(BTĐKT)-Để phát triển bền vững ngành chè, tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến tới bà con, từ đó làm thay đổi tập quán sản xuất chè của người dân địa phương và tăng năng suất, hiệu quả trên một đơn vị sản xuất.
Sơn Phú là một trong những xã phát triển sản xuất chè của huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, tuy nhiên vài chục năm nay, do sản xuất manh mún, kỹ thuật canh tác lạc hậu, giống chè Trung Du được trồng bằng hạt đã già cỗi nên năng suất thấp, chất lượng kém. Hơn nữa việc thu hái, chế biến các sản phẩm chè của người dân còn mang tính thủ công, thô sơ. Để phát triển bền vững ngành chè, tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến tới bà con, từ đó làm thay đổi tập quán sản xuất chè của người dân địa phương và tăng năng suất, hiệu quả trên một đơn vị sản xuất.
Ông Nguyễn Tiến Hành xóm Sơn Thắng, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là một trong những nông dân điển hình trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất chè do Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh tổ chức, được thăm các mô hình sản xuất chè giống mới hiệu quả, ông Nguyễn Tiến Hành quyết tâm chuyển đổi cơ cấu giống chè của gia đình bằng các giống chè mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2000, ông Hành trồng thay thế 3 sào chè cũ bằng giống chè mới PH1. Ông hành cho biết, ngay từ những năm đầu thu hoạch đã thấy hiệu quả kinh tế hơn hẳn giống chè Trung Du trước đây. Do vậy, năm 2005, ông tiếp tục thay thế hơn 7 sào chè bằng giống LDP1 và TRI 777. Theo nhận định của ông, các giống chè mới trồng bằng phương pháp giâm cành cho độ thuần cao, chỉ sau trồng vài năm là đã bắt đầu cho thu hoạch, năng suất chè cao gấp 2 lần chè giống cũ, giá bán chè cành cao hơn chè Trung Du từ 1,5 đến 2 lần.
Trước đây việc thu hái, chế biến chè còn thủ công không những tốn rất nhiều thời gian, công lao động mà còn ảnh hưởng đến chất lượng chè thành phẩm, đòi hỏi người làm chè phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước đưa máy móc vào sản xuất, thay thế lao động thủ công. Năm 2006, ông Hành tham gia “Mô hình chế biến chè an toàn” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tài trợ và được tiếp nhận một bộ máy gồm tôn quay inox, máy vò chè, mô tơ điện… Ông Hành cho biết, ứng dụng công nghệ sao, sấy chè bằng máy giảm được khoảng 30% sức lao động, sản phẩm chè có chất lượng không thua kém cách làm truyền thống.
Năm 2011, ông Nguyễn Tiến Hành tham gia “Dự án xây dựng mô hình Tổ hợp tác và áp dụng cơ giới hoá tổng hợp trong sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” do Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện. Ông Hành được bầu là tổ trưởng Tổ hợp tác cơ giới hóa sản xuất chè gồm 12 tổ viên là các hộ sản xuất chè tại xã Sơn Phú, huyện Định Hóa. Tổ hợp tác được hỗ trợ 75% tiền mua một tổ hợp thiết bị sản xuất với số lượng 6 máy hái chè đơn AM110EB/28EZ Ochiai, 02 máy đốn chè đơn E7H - 750 Ochiai, 4 máy phun thuốc F768-TB26 Kawashima.
Ông Hành cho biết, gia đình ông với hơn 1 mẫu chè giống mới (3.600 m2), trước đây hái thủ công mỗi lứa phải thuê hết hơn 3 triệu đồng, nếu 10 người hái thủ công cũng phải hết 5 ngày; vào những tháng cao điểm chính vụ thu hoạch chè việc thuê người hái gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi được tham gia mô hình, sử dụng máy hái chè với 2 nhân công chỉ mất 16 -20 tiếng (khoảng 02 ngày) đã hái hết số chè của gia đình; tiêu hao rất ít nhiên liệu, khoảng 0,6 – 0,7 lít xăng/ 4 giờ chạy máy. Khi hái chè dịch vụ người dân cũng chỉ phải trả 1,5 – 1,7 triệu đồng cho mỗi mẫu chè.
Đối với máy đốn chè, nếu đốn thủ công, đúng kỹ thuật thì một người một ngày chỉ đốn được hơn nửa sào, trong khi đó, máy cơ giới nhỏ đốn chè mỗi ngày sẽ đốn được hơn 1 mẫu. Phun bằng máy động cơ áp lực thuốc phun ra mạnh, thuốc tơi, nhỏ dễ dàng đến được các vị trí cần thiết trên cây chè, hiệu quả cao hơn máy phun thuốc thông thường.
Theo ông Hành, chè được đốn, sửa và thu hái bằng máy có ưu điểm rút ngắn khoảng thời gian giữa các lứa chè từ 5 – 7 ngày; giúp thu hoạch kịp thời vụ nên chè không bị già, quá lứa làm ảnh hưởng đến năng xuất và chất lượng sản phẩm. Quá trình sử dụng máy để thu hái chè đã loại một phần sâu bệnh hại ra khỏi vườn chè, giảm đáng kể số lần phun thuốc và chi phí mua thuốc trừ sâu…
Canh tác chè theo truyền thống cũng chưa hợp lý; việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… không những làm giảm chất lượng chè mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến môi trường... Năm 2008, ông Hành tham gia các lớp tập huấn về chương trình phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp (IPM), sản xuất chè an toàn… và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất chè của gia đình.
Tháng 6 năm 2013, gia đình ông Hành tham gia mô hình “Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP xóm Sơn Thắng”; tháng 10 năm 2013, Tổ đón nhận Giấy Chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ hợp tác sản xuất chè Sơn Thắng có 60 hộ dân tham gia với tổng diện tích 33,2ha. Qua quá trình triển khai thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP phương thức sản xuất của các hộ dân đã thay đổi rõ rệt, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ý thức bảo vệ môi trường... giá trị sản phẩm chè được nâng cao (tăng từ 30 đến 50 nghìn đồng/kg so với chè không được chứng nhận), khách hàng ngày càng tin tưởng hơn, từ đó sẽ tạo được thương hiệu cho chè địa phương.
Nhờ mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh chè, gia đình ông Hành đã sản xuất chè đạt hiệu quả cao, mỗi năm với hơn một mẫu chè, gia đình ông thu hoạch trên 1 tấn chè búp khô, cùng với làm dịch vụ hái chè, trừ các khoản chi phí ông thu lãi trên 120 triệu đồng.
Các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, thu hoạch chè trên địa bàn huyện đã thu hút nhiều hộ dân tham gia, góp phần thay đổi tập quán sản xuất chè của người dân địa phương. Trước đây, cây chè góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập thì giờ đây cây chè đã trở thành cây làm giàu của bà con Sơn Phú.
Nhật Minh