Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa được Ban Tổ chức giải thưởng Lãnh đạo công nghệ thông tin (CNTT) tiêu biểu năm 2011 (CIO ASEAN Awards 2011) bầu chọn là một trong 12 gương mặt lãnh đạo CNTT tiêu biểu năm 2011. Đặc biệt, ông là lãnh đạo duy nhất trong khối nhà nước được nhận giải thưởng này. Câu chuyện của ông, cũng là chuyện rất thú vị về việc tin học hóa của cả tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Tôi có ấn tượng đặc biệt với ông Phan Ngọc Thọ từ cách đây 6 năm, thời điểm đó ông còn là Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày đó, trong lúc cả nước đang đau đầu vì đề án 112 (đề án tin học hóa hành chính nhà nước của Chính phủ) bị vỡ trên toàn hệ thống thì ngược lại, đề án này ở Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế do ông trực tiếp chỉ đạo thực hiện lại nổi lên thành một trong những điểm sáng hiếm hoi về sự thành công.
Lâu nay, tôi cứ ngỡ ông Thọ xuất thân là dân CNTT, nhưng hóa ra không phải. “Tôi không phải là dân CNTT, tôi chỉ là người ứng dụng, điều hành CNTT”- ông nói.- “Quan điểm của tôi, tin học hóa không có nghĩa là cán bộ tin học sẽ làm thay cho cán bộ hành chính. Và lãnh đạo cơ quan không chỉ là chủ thể kiểm tra, giám sát mà phải là đối tượng đầu tiên thực hiện tin học hóa”.
Thưa ông, vì sao Thừa Thiên – Huế lại không thất bại với đề án 112 như nhiều địa phương khác trong cả nước?
Trước hết, phải khẳng định 112 là đề án rất tốt, với các mục tiêu tin học hóa quan hệ hành chính trong nội bộ cơ quan hành chính, giữa Chính phủ với cán bộ, ngành, với các địa phương. Tin học hóa mối quan hệ giữa Chính phủ với nhân dân trong giải quyết các dịch vụ công. Đào tạo đội ngũ cán bộ công chức nhà nước để thông qua tin học nâng cao chất lượng quản lý nhà nước. Tuy nhiên thời điểm đó, đề án thất bại vì các lý do sau: Cơ sở vật chất yếu kém; nhận thức chưa cao; cơ chế quản lý còn nhiều sơ hở… Sở dĩ Thừa Thiên -Huế không thất bại với đề án 112 như nhiều địa phương khác vì chúng tôi vượt qua 3 điểm trên bằng cách tuân thủ quy trình xây dựng cơ bản; có chiến lược đúng đắn và sử dụng đồng vốn hiệu quả; quyết tâm cao của lãnh đạo và đặc biệt là tính sáng tạo của người điều hành…
Trở lại với giải thưởng CIO ASEAN Awards 2011, đóng góp của ông đối với sự phát triển CNTT của Thừa Thiên - Huế được thể hiện cụ thể như thế nào?
Việc đầu tiên là nâng cao nhận thức tin học hóa gắn liền với cải cách hành chính và chuẩn hóa các quy trình giải quyết công việc theo phương châm “Làm việc theo kế hoạch, giải quyết công việc theo quy trình, điều hành theo quy chế” cho đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh. Đó là một quá trình rất dài đổi mới từ tư duy, nhận thức đến phương thức chỉ đạo, điều hành, quản trị công việc cơ quan. Đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính theo các quy trình “từ đơn giản đến phức tạp”, “từ điểm đến diện”, “từ vận động khuyến khích đến yêu cầu không thể thiếu của công chức”. Và đến thời điểm này, Thừa Thiên - Huế đang ở giai đoạn bắt đầu chuyển qua “nhu cầu không thể thiếu”. Trong đó, điểm nổi bật là xây dựng chủ đề năm để đầu tư có trọng điểm, hợp lý. Ví dụ chủ để của năm 2010 là “năm thể chế” tức hoàn thiện cơ chế, chính sách ứng dụng, phát triển CNTT. Năm 2011 là cơ sở dữ liệu và dịch vụ công trực tuyến. Năm 2012 là hai tầng CNTT…
Xin ông cho biết về sản phẩm hoặc các giải pháp ứng dụng cụ thể?
Có thể kể đến mô hình “cơ quan hành chính kiểu mẫu” gắn liền với công sở điện tử thay thế mô hình cơ quan đạt chuẩn văn hóa đối với cơ quan hành chính nhà nước (được trao giải nhất tại Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật năm 2009 của tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đây là một mô hình mang tính đột phá trong quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, thực sự mang lại hiệu quả và có sức lan tỏa lớn. Hiện tại, mô hình này đang được triển khai nhân rộng tại các cơ quan hành chính trên địa bàn.
Ví dụ nữa là “sổ tay công vụ điện tử” (sổ tay công tác nghiệp vụ hành chính trên môi trường mạng). Theo đó, từng cá nhân, đơn vị và cơ quan nhà nước sẽ có một loại sổ tay công tác nghề nghiệp, giúp liệt kê, mô tả công việc (ví dụ chánh văn phòng UBND tỉnh có 73 loại công việc), sản phẩm; tiêu chuẩn, quy trình xử lý công việc; mối quan hệ giải quyết công việc giữa cá nhân, tổ chức nhằm đảm bảo chức năng, nhiệm vụ được giao. Mô hình này đã được rất nhiều cơ quan hành chính trên địa bàn triển khai áp dụng và đem lại hiệu quả thiết thực…
Hiệu quả, cũng như tầm ảnh hưởng của những đóng góp của ông đối với sự phát triển CNTT ở Thừa Thiên - Huế thời gian qua như thế nào, thưa ông?
Các phương châm hành động mà tôi đề ra đã trở thành cẩm nang triển khai ưng dụng CNTT trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan hành chính. Nhiều cơ quan, đơn vị đã tự xây dựng và ban hành các bộ quy định, quy chế cho riêng mình để chuẩn hóa việc giải quyết công việc cơ quan. Ví dụ như Văn phòng UBND tỉnh đã ban hành 39 quy định và 42 quy trình ISO 9001-2000 phục vụ công tác tham mưu cho UBND tỉnh cũng như điều hành văn phòng. 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã có cán bộ chuyên trách về CNTT đạt chuẩn.
Đến thời điểm nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cơ bản hoàn thiện thể chế để phục vụ công tác quản lý và vận hành hệ thống ứng dụng CNTT. Xây dựng và ban hành 5 quy định thống nhất quản lý trên phạm vi toàn tỉnh quy trình giải quyết công việc, kèm theo đó là 5 phần mềm dùng chung (phần mềm một cửa; phần mềm tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nai, tố cáo; phần mềm tiếp nhận, xử lý ban hành văn bản; phần mềm đăng ký xây dựng chương trình công tác; phần mềm theo dõi ý kiến chỉ đạo và văn bản ban hành).
Đặc biệt phần mềm “quản lý, theo dõi việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh” là một phần mềm rất hiệu quả, góp phần giải quyết việc tham mưu, theo dõi ý kiến chỉ đạo thông qua các văn bản thông báo kết luận, công văn giao nhiệm vụ…Hiện phần mềm này đã được chuyển giao cho nhiều địa phương, trong đó có UBND TP.Hồ Chí Minh.
Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế (www.thuathien-hue.gov.vn) đến nay đã cung cấp gần 3000 dịch vụ công trực tuyến, giúp tiết kiệm chi phí đi lại của công dân, tạo ra sự minh bạch và hiệu quả trong giải quyết công việc, chỉ đạo. Trung bình mỗi năm, Cổng thông tin điện tử đăng tải khoảng 3000 bản tin, bài viết; hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, góp phần cải cách hành chính, giảm tải phát hành các loại văn bản, giấy tờ hành chính.
Có thể nói, vị thế của Thừa Thiên - Huế trong CNTT ngày càng được khẳng định. Nhiều năm liền Thừa Thiên - Huế nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất về mức độ ứng dụng CNTT. Đặc biệt năm 2010 vươn lên đứng thứ 1/64 tỉnh thành và Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế được xếp vị trí thứ 1/64 tỉnh, thành trong bảng xếp hạng tổng thể website và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Văn phòng UBND tỉnh đã đạt được giải thưởng quốc gia về CNTT năm 2009 cho cơ quan nhà nước cấp sở, ngành ứng dụng CNTT hiệu quả nhất…
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Giải thưởng CIO ASEAN Awards 2011 tổ chức thường niên từ năm 2005 do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG phối hợp tổ chức với Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI). CIO ASEAN Awards 2011 bình chọn các lãnh đạo CNTT nổi bật, không chỉ triển khai thành công các chương trình, dự án quan trọng mà còn có tầm nhìn, tính sáng tạo và khả năng hoạch định chiến lược.
Ông Phan Ngọc Thọ sinh năm 1963 tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư khai thác dầu khí ở Liên Xô (cũ) năm 1986. Về nước, ông làm chuyên viên, Phó Chánh văn phòng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CNTT tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng II, III (năm 2009, 2005); được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2009…