Xét thi đua, khen thưởng phải theo điều kiện cụ thể

 8611 lượt xem
(BTĐKT)-Những quy định mới của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng ở cấp tỉnh và cấp cơ sở phải giải quyết một loạt vấn đề liên quan đến đối tượng, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ khen thưởng, sửa đổi, bổ sung quy chế thi đua, khen thưởng, quy chế xét sáng kiến cải tiến, quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp… 

Thực tế đó đòi hỏi phải có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới và thực tiễn phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, cơ quan, đơn vị, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07.4.2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Giải đáp những nội dung còn vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng tại Hội nghị tập huấn công tác thi đua, khen thưởng các tỉnh, thành phố phía Nam, đồng chí Trần Thị Hà – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương cho biết, Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn có nhiều nội dung rất “mở”, đòi hỏi các địa phương tùy vào tình hình, điều kiện thực tế mà vận dụng cho phù hợp, không cứng nhắc.
 
Điểm đáng lưu ý, đó là Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã mở rộng đối tượng khen thưởng và chú trọng nguyên tắc bình đẳng giới. Theo đó, đã bổ sung các quy định xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cụ thể cho đối tượng là công nhân, nông dân, người lao động; bổ sung thêm đối tượng là các gia đình được tặng thưởng Bằng khen, Giấy khen; bổ sung quy định cụ thể khi xét khen thưởng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo.
 
Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng, với quy định đối với nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng có quá trình cống hiến được giảm 3 năm so với quy định chung; đối với khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ và tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng.
 
Điểm mới trong quy định về thi đua, khen thưởng, đó là không lấy danh hiệu thi đua làm cơ sở xét khen thưởng. Nếu cá nhân, tập thể lập được thành tích, thì tùy vào mức độ và phạm vi ảnh hưởng của thành tích để xem xét khen thưởng theo từng hình thức phù hợp và tương xứng với thành tích đạt được.
 
Việc xét thành tích khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động phải tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương, việc quy định mô hình làm ăn có hiệu quả phải tùy tình hình thực tế, phù hợp vùng miền và quy định của pháp luật.
 
Tương tự như thế, đối với Danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”, Cờ Thi đua cấp tỉnh, Luật chỉ quy định khung về nguyên tắc, còn tùy điều kiện mà địa phương quy định những đối tượng cụ thể được tặng các danh hiệu này.
 
Thi đua, Khen thưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, do đó khi thành lập Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, các địa phương nghiên cứu có đầy đủ các thành phần: Đảng, Chính quyền, Đoàn thể nhân dân và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đề nghị các địa phương tiến hành hành rà soát phong trào thi đua theo chuyên đề do các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức hội, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phát động, chỉ giữ lại những phong trào thật sự hiệu quả, tránh chồng chéo. Đối với phong trào thi đua chuyên đề do UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh phát động có thời gian từ 03 năm trở lên, đề nghị các địa phương đăng ký với Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương để tổng hợp và hướng dẫn khen thưởng cấp Nhà nước.
 
Thái Thành
 
 
Ý kiến của bạn