Huyện Phước Long xây dựng nông thôn mới nhờ phong trào thi đua

 9347 lượt xem
(BTĐKT)-Phước Long là một huyện thuộc tỉnh Bạc Liêu, là một vùng quê nghèo, lam lũ, mùa mưa thì cả vùng nước ngập mênh mông, khi đến mùa khô thì đất nứt nẻ, khô cằn, kênh rạch lừng phèn. 

Làm sao để quê hương Phước Long trở nên giàu đẹp, đời sống người dân nơi đây ngày càng được ấm no, sung túc. Đó là câu hỏi lớn, là nỗi trăn trở trong nhiều năm dài của biết bao thế hệ lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu.

Tuy nhiên, khi vừa bắt tay vào xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Trung ương chưa được bao lâu, Phước Long lại một lần nữa đứng trước nhiều thách thức khi bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng, kinh tế trong nước, trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, Nghị quyết 11 của Chính phủ ra đời, trong đó có yêu cầu cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước, tập trung kềm chế lạm phát. 
 
Lúc này, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xây dựng huyện nông thôn mới Phước Long đúng theo lộ trình trong tình trạng khó khăn về vốn?
 
Một lần nữa, lãnh đạo Phước Long đã học theo lời dạy của Bác Hồ, đó là lấy dân làm gốc, thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở. Với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, hết thảy những công việc lớn, nhỏ ở địa phương trước khi được triển khai, thực hiện đều được công khai đưa ra để người dân đóng góp ý kiến.
 
Nhìn lại 3 năm, chỉ mới hơn nửa lộ trình của kế hoạch 5 năm xây dựng nông thôn mới nhưng trên mảnh đất này đã có sự đổi thay đến không ngờ. Sự đổi thay đó, hiện diện ở khắp mọi nơi từ cánh đồng, dòng sông, con rạch, cây cầu, sân nhà, chợ búa, công sở cho đến đời sống sinh hoạt của mỗi người dân. Để đạt được những điều đó phải kể đến phong trào thi đua “Dân vận khéo”. 
 
Qua 6 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Phước Long đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong một lần về thăm Phước Long.
 
Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” mang lại hiệu quả tích cực, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể huyện Phước Long đã không ngừng đổi mới phương pháp và sáng tạo hình thức tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Từ nhận thức và hành động đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, mô hình, cá nhân “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần khơi dậy mạnh mẽ phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Kết quả nổi bật là phong trào vận động nhân dân hiến đất xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi, trạm bơm điện, nhà văn hóa ấp, trường học và đóng góp quỹ An sinh xã hội…
 
Cũng từ việc xác định tầm quan trọng của công tác dân vận nên thời gian qua các ngành, các cấp trong huyện Phước Long đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai trong hệ thống ngành mình, cấp mình. Nhờ kế hoạch triển khai cụ thể, rõ ràng, nêu bật ý nghĩa và lợi ích thiết thực nên được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đồng tình hưởng ứng và tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân. Điển hình như việc phát động thực hiện 13 tiêu chí của Huyện ủy Phước Long về xây dựng gia đình nông thôn mới. Qua gần 4 năm phát động, đến nay toàn huyện có gần 10.000 hộ được công nhận. Anh Lê Văn Hiệp (ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây) là hộ được công nhận gia đình nông thôn mới, đối với anh chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước phát động là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Khi chính quyền địa phương vận động tham gia xây dựng nông thôn mới, gia đình anh đã tình nguyện hiến đất trước hành lang nhà để mở rộng mặt đường, xây dựng hàng rào tạo vẻ đẹp nông thôn và thực hiện nếp sống văn hóa.
 
Hiện nay, phong trào XDNTM ở huyện Phước Long đã có sức lan tỏa sâu rộng, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các ngành, Mặt trận, đoàn thể trong công tác vận động quần chúng. Theo ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Phước Long, từ thực tiễn đạt được sau qua 6 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, huyện đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền; sự hỗ trợ của các cấp, các ngành về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ của Ban Dân vận, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong việc hướng dẫn đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện thì mô hình sẽ đem lại hiệu quả cao và bền vững. Mặt khác, đối với những mô hình “Dân vận khéo”, khi chọn phải đảm bảo tính khả thi; việc triển khai thực hiện phải có chương trình, kế hoạch, dự án chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng địa phương, đơn vị và kịp thời biểu dương, tôn vinh những điển hình tiêu biểu nhân rộng để mọi người học tập và làm theo.
 
Huyện Phước Long phấn đấu đến năm 2015 sẽ là huyện 100% xã đạt nông thôn mới, nhờ sự sát sao của các cấp chính quyền, nhờ phong trào “Dân vận khéo” khơi dậy tinh thần chung của cộng đồng, con đường đến đích không còn xa.
Thanh Thảo
 
Ý kiến của bạn