(BTĐKT)-Ngày 16/11/2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng (Luật số 39/2013/QH13) được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2014 (sau đây gọi tắt là Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013).
Ngày 01/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2014.
Tiếp đó, ngày 29/8/2014, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 07/2014/TT-BNV về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng, Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ và Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2014.
Như vậy, ngoài các văn bản nêu trên, hiện nay Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 (Luật số 15/2003/QH11), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005 (Luật số 47/2005/QH11) và các nghị định: Nghị định số 42/2010/NĐ-CP, Nghị định số 39/2012/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực thi hành.
Đặc biệt, Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013, Nghị định số 65/2014/NĐ-CP và Thông tư số 07/2014/TT-BNV có sự điều chỉnh, thay đổi ở nhiều nội dung liên quan đến đối tượng, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) và cấp cơ sở, liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng, chúng tôi xin giới thiệu một số điểm cần lưu ý trong quá trình triển khai như sau:
Mở rộng đối tượng khen thưởng, chú trọng nguyên tắc bình đẳng giới
Điểm đáng lưu ý liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng, đó là Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã mở rộng đối tượng khen thưởng và chú trọng nguyên tắc bình đẳng giới.
Theo đó, đã bổ sung các quy định xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cụ thể cho đối tượng là công nhân, nông dân, người lao động; bổ sung thêm đối tượng là các gia đình được tặng thưởng bằng khen, giấy khen; mở rộng đối tượng được tặng “Huy chương” là công chức, viên chức làm việc trong lực lượng vũ trang (trước đây quy định xét tặng cho sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng); mở rộng đối tượng được tặng thưởng “Huy chương chiến sĩ vẻ vang” đối với những người làm việc ở vùng biển, đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; “Huy chương Hữu nghị” để tặng cho người nước ngoài có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam (trước đây quy định người nước ngoài phải có thời gian làm việc tại Việt Nam); bổ sung quy định cụ thể khi xét khen thưởng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị (phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo).
Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng, với quy định đối với nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng có quá trình cống hiến được giảm 3 năm so với quy định chung; đối với khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ và tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng.
Thay đổi cơ bản tiêu chuẩn xét, tặng thưởng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng
Điểm mới trong quy định về thi đua, khen thưởng, đó là không lấy danh hiệu thi đua làm cơ sở xét khen thưởng. Nếu cá nhân lập được thành tích, thì tùy vào mức độ và phạm vi ảnh hưởng của thành tích để xem xét khen thưởng theo từng hình thức phù hợp và tương xứng với thành tích đạt được.
Đối với cá nhân, Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương để tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Có thành tích xuất sắc được bình xét trong các phong trào thi đua do bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương phát động hàng năm; lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất có phạm vi ảnh hưởng trong từng lĩnh vực thuộc bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương; hai năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó 2 lần có sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở.
Đối với tập thể, Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương để tặng cho tập thể gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nội bộ đoàn kết, đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Có thành tích xuất sắc được bình xét trong các phong trào thi đua; lập được thành tích xuất sắc đột xuất có phạm vi ảnh hưởng trong từng lĩnh vực thuộc bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương; 2 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nội bộ đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với mọi thành viên trong tập thể.
Đối với công nhân, nông dân, người lao động tặng bằng khen cho công nhân, nông dân, người lao động có nhiều thành tích có phạm vi ảnh hưởng trong cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã. Công nhân, nông dân, người lao động lập thành tích xuất sắc, nếu đủ tiêu chuẩn theo quy định thì có thể xem xét tặng Huân chương lao động.
Thực hiện phân cấp về thẩm quyền và bổ sung đối tượng đối với một số danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng
Các quy định về thi đua, khen thưởng mới đã điều chỉnh, bổ sung thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đối. Theo đó, bổ sung thẩm quyền của thủ trưởng cấp quân khu, quân chủng, binh đoàn, binh chủng, tổng cục và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng quyết định tặng danh hiệu Đơn vị quyết thắng, Tập thể lao động xuất sắc;
Chủ tịch UBND cấp tỉnh tặng bằng khen, thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tặng giấy khen cho gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, có đóng góp về công sức, đất đai, tài sản cho địa phương và xã hội.
Chủ tịch UBND cấp xã được xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với cán bộ, công chức, công nhân, nông dân, người lao động thuộc quản lý của cấp xã.
Đặc biệt, điểm mới đáng chú ý về thi đua, khen thưởng, đó là bổ sung thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh được tặng Huy hiệu để ghi nhận thành tích những cá nhân có đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Cho phép các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh được tặng bằng khen (sau khi có văn bản của cơ quan trung ương của các tổ chức này).
Quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp
Theo đó, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp có trách nhiệm tham mưu, tư vấn cho cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về công tác thi đua, khen thưởng.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh là cơ quan tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng của địa phương. Hội đồng có từ 13 đến 15 thành viên, Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Hội đồng có từ 3 đến 4 Phó Chủ tịch. Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh là Phó Chủ tịch thường trực. Các Phó Chủ tịch khác và các ủy viên do Chủ tịch Hội đồng quyết định. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh hướng dẫn thành lập, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần đối với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp, xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các danh hiệu vinh dự nhà nước: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sĩ, Nghệ nhân (nhân dân và ưu tú), Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước phải được các thành viên của Hội đồng bỏ phiếu kín và có tỷ lệ phiếu bầu từ 90% trở lên, tính trên tổng số thành viên Hội đồng cấp đó.
Những quy định mới của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng ở cấp tỉnh và cấp cơ sở phải giải quyết một loạt vấn đề liên quan đến đối tượng, tiêu chuẩn, thẩm quyền, tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, trình tự, thủ tục, hồ sơ khen thưởng, sửa đổi, bổ sung quy chế thi đua, khen thưởng, quy chế xét sáng kiến cải tiến, quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp… Thực tế đó đòi hỏi phải có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới và thực tiễn phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, cơ quan, đơn vị, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Trần Danh Nam