ nhiều rồi, ngày trước chưa có cầu, nếu có tiền cũng không ra xã mua đồ được đâu, bây giờ thì thích lắm…”. Rồi chị chỉ vào chiếc gùi được đeo ở sau lưng với đầy ắp hàng hóa vừa mua được ở phiên chợ đầu xã với nét mặt phấn chấn và mãn nguyện. Chúng tôi gặp ông A Nam Thị, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ang, ông cho biết: “Trước đây, bắc qua sông Pô Kô là chiếc cầu treo bằng gỗ nhưng đã bị cuốn trôi trong cơn bão lớn. Đây là chiếc cầu huyết mạch phục vụ được nhiều bà con dân tộc xã Đăk Ang nhất. Bờ bên này cầu là trung tâm xã, bưu điện, ngân hàng, khu thương mại và là nơi hai trường tiểu học và trường THPT cơ sở… Đầu bên kia là 3 làng lớn nhất trong số 8 làng của xã là Long Jôn, Đăk Brái, Đăk Rơ Me với hàng ngàn dân sinh sống”. Khi cơn bão cuốn phăng cầu thì người dân của 3 làng hàng ngày vẫn phải qua sông. Bà con đã phải treo 1 sợi dây cáp rồi đu từng người một qua sông rất nguy hiểm, nhất là hàng trăm em học sinh hàng ngày phải đu dây vượt sông đến lớp. Sau khi biết tin này, báo Dân Trí và Quỹ khuyến học Việt Nam đã kêu gọi với hàng vạn tấm lòng của bạn đọc Dân Trí, các nhà hảo tâm đã đóng góp số tiền trên 1,5 tỷ đồng, giúp Hội khuyến học tỉnh Kon Tum xây dựng thành công chiếc cầu mang tên “Khuyến học và Dân Trí” to đẹp, vững chãi như hôm nay. Cầu được làm toàn bộ bằng sắt thép kiên cố, dài 120 mét, rộng 1,2 mét, đường dẫn hai đầu bằng bê tông dài 47 mét. Ông Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập báo Dân Trí, giám đốc Quỹ khuyến học Việt Nam trong phát biểu tại lễ khánh thành cầu cho biết: “Đây là cây cầu mang tên “Khuyến học và Dân Trí” . Ông Hoàn xúc động nhắc lại hai câu thơ tâm huyết của ông Phạm Việt Cường, một Việt Kiều từ Mỹ gửi về Dân Trí khi góp tiền xây dựng cầu: “Dòng Pô Kô địa hình cao nguyên núi rừng, thiên nhiên hung hãn/Cản nổi sao bao nghĩa tình quyết nối lại đôi bờ vui”. Còn ông Phạm Toàn Thắng ở 34 Phạm Văn Đồng, thành phố Kon Tum, người đã viết thư cho báo Dân Trí nhờ xây cầu ngay sau khi đọc được những dòng tin đầu tiên về cảnh đu cáp của người dân qua sông Pô Kô thì vui lắm: “Khi viết những trăn trở gửi đến Dân Trí, tôi nghĩ mình đang cầu mong một điều quá xa vời. Nhưng hôm nay nó đã thành sự thật, một sự thật rất nhanh đã đến với người dân quê tôi”. Trong buổi lễ khánh thành cầu , ông A Xem , Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Ngọc Hồi nói: “ Từ hình ảnh các em học sinh phải vượt sông đi học, các nhà hảo tâm đã chung tay đóng góp xây dựng nên cây cầu này. Cây cầu được đưa vào sử dụng là niềm vui và mong ước của các em học sinh và đồng bào các dân tộc xã Đăk Ang và người dân các vùng lân cận”.
Tây Nguyên đang từng ngày thay đổi. Giữa núi rừng nơi cực Bắc Tây Nguyên này đã hiện lên một chiếc cầu vững chãi, bề thế bắc ngang sông Pô Kô cuộn chảy. Nhìn những dòng người hối hả trên cầu, ta bắt gặp những ánh mắt người dân Xơ Đăng như đều ánh lên niềm vui về một cuộc sống mới đang mở ra từ chiếc cầu nhân ái này và một niềm tin son sắt với Đảng, với quê hương.
Nguyễn Ngọc Diễm