Gieo chữ nơi quê nghèo

 8181 lượt xem
Minh Lương thuộc huyện Đoan Hùng, một miền quê nghèo của đất cọ trung du. Xưa kia người ta biết đến Minh Lương chỉ có đồi cọ rừng chè, quê của khoai sắn, nhọc nhằn. Trong quá trình tạo dựng cuộc sống, người Minh Lương đã xây đắp một truyền thống hiếu học. 

Ông Đặng Văn Lung, chủ tịch UBND xã Minh Lương nhớ về những tháng năm khi xã mới tách ra từ một huyện nghèo. Là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn trong diện thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ từ năm 2001. Cuộc sống của người dân nơi đây lầm lũi cùng với ánh đèn dầu leo lét, giao thông đi lại vất vả. Cuộc sống nghèo nàn nên con chữ ở Minh Lương cũng mong manh. Ngày ấy, chỉ gia đình nào có điều kiện thì mới cho con đi học hết cấp 3 còn nếu không chỉ học đến cấp 1 hay lớp đầu cấp 2 là nghỉ. Tình trạng người dân mù chữ ngày càng cao, nhận thức của họ về những chính sách của Đảng và Nhà nước còn hạn chế. Đảng bộ, chính quyền xã Minh Lương đã nhận thức sâu sắc rằng học tập là con đường đưa quê hương thoát nghèo. Thông qua Nghị quyết của các nhiệm kỳ, Đảng bộ xã Minh Lương luôn đặt công tác giáo dục lên hàng đầu và là vấn đề quan trọng, tích cực tuyên truyền tới người dân về sự học, nhiệm vụ cũng như nhu cầu học tập của người dân.  

Như một mạch nước thấm dần và lan tỏa, người dân Minh Lương đã nhận thấy cần phải thay đổi tư duy trong cách nghĩ. Dù có khó khăn đến mấy, dù có đói nghèo đến mấy cũng phải cho con em đến trường học chữ. Đó là con đường quan trọng để thoát nghèo. Trẻ em trong các thôn xa vui lắm vì chúng có cơ hội đến trường, gặp thầy gặp bạn. Xã đã huy động nguồn lực, ngày công lao động của nhân dân và các lực lượng xã hội để dựng trường, dựng lớp. Lớp học ban đầu chỉ là các lớp ghép bằng tranh tre nứa lá, bàn ghế mộc mạc đơn sơ... nhưng điều đó không cản được tinh thần ham học của con em Minh Lương. Những năm 90, Minh Lương chưa có điện, bên ánh đèn dầu leo lét, con chữ được ươm mầm và ngày càng nảy nở ở miền đất gian khó này.  
 
Theo thời gian, chuyện học chữ ở Minh Lương đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Từ các thôn xóm xa, bất kể trời mưa hay trời nắng, đường lầy lội, hay những con suối chắn ngang đường, học sinh vẫn kiên trì cắp sách tới trường. Thuở đó, Minh Lương còn thiếu thốn nhân lực nên các thầy cô giáo miền xuôi đã tự nguyện lên bám thôn, bám làng để dạy học. Tình trạng học sinh bỏ học đã giảm dần, các gia đình tự nguyện cho con em mình đến trường rồi lo các điều kiện như xe đạp, sách giáo khoa... để đảm bảo việc học tập.  
 
Sau nhiều năm duy trì công tác xã hội hóa giáo dục, Minh Lương đã nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức, sự ủng hộ của nhân dân. Hiện nay, Minh Lương có 3 cấp học với cơ sở vật chất tương đối khang trang. Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ cho con em vùng khó luôn được xã thụ hưởng và áp dụng đến các đối tượng học sinh, giúp các em yên tâm học tập, rèn luyện. Theo ông Đặng Văn Lung, những năm gần đây, xã luôn đạt tỷ lệ phổ cập, tỷ lệ huy động trẻ đúng độ tuổi ra lớp 100%, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.  
 
Trong hành trình đưa con chữ về quê nghèo, người dân Minh Lương nhận thức rất sâu sắc là muốn thoát nghèo thì phải cho con em đi học cấp 3 rồi học tiếp lên nữa. Minh Lương khi ấy ở xa trung tâm, học sao đây? Lại là một bài toán khó đối với con em trong xã. Học sinh Minh Lương sau khi tốt nghiệp THCS đã tỏa đi khắp các vùng lân cận để học cấp 3. Có tốp đi học cấp 3 ở thị trấn Hạ Hòa, có tốp học ở Quế Lâm của Đoan Hùng, có nhóm lại lên xã Yên Bình của Yên Bái. Do nhà xa trường nên các em phải trọ học cả tuần. Khó khăn là thế, xa xôi là thế nhưng bước chân các em vẫn đều đặn đến trường.  
 
Cũng từ đó, Minh Lương đã tạo dựng cho mình một truyền thống hiếu học. Từ cá nhân hiếu học đã nhân rộng thành những gia đình hiếu học rồi cả xã thi đua học tập. Vùng quê nghèo xưa kia đang bừng lên bởi truyền thống ấy. Ông Đặng Văn Lung tự hào cho biết, nhiều gia đình của xã đã đạt danh hiệu gia đình hiếu học cấp tỉnh rồi xã đạt xã hiếu học với nhiều thôn hiếu học.  
 
Có thêm kiến thức, người dân Minh Lương đã biết cách xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương mình. Dưới cánh đồng thì xanh mướt ngô lúa, trên là bạt ngàn những đồi chè, bưởi đặc sản, các hộ nhà ở mặt đường thì chuyển đổi kinh tế sang làm kinh doanh. Bức tranh quê ở Minh Lương đang dần tươi sáng.  
 
 
Ý kiến của bạn