CIENCO1: Nhìn lại chặng đường 50 năm phát triển

 9616 lượt xem
(BTĐKT) - Nửa thế kỷ phát triển của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) gắn với nhiều sự kiện lớn của dân tộc: Chiến tranh và hòa bình, đất nước thống nhất, đổi mới, mở cửa, tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Từ Ban chỉ đạo miền Tây đến nay dù đã qua sáu lần đổi tên, song những phẩm chất mang tính liên tục như: Luôn đi đầu đổi mới công nghệ, lao động cần mẫn, sáng tạo, vượt khó và sống có lý có tình đã trở thành nét đẹp truyền thống và là tài sản vô giá. 

Mở đường miền Tây, kiên cường giữ mạch máu giao thông trong chiến tranh chống Mỹ (1964-1975)

Đơn vị đầu tiên mà Cienco1 kế thừa là Ban chỉ đạo miền Tây được thành lập ngày 03/8/1964, trước hai ngày khi giặc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại (05/8/1964) nhằm “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá” và ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam đang ngày càng thắng to. 

 

Đến cuối năm 1965, nhiệm vụ ngày càng lớn và gian nan, phức tạp hơn do đế quốc Mỹ đã ồ ạt ném bom, bắn phá miền Bắc (70 đến 80% nhằm vào mục tiêu giao thông). Ban chỉ đạo miền Tây được đổi tên thành Cục công trình II (6-1966), trong hệ thống chuyên ngành xây dựng và bảo đảm giao thông của Bộ GTVT. Thời kỳ Mỹ ném bom trở lại miền Bắc (1972), lần đầu tiên ở Việt Nam thợ cầu 12 thực hiện việc ghép nối dầm bằng bu lông cường độ cao thay thế cho phương pháp tán ri-vê truyền thống ở cầu Lục Nam. Công nghệ này sau đó được ứng dụng rộng rãi khôi phục nhiều cầu sắt trong cả nước. 

 

Kết hợp “tay búa tay súng”, cán bộ và công nhân Cục công trình II đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với rất nhiều tấm gương dũng cảm và sáng tạo. Đã có 123 cán bộ, công nhân ngã xuống trên mặt trận bảo đảm giao thông. Khi đang sửa chữa cầu Đò Lèn năm 1967, người thợ kích kéo Đỗ Ngọc Bích-quê ở Hoằng Hóa-Thanh Hóa, bị thương nặng vẫn giữ vững tay tời cho đến hơi thở cuối cùng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Các anh Phan Xuân Thung-công nhân kích kéo, chị Nguyễn Thị Lượng-Phó Ban chỉ huy công trường 113 cũng được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đại đội C9 TNXP là đơn vị Anh hùng do những hành động dũng cảm, kiên cường ứng cứu đảm bảo giao thông trong tuyến lửa... Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có 5779 người được tặng Huân, Huy chương chống Mỹ cứu nước...

 

Khôi phục giao thông, xây dựng nhiều công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất (1976-1985)

 

Sau ngày thống nhất đất nước, Cục công trình II đổi tên thành Xí nghiệp liên hợp công trình II (1975-1982) và Liên hiệp các xí nghiệp giao thông khu vực I (1983-1985).

 

Từ năm 1975 đến năm 1985, những người thợ cầu đường phấn khởi, tự hào được đi khắp các nẻo đường của Tổ quốc tham gia hàn gắn các vết  thương chiến tranh, khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới nhiều tuyến đường, cây cầu, bến cảng, sân bay, hệ thống giao thông của của các cơ sở công nghiệp, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế với với tay nghề và kỹ thuật ngày càng cao.

 

Cầu Hàm Luông (Bến Tre).

 

Mở đầu thời kỳ này là chiến dịch khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất. Lực lượng xây dựng cầu của Xí nghiệp liên hợp đã nhanh chóng thi công xong năm cây cầu lớn ở khu vực miền Trung dài tổng cộng gần 1.000m, đổ hàng vạn m3 bê tông. Trong đó có cầu Long Đại là một công trình lớn với nhịp liên tục dài nhất lúc bấy giờ (158m) phải lao dầm bằng phương pháp chở nổi trong điều kiện khống chế của biên độ thủy triều hết sức phức tạp.

 

Tiếp theo, các đơn vị đã tham gia  thi công hàng loạt các công trình có giá trị về kinh tế và kỹ thuật. Đáng chú ý là tham gia xây dựng nhiều cơ sở công nghiệp hàng đầu của đất nước, như: hệ thống cầu đường và cảng Nhà máy nhiệt điện Phả Lại (có hạng mục bến nghiêng để cập phà chuyên dùng, tiếp nhận máy phát điện nặng 270 T an toàn), Nhà máy xi măng Hoàng Thạch (có cầu Hoàng Thạch cọc cắm sâu trong hang caster và sử dụng dầm bê tông dự ứng lực kéo sau), Nhà máy thủy điện Sông Đà; hệ thống cầu đường sắt và cảng than Uông Bí, Vàng Danh, Mạo Khê (Quảng Ninh), khu công nghiệp Apatit (Lao Cai); khôi phục tuyến đường sắt Kép-Bãi Cháy, Hà Nội-Lạng Sơn, Hà Nội-Hải Phòng. Xây dựng cảng sông Hà Nội, mở rộng các cảng biển Chùa Vẽ, Điền Công. Xây dựng hai nhà máy đóng tàu Hạ Long, sửa chữa tàu biển Phà Rừng có quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam; mở rộng và nâng cấp Sân bay quốc tế Nội Bài...

 

Đối với Thủ đô, Cienco1 đã xây dựng mới các công trình đầu mối, nút giao thông lớn đường sắt và đường bộ, bao gồm cầu Đuống. Đồng thời, mở rộng, nâng cấp nhiều đường phố lớn như: Đường Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Hàng Bông, quảng trường Nhà hát lớn, đường Yên Phụ, kè Hồ Tây, hồ công viên Thống Nhất...Đặc biệt cầu Chương Dương-công trình vượt sông Hồng vào thẳng trung tâm, do ta tự thiết kế, thi công, tận dụng hết mức vật tư, thiết bị hiện có trong nước. Ở đây, những người thợ Liên hiệp I ăn cơm độn mặc áo vá đã làm nên điều phi thường: Làm việc ba ca liên tục, phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cực kỳ có giá trị như cải tạo mở rộng bản mặt cầu; tận dụng quả búa DELMAG (Tây Đức) lắp trên giá búa Đông Phong (Trung Quốc) đã được chế sửa, thành búa đóng cọc lợi hại nhất công trường, hoàn thành cầu trước thời hạn gần một năm. Nhiều tập thể và cá nhân đã có những cống hiến xuất sắc. Tiêu biểu là hai đơn vị (Công ty cầu 12 và Công ty cầu 16) và một cá nhân (anh Nguyễn Thế Tùng thợ sắt 7/7) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Tổng công ty được Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhất, nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương lao động, cờ Luân lưu của Chính phủ trong dịp khánh thành cầu Chương Dương lịch sử (1985)... 

 

Nâng cao tính chuyên nghiệp, tăng sức cạnh tranh 

 

Những năm giao thời giữa hai thiên niên kỷ, nền kinh tế nước ta có mức tăng trưởng khá cao, vốn ODA giao thông khá dồi dào, việc huy động vốn đầu tư xây dựng một số công trình cầu đường, cảng biển, sân bay và cơ sở công nghiệp dễ dàng hơn. Nhờ chuẩn bị tốt, Cienco1 không bỏ lỡ cơ hội, đã trúng thầu liên tiếp và thực hiện hàng loạt dự án nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 5, quốc lộ 51, xây dựng đường Hồ Chí Minh và rất nhiều công trình cầu đường khác trong nước cũng như ở Lào, Campuchia và bắt đầu thực hiện một số dự án theo phương thức BOT. 

 

Cầu Rồng – Đà Nẵng

 

Cienco1 đã hoàn thành hàng trăm cầu, cảng, sân bay, khu công nghiệp. Trong đó có cầu Thị Nại (Bình Định) vượt biển dài nhất Việt Nam; cầu Tân An (Long An) dài 324m, rộng 12m hoàn thành trong thời gian kỷ lục 8 tháng; cầu Vĩnh Thịnh (Hà Nội), công trình vượt sông Hồng dài nhất hoàn thành vượt tiến độ 7 tháng; công trình có địa hình, địa chất cực kỳ phức tạp như cầu Tạ Khoa, Mường La (Sơn La) và công trình Cảng xuất sản phẩm (gói thầu 5B Nhà máy lọc dầu Dung Quất) phải khoan và hạ hàng nghìn mét cọc ống thép vào tầng đá gốc, vẫn thực hiện đúng tiến độ đề ra...Tổng công ty đã xây dựng hàng nghìn km đường đạt chuẩn trên các quốc lộ quan trọng, đường Hồ chí Minh và đường ở Lào, Campuchia. Nhiều dự án đường có chất lượng cao, riêng dự án MD1, MD2 Cần Thơ-Cà Mau dài 200km, thử thách qua gần 10 năm sử dụng, vẫn được đánh giá là tốt nhất đồng bằng sông Cửu Long. 

 

Đây cũng là giai đoạn được mùa về ứng dụng công nghệ mới. Về đường là công nghệ xử lý nền đất yếu, công nghệ Novachip (chống trơn trượt sử dựng cho mặt đường cao tốc), công nghệ tái chế mặt đường cũ, chuyên nghiệp hóa công nghệ thi công móng và mặt đường, đồng bộ hóa dây chuyền công nghệ xây dựng đường cao tốc.  Về cầu: Chuyên nghiệp hóa thi công nền móng (móng cọc khoan nhồi đường kính lớn và khoan sâu vào các tầng địa chất khác nhau) đã ứng dụng ở hàng chục cầu và đạt kỷ lục ở cầu Rạch Miễu (Bến Tre), Trần Thị Lý (Đà Nẵng). Chuyên nghiệp hóa thi công dầm (các bộ xe đúc hẫng cân bằng dầm bê tông cốt thép dự ứng lực ngày càng được cải tiến), đã đạt đỉnh cao ở cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) với chín nhịp đúc hẫng liên tục, cầu Hàm Luông (Bến Tre) có nhịp đúc hẫng dài nhất Việt Nam (150m). Một số công trình cầu mang dấu ấn công nghệ đặc sắc, như: Cầu quay vượt sông Hàn, một biểu tượng mới của Đà Nẵng năng động và sáng tạo. Cầu Rạch Miễu (Bến Tre) nhịp chính dài 270m là cầu dây văng tự lực tự cường hoàn toàn do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế và Cienco1 thi công toàn bộ phần cầu dây văng. Cầu Rồng có thiết kế độc đáo hình con Rồng truyền thống thể hiện khát vọng vươn ra biển lớn, đã đoạt giải thưởng lớn năm 2014 của Hội đồng các công ty kỹ thuật Hoa Kỳ. Cầu Trần Thị Lý là cầu dây văng 3 mặt phẳng dây tạo dáng hình cánh buồm, tháp cầu cao xấp xỉ 130m, nghiêng 12 độ đặt trên gối cầu có tải trọng 32.000T (lớn nhất thế giới)... Chính vì lẽ đó, Cienco1 hay là “Tổng Một” ngày càng được nhiều chủ đầu tư, đồng nghiệp, khách hàng nhắc đến như một một nhà thầu và nhà đầu tư tin cậy, một thương hiệu hàng đầu về xây dựng giao thông. 

 

Ngày 6/1/2014 Tổng công ty đã Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa. Chuyển sang hình thái mới là doanh nghiệp cổ phần, thời gian tới Cienco1 có thêm cơ hội mở rộng cơ chế huy động vốn; đổi mới quản trị theo hướng tăng tính công khai, minh bạch; kết hợp hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, trên cơ sơ đó tiếp tục khai thác thế mạnh sẵn có của mình. 

Hoài Thanh

 

 
Ý kiến của bạn