Kỷ niệm 67 năm thành lập Viện Huân chương (17/9/1947 – 17/9/2014)

 15591 lượt xem
(BTĐKT) - Sáng 17/9, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức lễ Kỷ niệm 67 năm ngày thành lập viện Huân chương. (Nay là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương). 

Đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đọc diễn văn lễ Kỷ niệm.

Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Người nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua.

Để có tổ chức bộ máy và cán bộ thực hiện các chủ trương, chính sách khen thưởng, ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 83/SL đặt ra Viện Huân chương thuộc Phủ Chủ tịch với nhiệm vụ: “Giúp Chủ tịch nước nghiên cứu ban hành các chế độ, thể lệ khen thưởng Huân chương, Huy chương, xét duyệt, đặt sản xuất và cấp phát các loại Huân chương, Huy chương” . 
 
 Việc đặt ra Viện Huân chương bên cạnh người đứng đầu nhà nước là biểu hiện tính pháp luật và giá trị cao quý của các phần thưởng Huân chương, Huy chương trong chế độ ta, đồng thời xác lập tổ chức quản lý khen thưởng từ đó được hình thành và hoạt động trong hơn 67 năm qua.
 
Nhằm đẩy mạnh và thống nhất quản lý công tác thi đua, khen thưởng, ngày 25/8/2004, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương được thành lập trên cơ sở Viện Thi đua, khen thưởng Nhà nước, là cơ quan thuộc Chính phủ và là cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương.
 
Sau đó, năm 2008 thực hiện chủ trương Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, Chính phủ chuyển Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương vào đầu mối Bộ Nội vụ, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng (cho đến nay). Theo đó, Ban Thi đua – Khen thưởng các tỉnh, thành phố sát nhập vào các Sở Nội vụ. 
 
Đặc biệt trong những năm gần đây, những quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng ngày càng được quy định rõ ràng và cụ thể. Tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng được củng cố phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng theo từng giai đoạn. Từ khi Luật Thi đua, Khen thưởng có hiệu lực thi hành, tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, bộ máy tổ chức và cán bộ đang được củng cố một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng. 
 
Hiện nay, tại các Bộ, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trung ương đều có các Vụ, Ban, phòng Thi đua – Khen thưởng hoặc bố trí 2 – 3 cán bộ chuyên trách; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Thi đua – Khen thưởng.
 
Có thể khẳng định nền tảng lý luận để thực hiện công tác thi đua khen thưởng chính là thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, thi đua xã hội chủ nghĩa vào hoàn cảnh nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng quan điểm về thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị; coi thi đua yêu nước là biểu hiện của lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam. Thi đua yêu nước là cốt cách, phẩm chất đạo đức của người Việt Nam yêu nước. Người đã khởi xướng việc tổ chức các phong trào thi đua trên các lĩnh vực đời sống xã hội ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam giành được chính quyền sau cuộc Cách mạng Tháng Tám và bắt tay vào xây dựng chế độ xã hội mới, trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài đều muốn thủ tiêu chế độ mới. Người đã làm cho thi đua yêu nước trở thành một phương pháp cách mạng mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
 
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Thi đua phải được tổ chức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và phải thực hiện thường xuyên, lâu dài, rộng khắp. Người người thi đua, ngành ngành thi đua. Thi đua không phải chỉ nhất thời, hay chỉ trong những dịp kỷ niệm. Đảng, chính quyền, Đoàn thể các cấp phải tuyên truyền, giải thích, động viên cho mọi người tự nguyện, tự giác tham gia phong trào thi đua với kế hoạch, mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, phải có trách nhiệm  đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết tổng kết phong trào thi đua. Khéo léo đề ra được tên phong trào với những khẩu hiệu hành động, tuyên truyền sắc bén, sát đúng với tình hình, nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân, phù hợp với yêu cầu thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ. Cán bộ, Đảng viên phải  tích cực vận động quần chúng, đi đầu làm gương cho mọi người. Phát hiện điển hình, phổ biến những kinh nghiệm, nêu gương khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua.
 
Phải kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Cần nhanh chóng biểu dương  những tấm gương “Người tốt, việc tốt”. Khen thưởng bằng vật chất hoặc tinh thần nhằm động viên, khuyến khích phát triển cái tốt để lấn át cái xấu, nhằm xây dựng con người mới. Đảng lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước. “Lãnh đạo phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm và nắm điển hình”. Chống bệnh quan liêu, hình thức, ngại khó khăn trong tổ chức phong trào thi đua. Lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam đã chứng minh Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo chặt chẽ, chỉ đạo sát sao việc tổ chức các phong trào thi đua ái quốc hào hùng, thiết thực, thường xuyên và rộng khắp; kịp thời động viên, khen thưởng trúng người, trúng việc. Thi đua và khen thưởng thực sự là động lực đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.
 
Trải qua 67 năm hình thành và phát triển, ngành thi đua, khen thưởng đã thực sự có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của dân tộc, của đất nước. Công tác thi đua, khen thưởng luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách khen thưởng phù hợp với yêu cầu động viên chính trong từng giai đoạn cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc và xây dựng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
 
Thi đua, khen thưởng đã có tác dụng động viên, nêu gương cho toàn xã hội, nhất là khen thưởng thi đua được kịp thời, gắn với tổng kết phong trào, đã động viên khuyến khích mọi người tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mới. Tiêu chuẩn khen thưởng hướng vào những nhân tố tích cực, nhân tố mới, những gương điển hình tiên tiến, những đạo đức tốt đẹp của xã hội, góp phần tạo không khí phấn khởi đoàn kết thi đua trong toàn xã hội.
 
Trong những năm qua, đặc biệt là 9 tháng đầu năm 2014, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực thi đua, khen thưởng. Ban đã tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như:
 
Tham mưu để Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành chỉ thị số 34/CT-TW ngày 7/4/2014 “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Đây là chủ trương rất quan trọng của Đảng để thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tham mưu với Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW và một số nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.
 
Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; nghị định thay thế Nghị định số 50/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ quy định mẫu Huân chương, Huy chương, Huy hiệu, Bằng Huân chương, Bằng Huy chương, Cờ Thi đua, Bằng khen, Giấy khen. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các nghị định hướng dẫn xét, phong tặng các Danh hiệu vinh dự Nhà nước: Nghệ sỹ, Nghệ nhân, Nhà giáo, Thầy thuốc (nhân dân, ưu tú), Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh.
 
Trình Bộ trưởng ban hành Thông tư số 07/2014/TT-BNV ngày 29/8/2014 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ và Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng. 
 
Chủ trì xây dựng Thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Tham gia xây dựng, góp ý các thông tư của Bộ Nội vụ, thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ và các Bộ liên quan.
 
Xây dựng Đề án “Tuyên truyền, phổ biến và thi đua cùng các điển hình tiên tiến”. Ban hành văn bản đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; hướng dẫn khen thưởng nhân dịp sơ kết 03 năm thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và hướng dẫn khen thưởng thành tích kháng chiến và làm nhiệm vụ ở tuyến 1 biên giới, hải đảo xa và làm nhiệm vụ quốc tế.
 
Nhân kỷ niệm 66 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2014), Ban đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo “Tính thiết thực, hiệu quả trong các phong trào thi đua yêu nước hiện nay. Cơ sở khoa học và thực tiễn”. Tổ chức Lễ kỷ niệm 66 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày Truyền thống thi đua yêu nước. Tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, tạo không khí phấn khởi, gắn bó, đoàn kết trong cơ quan và tăng cường mối quan hệ trong công tác. 
 
Tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách và pháp luật về thi đua, khen thưởng; tập trung đôn đốc các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, trọng tâm. Thi đua kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và các phong trào thi đua hướng về biển đảo quê hương. Đặc biệt là tập trung đôn đốc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh kế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2014. 
 
Duy trì nề nếp hoạt động của các cụm, khối thi đua. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương, tạo sự chuyển biến rõ nét trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể về công tác thi đua, khen thưởng. Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã chủ trì tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động khối thi đua các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương.
 
Tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua và hội nghị điển hình tiến tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015.
 
Công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị và tôn vinh các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2014. 
 
Nối tiếp truyền thống vẻ vang của ngành thi đua, khen thưởng, các thế hệ cán bộ lãnh đạo, chuyên trách và kiêm nhiệm làm công tác thi đua khen thưởng từ các Bộ, ngành Trung ương tới các địa phương, các Tổ chức chính trị xã hội và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước …Cùng với công chức, viên chức và người lao động tại các vụ, đơn vị của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương luôn thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đang cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao; rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt để xây dựng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ để xứng đáng tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước; thực hiện chuẩn mực đạo đức của người cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng tận tụy, sáng tạo và gương mẫu để xây dựng ngành thi đua, khen thưởng ngày càng phát triển vững mạnh.
 
Trước mắt, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
 
Tham mưu cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng. Thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát của Hội đồng và của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương.
 
Triển khai kế hoạch số 13/KH-HĐTĐKT ngày 3/6/2014 của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương về việc tổ chức Đại hội thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
 
Hợp nhất các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, khen thưởng (gồm: Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010, Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 và Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ). Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Tuyên truyền, phổ biến và thi đua cùng các điển hình tiên tiến”. Đôn đốc các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các tỉnh, thành phố xây dựng thông tư, quy chế, quy định về công tác thi đua, khen thưởng cho phù hợp với các quy định mới.
 
Phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các nghị định hướng dẫn xét, phong tặng các Danh hiệu vinh dự Nhà nước: Nghệ sỹ, Nghệ nhân, Nhà giáo, Thầy thuốc (nhân dân, ưu tú), Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh.
 
Phối hợp ban hành Thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. 
 
Tổ chức tập huấn, phổ biến những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định, Thông tư quy định chi tiết thi hành đối với công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng trong cả nước.
 
Tiếp tục tập trung giải quyết khen thành tích kháng chiến và truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến và danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
 
Củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ; nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả tham mưu của đội ngũ công chức, viên chức. 
 
Hướng dẫn, đôn đốc bộ, ngành, địa phương và các cụm, khối thi đua tổng kết, đánh giá công tác thi đua, khen thưởng năm 2014 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015.
 
 Hoài Thanh
 
 
Ý kiến của bạn