Chung sức xây dựng nông thôn mới ở Nam Viêm

 9724 lượt xem
(BTĐKT)-Xã Nam Viêm nằm ở trung tâm thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Xã có diện tích đất tự nhiên 585,67 ha, diện tích đất canh tác 249 ha, chiếm 42,51%. Xã có 1.715 hộ với 7.325 nhân khẩu. Lao động trong độ tuổi là 4.544 người, trong đó có 2.179 người làm trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản (47,9%). 

Toàn xã có 5 thôn, 02 thôn theo đạo giáo toàn tòng. Đảng bộ xã có 273 đảng viên đang sinh hoạt ở 14 chi bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức là 22 định biên, cán bộ không chuyên trách từ xã đến thôn 107 người. Xã Nam Viêm với thành phần kinh tế đa dạng, cơ sở hạ tầng phát triển, giáo dục - y tế đáp ứng nhu cầu người dân, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây là điều kiện thuận lợi để Đảng bộ và nhân dân xã bắt tay vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Được chọn làm xã điểm về xây dựng nông thôn mới trong 20 xã điểm của tỉnh Vĩnh Phúc và là xã điểm của thị xã Phúc Yên. Ban Chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Nam Viêm đã tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo đến từng thôn, xóm, các hộ gia đình. Do đó, xã Nam Viêm đã về đích đúng cam kết, hoàn thành 19/19 tiêu chí. Sau 3 năm triển khai, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm, đặc biệt là sự cố gắng của nhân dân, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Nam Viêm đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hướng dẫn của các cấp, các ngành, UBND xã cùng Trung tâm bảo vệ môi trường và Quy hoạch phát triển bền vững chủ động triển khai công tác khảo sát, đánh giá thực trạng, lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã. Việc công bố bản đồ quy hoạch được thực hiện tới các thôn, bản đồ tấm lớn được niêm yết tại trụ sở UBND xã, quy hoạch được thực hiện theo đúng quy chế.
 
Hạ tầng giao thông xã sau quá trình được cải tạo, nâng cấp đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đường trục xã, liên xã đã cứng hóa 12,8/12,8 km đạt 100%; đường trục thôn xóm đã cứng hóa 9/9 km, đạt 100%; đường trục chính nội đồng đã cứng hóa 8/8 km đạt 100%, Trong 3 năm triển khai, nhân dân đóng góp 680 ngày công lao động và hiến 2.763,17 m2 đất.
 
Xã Nam Viêm chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên việc quan tâm để nhân dân có điều kiện sản xuất tốt nhất luôn được đặt lên hàng đầu. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Công ty thủy nông đầu tư kinh phí nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa trạm bơm, nạo vét hệ thống mương tưới tiêu phục vụ sản xuất đáp ứng tưới cây hàng năm là 346 ha và 5,3 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Xã tổ chức quản lý khai thác và bảo vệ công trình là Trạm thủy lợi và công nhân vận hành, đảm bảo kênh mương, cống, kè, đập, bờ bao được vận hành có hiệu quả bền vững, phục vụ sản xuất, dân sinh.. Xã hiện nay đã kiên cố hóa được 8,32/9,61 km đạt 86,7% kênh loại III, số còn lại sẽ tiếp tục kiên cố hóa trong những năm tới. Qua đánh giá, hệ thống thủy lợi trên địa bàn cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh.
 
Hệ thống điện trên địa bàn xã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện  và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt quy định 100% (1.715/1.715 hộ)
 
Xã hiện có 3 trường thuộc 3 cấp học là mầm non, tiểu học và THCS đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. 
 
Trong 3 năm xã đã xây dựng được Trung tâm văn hóa xã và 6 nhà văn hóa thôn. Những thiết chế văn hóa đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đáp ứng nhu cầu của nhân dân đồng thời giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
 
Hiện xã có 01 điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ bưu chính, viễn thông, thư viện; có 04 trạm thu, phát sóng điện thoại của các đơn vị viễn thông. Đến nay mô hình vẫn hoạt động hiệu quả phục vụ nhu cầu người dân, số hộ kết nối sử dụng cáp đường truyền Internet ở nông thôn tăng dần.
 
Trên địa bàn xã không còn nhà tranh tre, nứa lá, không còn hộ gia đình ở nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng đạt 91,4% (1.568/1.715 nhà).
 
Trong 3 năm, phối hợp với các cấp, các ngành cấp trên, xã đã đào tạo nghề các loại cho 2.145 lượt nông dân, xây dựng 8 mô hình về phát triển sản xuất bằng các giống mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Công tác đưa lao động đi xuất khẩu lao động được tăng cường (trong 3 năm đã có 38 người đi xuất khẩu lao động) góp phần tăng thu nhập cho khu vực nông thôn trên địa bàn xã. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 24,31 triệu đồng/người/năm.
 
Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm chỉ đạo và ưu tiên tập trung nguồn lực, tạo điều kiện để các hộ phấn đấu vươn lên, từng bước thoát nghèo. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo ở xã chỉ còn 2,15% (37/1.715 hộ); tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 91,2% (4.148/4.544 người).
 
Xã cũng đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, có 2 hợp tác xã có đăng ký, hoạt động đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo Luật.
 
Trong lĩnh vực giáo dục, công tác tuyên truyền được quan tâm nên nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân có những chuyển biến nhất định, xã đã vận động nhân dân đưa trẻ em đến trường đúng độ tuổi đạt 100%. Xã cũng hoàn thành và duy trì đạt chuẩn phổ cập THCS, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm đạt 100%. 
 
Trong 3 năm qua, công tác y tế thường xuyên được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Xã tăng cường đầu tư, củng cố về cơ sở vật chất, công tác vệ sinh phòng bệnh, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia,các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với sức khỏe người dân. Trạm Y tế xã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.. Đến nay có 71,8% người dân tham gia bảo hiểm y tế dưới mọi hình thức (5.265/7.325 người).
 
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời hưởng lợi từ cơ chế hỗ trợ bảo vệ môi trường nông thôn của tỉnh, môi trường cảnh quan xã được giữ gìn, bảo vệ. 92,4% các hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh, 54,3% số hộ sử dụng nước sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi xử lý chất thải bằng hầm bioga tăng lên; thành lập các tổ dịch vụ thu gom rác thải tại các thôn; xây dựng nghĩa trang nhân dân theo quy định; hạ tầng thoát và xử lý nước thải được xây dựng theo quy định.
 
Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ lớn được quan tâm tổ chức tạo không khí vui tươi phấn khởi, thu hút được sự quan tâm hưởng ứng của quần chúng nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, sáng tạo văn hóa. Qua đó góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng, xã hội. Ngoài việc tập trung hoàn thiện các thiết chế văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa” phát triển với chất lượng ngày càng cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng cộng đồng dân cư nông thôn ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tăng lên hàng năm, năm 2013 có 1.528/1.715 hộ đạt 89,1%, 5/5 thôn đạt tiêu chuẩn “Làng văn hóa” đạt 100%. Bên cạnh đó, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, ổn định.
 
Sau 03 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra phong trào học tập, nâng cao trình độ trong đội ngũ cán bộ, công chức xã. Đến nay, cán bộ, công chức xã đã được nâng cao rõ rệt về trình độ chuyên môn và cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cụ thể. Xã có đầy đủ các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể theo đúng quy định, 100% đạt chuẩn. Tổ chức đảng, chính quyền của xã đạt trong sạch, vững mạnh.
 
Với những cố gắng của mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nam Viêm đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho những thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2013./.
 
Nguyễn Thị Bích Phượng
 
 
Ý kiến của bạn