(BTĐKT)-Nam Thắng là xã thuộc khu Nam huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Xã có diện tích đất tự nhiên 586,5 ha, trong đó đất nông nghiệp là 381 ha. Địa bàn hành chính chia thành 8 thôn. Hiện nay dân số trong xã là 8.918 khẩu, trong đó có 26% số dân theo đạo Thiên Chúa với 2 nhà xứ, 5 nhà thờ họ đạo. Đảng bộ xã hiện có 283 đảng viên sinh hoạt ở 12 chi bộ (gồm 8 chi bộ thôn và 4 chi bộ chuyên môn).
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành từ xã đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai những nội dung của Chương trình đến toàn thể cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, phấn đấu về đích trong thời gian sớm nhất.
Mặc dù Nam Thắng không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng với quyết tâm như trên, Đảng ủy xã Nam Thắng đã ban hành Nghị quyết riêng về xây dựng nông thôn mới, đồng thời triển khai tới toàn thể cán bộ đảng viên và tổ chức cho nhân dân thảo luận đóng góp. Sau khi có sự thống nhất của Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân, Đảng bộ xã đã xác định: Chỉ có dồn điền đổi thửa mới tích tụ được ruộng đất, quy hoạch được cánh đồng sản xuất tập trung, tạo điều kiện đưa máy móc vào sản xuất, khai thác triệt để tiềm năng của đất và giảm chi phí đầu tư trong nông nghiệp.
Chủ trương là vậy nhưng trong quá trình thực hiện, Nam Thắng gặp không ít trở ngại, khó khăn bởi những năm trước đây, ruộng đất của xã manh mún, nằm xen kẽ trên khắp các xứ đồng, bình quân 3-4 thửa/hộ, cá biệt có hộ 8-9 thửa. Mương máng, bờ vùng, bờ thửa có tới hàng nghìn mặt bờ lớn nhỏ, việc đi lại phục vụ sản xuất hết sức khó khăn. Thu nhập thấp, thiên tai bão lụt khó lường nên một bộ phận nông dân có biểu hiện chán nản, không thiết tha gắn bó với đồng ruộng. Việc đặt ra mục tiêu mở rộng diện tích và quy hoạch mới theo tiêu chí nông thôn mới, trong đó việc đào đắp giao thông thuỷ lợi, xây lắp cầu, cống phục vụ sản xuất đòi hỏi một nguồn kinh phí không nhỏ (trên 4 tỷ đồng)... là cả một thách thức lớn so với điều kiện kinh tế hạn hẹp của chính quyền và nhân dân địa phương.
Khó là vậy, nhưng cần phải làm, và phải thành công. Đó là quyết tâm nung nấu của các thành viên trong Đảng ủy xã và họ cùng thống nhất nhận định: Quyết tâm đã có, Nghị quyết đã có, nhưng để Nghị quyết đi vào cuộc sống và thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra, cần phải có khâu đột phá. Sau nhiều lần bàn bạc, thảo luận, Đảng ủy xã đã thống nhất xác định: Phải tạo được sự đồng thuận, tạo sự thống nhất, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và sức mạnh đoàn kết lương giáo để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trong toàn xã. Và khâu đột phá chính là phải phát huy tính tiền phong, gương mẫu của toàn thể các đảng viên trong đảng bộ, từ người đứng đầu đến đảng viên ở cơ sở trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của chương trình như dồn điền đổi thửa, hiến đất làm đường, chỉnh trang đồng ruộng, tham gia đóng góp ngày công lao động, ủng hộ tiền và vật chất... xây dựng nông thôn mới.
Với phương châm “Nói đi đôi với làm”, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, bằng các giải pháp thiết thực, đặc biệt là phát huy dân chủ ở cơ sở, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, Nam Thắng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ngay trong năm 2011, xã Nam Thắng đã hoàn thành phương án dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng với nhiều kết quả thiết thực, tạo đà cho xây dựng nông thôn mới. Từ thành công trong dồn điền đổi thửa đã giúp xã quy hoạch được vùng sản xuất hàng hóa, nhân dân mua được 14 máy cày đa năng, 4 máy gặt đập liên hoàn phục vụ sản xuất.
Về chỉnh trang đồng ruộng, toàn xã đã đào đắp 6 km bờ vùng, 21 km bờ thửa có mương với tổng khối lượng 120.500m3, trong đó nhân dân đóng góp 16.700 ngày công đào đắp được 76.000 m3, đóng góp 300 ngày công lắp đặt 300 ống bi, xây lắp 69 cầu cống với tổng giá trị 2,9 tỷ đồng, trong đó nhân dân tham gia ngày công quy giá trị là 1,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhân dân còn tự nguyện đóng góp 28m2/sào bằng 24 ha cộng với 13 ha đất công ích của xã để mở rộng giao thông thủy lợi và xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương với tổng giá trị là 40 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp quy giá trị là 26 tỷ đồng...
Điều đáng ghi nhận trong xây dựng nông thôn mới của Nam Thắng là có tới hơn 80% công việc là do nhân dân trực tiếp tham gia thực hiện. Trong đó, nhân dân Nam Thắng đã tự nguyện đóng góp 1,3 tỷ đồng bằng ngày công để xây dựng 1.300m cống rãnh thoát nước tuyến đường trung tâm, ủng hộ 2,5 tỷ đồng cứng hóa đường giao thông, xây dựng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trạm Y tế và Đài tưởng niệm liệt sĩ xã.
Năm 2013, được sự quan tâm của Tỉnh ủy và các sở ngành tỉnh Thái Bình, huyện Tiền Hải và sự đồng thuận của nhân dân, 8/8 thôn trong xã đã tiến hành giải phóng mặt bằng, tự nguyện tháo dỡ bờ dậu và các công trình phụ trên 915 m đường, hiến 1.270 m2 đất thổ cư với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng; đồng thời nhân dân cùng nhau thực hiện bê tông hóa 28 tuyến đường, gồm 10 tuyến nội đồng và 18 tuyến trục thôn với tổng chiều dài 9,2 km với tổng giá trị 5,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 2,2 tỷ đồng...
Đến nay xã Nam Thắng đã huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới với tổng giá trị 44,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 30.000 ngày công giá trị 3,9 tỷ đồng; nhân dân hiến đất, tháo dỡ công trình giá trị 27 tỷ đồng; nhân dân con em ở xã ủng hộ 3,6 tỷ đồng và ngoài ra từ các nguồn vốn từ ngân sách xã và nguồn xã hội hóa.
Qua 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Nam Thắng đã đạt được 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, được UBND tỉnh Thái Bình công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2013 - một kết quả rất đáng tự hào với một xã có điểm xuất phát còn nhiều khó khăn như Nam Thắng. Các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội, y tế - giáo dục của xã đã có bước phát triển mạnh mẽ, tình hình an ninh chính trị được đảm bảo. Đặc biệt, đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét. Nam Thắng đã trở thành "điểm sáng", một hình mẫu đáng học tập trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Bình.
Với những thành tích trên, tháng 7/2013, Đảng bộ và nhân dân Nam Thắng đã vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Tháng 3/2014 vừa qua, đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam về thăm đã ghi nhận và biểu dương vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sức mạnh của nông dân trong xã với phong trào xây dựng nông thôn mới.
Thành công lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Thắng là đã tạo thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của cấp ủy, chính quyền được nâng lên, MTTQ, các tổ chức chính trị được rõ nét, sự đoàn kết giữa Đảng với nhân dân ngày càng thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được tăng cường, bộ mặt nông thôn mới đã khởi sắc. Đây là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn về tinh thần và là động lực cho Đảng bộ và nhân dân Nam Thắng tiếp tục phấn đấu vươn lên trong năm 2014, xứng đáng là lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới của huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình./.
Thanh Mai