Gần 40.000 người đăng kí hiến tặng giác mạc

 7090 lượt xem
(BTĐKT) – Ngày 28/11, tại Hà Nội, bệnh viện Mắt Trung ương và Ngân hàng Mắt tổ chức Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc năm 2014 và kỷ niệm 5 năm thành lập Ngân hàng Mắt (2009-2014). 

 (BTĐKT) – UBND TP.HCM vừa phê duyệt dự án xây dựng Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM với quy mô 1.000 giường bệnh, nằm trên địa bàn 2 xã Tân Kiên và Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.

Bệnh viện tổ chức tôn vinh 37 người và gia đình đã hiến tặng giác mạc trong năm 2014, khen thưởng 33 tổ chức, cá nhân tiêu biểu có đóng góp tích cực cho sự phát triển Ngân hàng Mắt và hoạt động vận động hiến tặng giác mạc thời gian qua. 

 

Ghép giác mạc đem lại ánh sáng cho hàng trăm người mù.

 

Đây là hoạt động thường niên được Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức từ năm 2007, kể từ khi Việt Nam có người đầu tiên tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình tự nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, mở ra cơ hội cho hàng trăm nghìn người mù tìm lại ánh sáng. 

 

Nhiều năm qua, hoạt động hiến tặng giác mạc của Ngân hàng Mắt - Bệnh viện Mắt Trung ương là một trong những lĩnh vực tiên phong, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào hiến ghép mô tạng ở Việt Nam. 

 

Tính đến nay, cả nước có gần 40.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã thu nhận được 461 giác mạc của 235 người hiến tặng sau khi qua đời tại 14 tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, 90% số giác mạc thu nhận được là của người dân tỉnh Ninh Bình. 

 

Những giác mạc quý giá đó đã được Ngân hàng mắt Bệnh viện Mắt Trung ương thu nhận, bảo quản và các y bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương tiến hành phẫu thuật ghép giác mạc ngay sau đó, giúp cho hàng trăm người mù bị bệnh lý giác mạc tìm lại ánh sáng. 

 

Theo ước tính, Việt Nam hiện có trên 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc. Riêng tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc lên tới hàng nghìn người. Do nguồn giác mạc vô cùng khan hiến và lượng hiến giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế nên hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa. 

 

Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt - Bệnh viện Mắt Trung ương: “Ngân hàng Mắt mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, trong việc tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến tặng giác mạc. Tiếp nhận giác mạc không chỉ ở cộng đồng, mà còn xây dựng mạng lưới tiếp nhận giác mạc trong hệ thống các bệnh viện để tăng cường chất lượng các hoạt động, cũng như thu nhận, đánh giá, bảo quản giác mạc tốt hơn”. 

 

Tháng 5/2009, Ngân hàng Mắt đầu tiên ở Việt Nam chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Đây là một đơn vị phi lợi nhuận với nhiệm vụ và chức năng chính là tuyên truyền, vận động người dân hiến giác mạc; thu nhận, bảo quản, điều phối giác mạc... Từ những khó khăn ban đầu về cơ sở vật chất đến nhân sự, hành lang pháp lý và các rào cản văn hóa, tín ngưỡng… sau 5 năm thành lập, Ngân hàng Mắt đã không ngừng nỗ lực, tổ chức đa dạng các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, vận động người dân hiến giác mạc và trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu trong công cuộc giải phóng mù lòa, có ảnh hưởng rộng lớn phong trào hiến tặng giác mạc phạm vi toàn quốc, góp phần quan trọng trong phong trào hiến ghép mô tạng ở Việt Nam.

 

Tại buổi lễ, ông Hoàng Văn Tiện, 63 tuổi, xóm 6, xã Kim Định, huyện Kim Sơn, Ninh Bình chia sẻ: “Nhờ được vận động tư vấn thông tin của Bệnh viện Mắt Trung ương và Hội chữ thập đỏ huyện Kim Sơn, bản thân tôi, bố đẻ và chị gái đã tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời”.

 

Còn anh Phạm Đức Thịnh, 28 tuổi, hiện đang công tác tại Hà Nội, từng được các bác sỹ bệnh viện Mắt Trung ương phẫu thuật ghép giác mạc thành công năm 2012 đã xúc động khi được thụ hưởng phong trào vận động hiến tặng giác mạc: “Tháng 5/2012 tôi đã được làm phẫu thuật ghép giác mạc. Phẫu thuật thành công đã giúp tôi phục hồi thị lực. Tôi thực sự biết ơn các y bác sỹ và người đã tình nguyện hiến giác mạc, trao cơ hội được tìm lại ánh sáng cho cuộc đời tôi”.

 

Có thể nói, tiên phong trong phong trào hiến tặng giác mạc là Ngân hàng Mắt-bệnh viện Mắt Trung ương, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào hiến ghép mô tạng ở Việt Nam.

 

 

Những gia đình có người hiến tặng giác mạc tiêu biểu năm 2014 được tặng bằng ghi nhận Nghĩa cử cao đẹp. 

 

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền linh hoạt, kiên trì trong công tác vận động nhân dân tham gia phong trào hiến giác mạc, năm 2007, Ngân hàng Mắt đã thu nhận được 2 giác mạc đầu tiên của bà Nguyễn Thị Hoa ở Ninh Bình tự nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Giác mạc của cụ Hoa đã mang lại ánh sáng cho hai người mù. Với tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp đó, cụ Hoa đã trở thành tấm gương sáng tiên phong, thúc đẩy phong trào hiến tặng giác mạc trong cả nước lan rộng, phát triển, mở ra cơ hội cho hàng trăm nghìn người mù tìm lại ánh sáng. Đến nay, phong trào hiến tặng giác mạc đã lan rộng sang các tỉnh thành khác trong cả nước: Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nam Định, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An…

 

Tính đến nay, cả nước có gần 40.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 235 người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, từ 14 tỉnh thành trên cả nước. Những giác mạc quý đó đã được Ngân hàng Mắt thu nhận, bảo quản và các y bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương tiến hành phẫu thuật ghép giác mạc ngay sau đó, giúp cho hàng trăm người mù bị bệnh lý giác mạc tìm lại ánh sáng.

 

KT

 

 
Ý kiến của bạn