(BTĐKT)-Nhắc đến Nam Tân (Nam Sách, Hải Dương) người ta nghĩ ngay đến quê hương của nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi, quê hương của truyền thống cách mạng
Khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai, Nam Tân cũng gặp không ít những khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp, sức người sức của có hạn, tuy nhiên sau hơn 3 năm xây dựng nông thôn mới, phát huy nội lực của mình Nam Tân đang thực sự mang trên mình một diện mạo mới.
Đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Đời sống nhân dân ngày một ấm no. Thu nhập bình quân đầu người của xã Nam Tân năm 2013 đạt 22,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%. Cả 3 trường của xã đều đã đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục hằng năm được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được quan tâm. Trạm Y tế đã được đầu tư xây dựng kiên cố 2 tầng, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh tại cơ sở. Năm 2005, Nam Tân là một trong những xã của huyện sớm đạt chuẩn quốc gia về y tế. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư" tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Đến năm 2007, tất cả các thôn của xã đạt danh hiệu làng văn hóa. Từ đó đến nay, các thôn duy trì tốt và phát huy danh hiệu này. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng. Nhiều năm liền, Đảng bộ xã đạt trong sạch, vững mạnh. Năm 2013, Đảng bộ xã đạt trong sạch, vững mạnh cấp tỉnh, chính quyền xã được nhận cờ thi đua cấp tỉnh...
Kết quả ấy bắt nguồn từ định hướng đúng đắn của Đảng bộ, sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, hiệu quả của chính quyền và sự năng động, sáng tạo của cán bộ và nhân dân địa phương. Trong phát triển kinh tế, người dân Nam Tân đã biết tận dụng, phát huy thế mạnh, khai thác triệt để nguồn lợi từ thủy sản. Nam Tân hiện có khoảng 100 ha ao hồ và diện tích vùng chuyển đổi. Hiện nay, nhiều người dân trong xã còn tận dụng diện tích mặt nước ngoài sông Kinh Thầy để nuôi cá lồng. Những ngày đầu, xã chỉ có vài hộ nuôi cá lồng với quy mô nhỏ, do làm ăn hiệu quả, đến nay đã có khoảng 40 hộ nuôi, với hơn 700 lồng cá. Các hộ nuôi cá lồng thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Những hộ nuôi cá lồng tiêu biểu của xã phải kể đến là ông Nguyễn Trung Tựu, Trần Văn Thiện, Nguyễn Dương Khiêm... Theo ước tính của xã, năm 2014, sản lượng sẽ tăng hơn 100 tấn cá so với 2013.
Nam Tân cũng số lượng người đi lao động ở nước ngoài cao. Hiện nay, số người đi lao động ở nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) của xã khoảng 120 người, hằng năm gửi về số ngoại tệ đáng kể. Lực lượng lao động ở địa phương đi làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng có khoảng 600 người, hằng năm đóng góp lớn vào thu nhập bình quân của xã. Bên cạnh đó, xã tiếp tục phát triển mạnh các loại hình dịch vụ như: kinh doanh hàng tạp phẩm, dịch vụ vận tải, kinh doanh chất đốt, cung ứng thức ăn chăn nuôi.
Kinh tế phát triển, người dân Nam Tân có điều kiện để xây dựng hạ tầng thôn, xóm, nhất là đường giao thông. Năm 2012, nhờ sự quan tâm của cấp trên và nội lực của mình, xã đã hoàn thành việc bê-tông hóa hơn 1,2 km đường từ thôn Long Động đến trụ sở UBND xã với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách xã. Từ năm 2011 đến nay, các thôn phát động nhân dân đóng góp sức người, sức của, bê-tông hóa nhiều tuyến đường liên thôn, bộ mặt làng quê thay đổi từng ngày, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người dân nơi đây.
Có được những kết quả đó là nhờ Đảng bộ và nhân dân xã Nam Tân đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Năm 2015 Nam Tân phấn đấu sớm về đích trong xây dựng nông thôn mới.
Thanh Thảo