(BTĐKT) - Ở Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ thuộc Viện Dầu khí Việt Nam, kỹ thuật viên Tô Văn Thường là người có nhiều đề tài sáng kiến trong lĩnh vực ăn mòn.
Từ năm 1977-1983, ông làm việc tại Nhà máy Lọc dầu Slovnàt Bratílava ở Slovakia, tay nghề của ông đã đạt đến bậc 6/7 - thuộc loại hiếm của người Việt Nam làm việc tại nước ngoài. Ngày đó, tay nghề của ông Thường tăng bậc đến kinh ngạc, chừng 2 năm tăng 1 bậc khiến nhiều chuyên gia nước ngoài cũng phải nể phục. Ông Thường cũng cho biết thêm, sau 3 năm học nghề, học viên phải ở lại nước sở tại làm việc khoảng 3 năm để trả phí đào tạo cho phía bạn nhưng thời điểm đó nước ta chưa có nhà máy lọc dầu, thế nên ông đã ở lại làm việc 6 năm liên tục tại nhà máy lọc dầu… Ông phụ trách một nhóm kỹ thuật có 3 kỹ sư “Tây”, ông từng đảm nhận các phần việc ở phân xưởng tinh chế và sản xuất dầu máy bay, dầu thắp; sau đó ông được điều động sang phân xưởng Etilen, phụ trách lò nhiệt phân.
Kỹ thuật viên Tô Văn Thường đang vận hành máy incorporated trong phòng thí nghiệm.
Những năm làm việc tại Slovakia đã tôi rèn cho chàng thanh niên Tô Văn Thường một bản lĩnh nghề nghiệp và sức sáng tạo cao. Tại đất nước Slovakia nhỏ bé cũng có dầu mỏ nhưng trữ lượng ít nên phải nhập khẩu phần lớn dầu thô để chế biến. Thời điểm cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, ở Việt Nam mới phát hiện ra các mỏ khí ở Thái Bình và bước đầu phát hiện được dầu mỏ ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Bởi vậy, những kỹ sư, công nhân kỹ thuật lọc hóa dầu được đào tạo bài bản từ châu Âu như ông Tô Văn Thường được Tổng cục Dầu khí rất chú tâm để sau này chuẩn bị nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp lọc hóa dầu ở Việt Nam.
Năm 1986, Việt Nam đã khai thác những tấn dầu thô đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ và ngành Dầu khí cũng đã đề ra kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, công cuộc xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của nước ta đã bị chậm lại. Chính vì thế ông Tô Văn Thường đã được Tổng cục Dầu khí phân về Viện Dầu khí.
Sáng kiến mà ông cảm thấy nhớ nhất là vào năm 1987, Viện Dầu khí có hợp đồng hợp tác với Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng để đo hệ thống điện trở cốt thép trong bê tông cho cầu cảng Nhà máy Xi măng Hải Vân (Đà Nẵng), Cảng Tiên Sa, cầu Nguyễn Văn Trỗi và cảng cá Liên Chiểu. Hợp đồng tuy rất nhỏ, chỉ 35 triệu đồng thời đó nhưng tiến độ yêu cầu rất gấp. Tháng 11 năm đó, ông Thường cùng các đồng nghiệp vào khảo sát khu cầu cảng nhà máy xi măng thì gặp hôm biển có sóng lớn. Để khảo sát độ ăn mòn hệ thống cốt thép phải tiếp cận mới đo được và phải sử dụng tàu chuyên dụng.
Thời đó khó khăn, lấy đâu ra tàu chuyên dụng, cả nhóm đi thuê tàu cá cũng không được. Từ mặt cầu cảng xuống mặt nước khoảng 5-7m. Nếu không có tàu thì công việc sẽ bị gác lại, ảnh hưởng đến hợp đồng đã ký. Sau 1 ngày bàn đi tính lại, đưa ra các sáng kiến nhưng chưa có phương án nào để tiếp cận cầu cảng phục vụ việc đo điện trở cốt thép. Lúc đó, ông Thường đưa ra một giải pháp xem chừng rất đơn giản nhưng lại hiệu quả, đó là: mua một đoạn dây điện đủ dài để vươn tới những cốt thép nhô ra từ cầu cảng, mua thêm một đoạn ống nhựa buộc chặt với một chiếc búa để đập gỉ cốt thép. Không ngờ phương án này lại dễ thực hiện như vậy. Sau nhiều giờ đập gỉ nhóm chuyên gia của ông Thường đã đo thành công điện trở cốt thép.
Theo ông Thường, sáng kiến này chỉ là nhỏ nhưng đã giúp ông có thêm động lực trong lao động sáng tạo. Ông còn nhớ các đây cũng gần 8 năm ông đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu giải pháp công nghệ tăng hiệu quả trên lý thuyết cho đối tượng giếng khai thác, vỉa cát kết có tính chất đồng nhất cao về độ thẩm thấu, có độ ngập nước cao” cho Vietsovpetro. Về giá trị kinh tế đề tài này đã tiết kiệm cho đề tài hàng nghìn USD. Nhưng giá trị nhất là ông Thường đã chế tạo được phần bơm dung dịch qua mẫu lõi đá, tạo được đánh giá sơ bộ các mẫu nghiên cứu, góp phần tiết kiệm kinh phí thí nghiệm trên thiết bị ngoại đắt tiền.
Tâm sự về nghề ông Tô Văn Thường cho rằng, để thành công trong công việc thì luôn phải nhập tâm, say sưa và luôn luôn chăm chỉ, bởi để hoàn thành công việc thì không khó nhưng để sáng tạo trong công việc cần người kỹ sư dầu khí phải luôn tư duy, khám phá cái mới.
Những năm gần đây, ông tham gia vào đề tài chống ăn mòn các công trình dầu khí. Ông là tác giả hợp đồng khảo sát hệ thống chống ăn mòn khu vực cảng xuất sản phẩm và khảo sát tình trạng sơn chống ăn mòn cọc thép, kiểm tra độ dày còn lại của cọc thép… bảo dưỡng sửa chữa công trình cảng xuất sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ông là tác giả hợp đồng thuê dịch vụ cung cấp vật tư và lắp đặt 4 giếng anode và 6 dây anode để bảo vệ đường ống ngầm cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ông cũng thường xuyên đi giàn khoan để lấy mẫu phân tích kiểm tra các chỉ tiêu về khí phục vụ công tác bảo dưỡng chống ăn mòn hệ thống thiết bị trên giàn khoan.
Gia Linh