(BTĐKT)-Thụy Vân là một xã đồng bằng nằm ở phía Tây Nam thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Xã có diện tích đất tự nhiên 986,18 ha, dân số đông với 12.979 nhân khẩu chia thành 7 khu dân cư, trong đó có 2/7 khu dân cư là đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo. Được chọn là một trong những xã làm điểm trong phong trào xây dựng nông thôn mới của thành phố, chính quyền và nhân dân Thụy Vân rất vui mừng, phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn.
Bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Thụy Vân cơ bản đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như: Điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sạch... Điểm xuất phát trong quá trình xây dựng NTM xã Thụy Vân đã có 13/19 tiêu chí đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM, chỉ còn 6/19 tiêu chí chưa đạt, đó là các tiêu chí: Quy hoạch; giao thông; thủy lợi; cơ sở vật chất, văn hóa; hộ nghèo và môi trường. Quá trình xây dựng NTM ở Thụy Vân gặp không ít khó khăn do nhân dân chưa hiểu hết mục đích và ý nghĩa của chương trình nên việc huy động nhân dân góp tiền, góp công và nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng để làm đường gặp nhiều trở ngại. Trước tình hình đó, lãnh đạo xã xác định để đạt chuẩn NTM, cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự vào cuộc tích cực của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân trong xã.
Chính quyền xã nhận định phải đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân để họ thấy được vai trò chủ đạo của mình trong công cuộc xây dựng NTM. Xã thực hiện tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho nhân dân, bản thân cán bộ, lãnh đạo xã gương mẫu vận động gia đình tiên phong trong việc góp công, góp sức để làm đường, từ đó đã làm thay đổi nhanh chóng nhận thức của bà con trong xã. Nhiều hộ dân với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã đóng góp tiền và bỏ công, bỏ sức, hiến đất, tài sản trên đất để làm đường liên thôn, xóm. Xã có nhiều biện pháp tích cực chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất như hướng dẫn nông dân đầu tư vào phát triển một số mô hình kinh tế như chăn nuôi lợn rừng, nuôi cá rô phi đầu vuông, trồng bí đao vụ đông thay cây ngô… Bên cạnh đó, đẩy mạnh xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm cho người lao động, triển khai hướng dẫn nhân dân các biện pháp để bảo vệ môi trường sinh thái như xây dựng công trình vệ sinh tự hoại, thu gom xử lý rác thải nơi công cộng, xử lý chất thải trong chăn nuôi, mở các lớp dạy nghề cho nông dân... với tổng số vốn trên 870 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện, đã có hàng chục hộ dân hiến gần 200 m2 đất/ 4000 m2 đất làm giao thông nội đồng, doanh nghiệp ủng hộ trên 200 triệu đồng để đền bù trực tiếp cho các hộ dân, hàng trăm ngày công, tài sản trị giá hàng chục triệu đồng để xây dựng những công trình giao thông, đường khu dân cư, đường nội đồng, vệ sinh môi trường thu gom rác thải sinh hoạt…
UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các khu dân cư, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong quá trình triển khai, nhiều cơ sở gặp vướng mắc đã được lãnh đạo xã, khu dân cư xuống tháo gỡ. Song song với đó, xã đã xây dựng cơ chế khuyến khích người dân triển khai, xây dựng được các mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến cuối 2013, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thụy Vân đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và được UBND tỉnh Phú Thọ ký quyết định công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM.
Đến Thụy Vân hôm nay sẽ thấy bức tranh nông thôn Thụy Vân tươi sáng hơn, đẹp đẽ hơn khi đi trên những con đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa rộng thênh thang; cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế khang trang, hệ thống các trường học đạt chuẩn quốc gia, nhà cao tầng mọc lên san sát, từng ô bờ thửa ruộng cũng gọn gàng, rộng rãi… Hệ thống đường giao thông nông thôn của xã Thụy Vân với đường liên xã, liên thôn đã được bê tông hóa và nhựa hóa đạt 100%; 76,8% đường trục chính nội đồng được cứng hóa; 71,65% hệ thống kênh mương tưới tiêu được cứng hóa; 7/7 khu dân cư có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3%; 100% hộ dân được dùng nước sạch, trong mỗi thôn đều có tổ thu gom rác thải. Bình quân thu nhập theo đầu người của Thụy Vân đạt khoảng 16 triệu đồng/năm; xã không còn nhà tạm, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Hệ thống giáo dục y tế đều đạt đã đạt chuẩn quốc gia. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Để đạt cả 19 tiêu chí Thụy Vân phải dùng số kinh phí 48.041 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh 8.720 triệu đồng, ngân sách thành phố 8.396 triệu đồng, ngân sách xã 28.957 triệu đồng, nguồn vận động từ nhân dân 1.968 triệu đồng.
Có được kết quả như vậy là nhờ Thụy Vân đã lựa chọn cho mình cách làm phù hợp với điều kiện của địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới là đem lại lợi ích cho cộng đồng, gia đình cũng như các cá nhân nên mọi người hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới. Ban chỉ đạo của xã cùng luôn đi sâu đi sát xây dựng các chương trình, kế hoạch theo quý, theo năm, tiêu chí nào cần chú trọng trước thì sẽ ưu tiên thực hiện trước. Đồng thời cũng tranh thủ các nguồn lực, kinh phí của nhà nước, bên cạnh đó, khai thác nội lực bằng các nguồn thu hợp pháp để đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Có thể thấy, những nỗ lực trong xây dựng NTM ở xã Thụy Vân đã góp phần đưa làng quê nơi đây có một diện mạo mới, thay đổi từ những con đường, ngõ xóm, nhà cửa khang trang, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng lên, cũng như mở ra nhiều triển vọng mới trong phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Với những cố gắng chung sức đồng lòng của chính quyền và nhân dân, xã Thụy Vân đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.
Thanh Mai