Xây dựng nông thôn mới ở Tam Phúc: Về đích theo đúng cam kết

 7952 lượt xem
(BTĐKT)-Tam Phúc là xã vùng đồng bằng, gần trung tâm huyện Vĩnh Tường. Tổng diện tích đất tự nhiên là 307,58 ha với số dân toàn xã là 3.639 khẩu, 1.039 hộ gia đình, mật độ bình quân 1.183 người/km2. Dân cư Tam Phúc được phân bố ở 6 thôn làng. Cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể của xã hiện nay gồm 20 cán bộ định biên. Đảng bộ xã gồm 178 đảng viên, sinh hoạt tại 11 chi bộ. 

Năm 2011, Tam Phúc được Ban thường vụ Tỉnh ủy chọn là 1 trong 20 xã làm điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh và là 1 trong 3 xã làm điểm của huyện Vĩnh Tường. Sau 3 năm triển khai chương trình, với quyết tâm cao, sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, Tam Phúc đã về đích đúng theo cam kết.

Bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Tam Phúc có xuất phát điểm tương đối cao với 9/19 tiêu chí. Đội ngũ cán bộ của xã năng động, có trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc tốt, đảng viên gương mẫu có tinh thần trách nhiệm, nhân dân đồng thuận, kinh tế phát triển khá, tương đối đồng đều. Tuy nhiên, xã chưa có quy hoạch tổng thể, quy hoạch điểm khu dân cư, quy hoạch vùng sản xuất nên một số cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ và trang trại hình thành tự phát không theo khu, theo vùng. Cơ sở hạ tầng địa phương xây dựng trước nên có những công trình không đồng bộ, còn chắp vá không đạt mỹ quan chung. Hiệu quả hoạt động của một số bộ phận giúp việc cho Ban chỉ đạo còn chưa cao; số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng nông thôn mới ở cấp xã còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chương trình mới được triển khai, vừa làm vừa rút kinh nghiệm do đó cán bộ còn lúng túng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đầu tư cho chương trình từ ngân sách các cấp còn hạn chế, chưa kịp thời, chưa đáp ứng nhu cầu của Đề án xây dựng nông thôn mới…
 
Trước thực tế này, Đảng bộ xã đã kịp thời chỉ đạo các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tập trung ưu tiên các tiêu chí địa phương có thế mạnh. Tháng 7/2011, BCH Đảng bộ xã đã tổ chức hội nghị bàn về công tác xây dựng NTM của xã và thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban; ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện chương trình xây dựng NTM của xã giai đoạn 2011 - 2015; UBND xã thành lập Ban quản lý xây dựng NTM với 01 Tổ giúp việc Ban quản lý, 06 Ban phát triển thôn ở khu dân cư. Đến tháng 12/2011, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã đã hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới của xã giai đoạn 2011 - 2015.
 
Kết quả đạt được trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã kết tinh từ nhiều yếu tố. Trước hết là vị trí tiên quyết của công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, chính quyền xã. Quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo của xã lấy việc tuyên truyền, vận động làm khâu đột phá. Xã đã triển khai quyết liệt, bài bản, tuyên truyền mạnh mẽ qua nhiều kênh thông tin như: Mở hội nghị các ban, ngành, đoàn thể thảo luận, quán triệt; tổ chức họp dân; mở các lớp tập huấn kiến thức về xây dựng nông thôn mới; phát tờ gấp, tờ rơi, gặp gỡ, vận động trực tiếp đến từng hộ gia đình; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh. Thông qua tuyên truyền, vận động, người dân đã nắm bắt được nội dung, ý nghĩa, mục đích chương trình xây dựng nông thôn mới, thấy được lợi ích, trách nhiệm, vai trò chủ thể của mình, từ đó tự giác, tự nguyện, tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. 
 
Xác định được nguồn lực tại chỗ của địa phương thuần nông, xã chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; triển khai đồng bộ các giải pháp về khoa học kỹ thuật; làm tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư; tổ chức quản lý, đào tạo nguồn lao động; tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng việc đưa các giống cây mới, con mới, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Cùng với đó, ưu tiên phát triển mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
 
 Với sự nỗ lực cố gắng của mình, Tam Phúc đã về đích đúng theo cam kết đã ký là đến 31/10/2013 hoàn thành 19/19 tiêu chí. 
 
Địa phương đã tiến hành lập quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành và công khai theo quy định 100%. Đường trục xã, liên xã đã cứng hóa 3,54 km, đường trục thôn 7 km đã được đổ bê tông 100%, đường ngõ, xóm của xã có 6 km đã được cứng hoá bằng bê tông xi măng và lát gạch 100%; đường giao thông trục chính nội đồng của xã có 6 km được bê tông cứng hóa 100%. 
 
Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh. Tổng số km kênh mương do xã quản lý (kênh loại 3) đã được kiên cố hóa 9,084km đạt 85,3%; xã có 3 công trình trạm bơm đang hoạt động và được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên bảo đảm phát huy 90% năng lực thiết kế; đáp ứng diện tích tưới cây hàng năm 483ha, diện tích tiêu 18ha, diện tích nuôi trồng thủy sản là 71ha.  
 
Hệ thống điện cơ bản đáp ứng nhu cầu kỹ thuật của ngành điện. Toàn xã có 4 trạm biến áp; 2,5km đường dây trung thế; 14,3 km đường dây hạ thế ; 1.039/1.039 hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt quy định.
 
Tiêu chí về trường học của xã cũng đạt chuẩn.  Xã có 1 trường mầm non, diện tích bình quân 20m2/học sinh; 1 trường tiểu học, diện tích bình quân 25,4m2/học sinh; 1 trường THCS, diện tích bình quân 31,1m2/học sinh. Cả 3 trường đều có cơ sở vật chất đạt chuẩn và được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I. 
 
Tam Phúc đã hoàn thành việc phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm (bao gồm cả hệ bổ túc) đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, bổ túc trung học, học nghề đạt 100%.
 
Trung tâm văn hóa xã có diện tích 10.374 m2 với các hạng mục nhà luyện tập thể thao, sân khấu ngoài trời, sân thể thao, sân khấu ngoài trời, sân thể thao, nhà văn hóa, nhà chức năng. 6/6 thôn có nhà văn hóa và sân thể thao thôn với đầy đủ trang thiết bị; có khu trung tâm thể thao xã; 1 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính - viễn thông, có phủ sóng truy cập mạng Internet. Xã có 6/6 thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa cấp tỉnh; có trên 90% số gia đình đạt “Gia đình văn hóa” trong 3 năm liền. 
 
Về nhà ở dân cư: Trên địa bàn xã không có nhà ở tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở (nền cứng, khung cứng và mái cứng) đạt 100%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 24,891 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo 30/1.039 hộ chiếm 2,89%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 1.885/2.045 người đạt 92,2%.
 
Xã có 1 Trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia với 8 cán bộ; tỷ lệ người dân tham gia BHYT là 2.658/3.685 người đạt 72,1%.
 
Trong xã tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5% (1.024/1.039 hộ); 92% cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường; đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh – sạch – đẹp; nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch; chất thải được thu gom 100%...
 
Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh. Xã có 20 cán bộ, công chức, 100% cán bộ đạt chuẩn về chuyên môn. Xã có đầy đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định. Đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã được công nhận tiên tiến 3 năm liền.
 
Trong 3 năm, cấp ủy và chính quyền địa phương đã lãnh đạo lực lượng công an tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Xã có 12 mô hình tự quản trong dòng họ, 39 mô hình “Tổ liên gia tự quản tiêu biểu” gắn với xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội. Hàng năm, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo công an xã có kế hoạch để tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên về nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã. Lực lượng công an xã đã chủ động phối hợp với các đoàn thể và nhân dân đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm, trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho các tầng lớp nhân dân. Lực lượng công an đã làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng, triệt xóa các băng nhóm tội phạm. Nhờ đó, tình hình an ninh, trật tự xã ổn định. Cả 6/6 thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn an ninh, trật tự và Công an xã đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng năm 2013.
 
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của xã đã được đổi thay, khởi sắc hơn; cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể; đời sống của nhân dân được nâng lên, nhận thức của đảng viên và nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới được rõ ràng, nhất là trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”.
 
Xây dựng xã Tam Phúc trở thành xã nông thôn mới thời kỳ CNH – HĐH thể hiện các đặc trưng: Có nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân được nâng cao; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, có các hình thức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ... nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở xã, thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng. 
 
Để hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Tam Phúc đã phát huy tối đa nội lực về nguồn vốn: Xây dựng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; tăng cường tuyên truyền vận động, huy động nhân dân đóng góp công sức và tiền của, đất đai; vận động các doanh nghiệp ủng hộ giúp đỡ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban Quản lý; xác định công tác xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nên phải xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững. Đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế hộ gia đình; có cơ chế chính sách tạo điều kiện về vốn vay để con em nông thôn được xuất khẩu lao động sang các nước có nền kinh tế phát triển. Đồng thời, tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí…                                            
Qua 3 năm xây dựng và thực hiện Đề án xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí Quốc gia ban hành đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ xã Tam Phúc phát huy được năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, bổ sung thêm trình độ chuyên môn, từ đó phát huy được thế mạnh của từng cán bộ trong xã. 
 
Bài học từ thành công của Tam Phúc trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động để quán triệt tới toàn bộ cán bộ, Đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; cán bộ chỉ đạo thực hiện phải vô tư, khách quan, nhiệt tình, trách nhiệm, không ngại khổ, ngại khó, trong quá trình thực hiện những phát sinh vướng mắc cần làm rõ và giải quyết dứt điểm. Một điều rất quan trọng là phải xác định được nguồn lực tại chỗ của địa phương, phát huy tốt nội lực trong dân để cả hệ thống chính trị cùng nhân dân chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới.
 
Với những thành tích xuất sắc, xã Tam Phúc đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen để ghi nhận những cố gắng vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân địa phương trong thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2013./.
 
Nguyễn Thị Bích Phượng
 
 
Ý kiến của bạn