(BTĐKT)-Sự kiện Tổng công ty giấy Việt Nam quyết định xây dựng nhà máy sản xuất ván Veneer (vơ nia) tại công ty nguyên liệu giấy miền Nam đã làm nức lòng cán bộ, đảng viên, người lao động công ty nguyên liệu giấy miền Nam. Họ đã chờ đợi sự kiện này rất lâu rồi và hôm nay đã thành hiện thực.
Có mặt tại lễ khởi công xây dựng nhà máy tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum mới thấy được niềm vui đối với những người quan tâm đến sự nghiệp nguyên liệu giấy trên vùng đất Kon Tum. Chứng kiến thời khắc xúc những xẻng đất đầu tiên cho sự ra đời của nhà máy vào những ngày cuối năm 2014, tôi nhác thấy gương mặt Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Tống Hữu Chân rạng rỡ và tràn đầy xúc động; ánh mắt anh như ánh lên niềm vui về một bước chuyển mới đã đến sau bao năm tháng thăng trầm, biến cố của sự nghiệp trồng rừng nguyên liệu trên vùng đất nơi cực Bắc Tây Nguyên đầy nắng gió và khắc nghiệt này.
Quá khứ gian nan
Đã gần 15 năm qua, từ khi bắt đầu đưa cây thông và keo lai lên trồng trên đất rừng Kon Tum, công ty nguyên liệu giấy miền Nam đã trải qua những thời kỳ gian khó nhất, có những lúc tưởng chừng không qua nổi.
Những dấu ấn trong quá khứ gian nan, khốc liệt của những người đi mở đất, trồng và giữ rừng như vẫn còn in đậm trong ký ức của mỗi người. Bạt núi mở đường nơi đất dốc đồi cao, vượt qua bao gian khó để trồng được trên 17.200ha rừng nguyên liệu. Thế nhưng những khắc nghiệt về thời tiết, địa hình đất dốc đồi cao, bom mìn của chiến tranh để lại, nước lũ mưa nguồn, địa hình chia cắt, núi cao rừng sâu …. đã làm cho hàng ngàn ha rừng của công ty bị cháy cộng với số dịện tích keo lai không phù hợp với điều kiện ở Tây Nguyên không tồn tại. Vì thế hiện nay công ty còn trên 9.200ha rừng thông đang phát triển. Nay rừng nguyên liệu của công ty đã và đang phát triển, xanh thẳm trải rộng khắp 33 xã của 8 huyện trong toàn tỉnh; đặc biệt là trên những dãy núi cao ở Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Đăk Tô và trên dãy núi Sạc Ly, nơi trước đây là vùng đất bom cày, đạn xới, là bạt ngàn cỏ tranh, lau lách vốn nổi danh là “vùng đất chết ”, nay đang bật dậy, hồi sinh với những dải rừng thông xanh ngút mắt …
Tìm hướng đi mở con đường mới
Phải khẳng định rằng, trên 9.200 ha rừng thông của công ty nguyên liệu giấy miền Nam hiện nay đang phát triển khá tốt. Tuy nhiên theo quy hoạch và phương án kinh doanh ban đầu của dự án thì rừng sẽ được khai thác sau 15 năm. Tức là công ty sẽ phải chuẩn bị khai thác vào năm 2015. Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Tống Hữu Chân cho biết : “Hiện nay, công ty mới thực hiện tỉa thưa rừng thông nhưng đã bị lỗ, vì hiện nay ở Kon Tum không có nhà máy chế biến, gỗ tỉa thưa phải đưa xuống tỉnh Gia Lai hoặc Bình Định chế biến để tiêu thụ; giá thu mua của các nhà máy hiện là 820.000 đồng /1 tấn, trong khi đó công vận chuyển đã mất khoảng 450.000 đồng /1 tấn. Với giá bán và cách tiêu thụ này, công ty sẽ lỗ gần 17 triệu đồng /1ha. Như vậy, nếu thực hiện theo phương án kinh doanh ban đầu đã được phê duyệt và tiến hành khai thác, với trên 9.200ha rừng hiện nay, công ty sẽ lỗ khoảng trên 150 tỷ đồng. Và nếu thực hiện phương án sản xuất ván ghép thanh với cây thông ở 15 năm tuổi thì chất lượng gỗ sẽ kém, chi phí sản xuất cao, giá bán thấp thì sẽ lỗ khoảng trên 200 tỷ đồng.
Từ thực tế nêu trên, lãnh đạo công ty nguyên liệu giấy miền Nam đã báo cáo, xây dựng phương án trình Tổng công ty giấy Việt Nam cho phép kéo dài thời gian khai thác rừng nguyên lịệu từ 15 năm sang 30 năm. Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Tống Hữu Chân tâm sự: “Lãnh đạo công ty rất quyết tâm, suốt mấy năm qua chúng tôi phải ngược xuôi giải trình với các Bộ, Ngành về phương án “giải cứu thua lỗ” cho công ty. Theo đó, nếu để 30 năm khai thác, rừng thông sẽ cho chất lượng gỗ cao hơn, sử dụng được trong nhiều lĩnh vực chế biến, lượng tiêu hao nguyên liệu gỗ tròn trên một đơn vị sản phẩm chế biến thấp. Để đến năm 2030 khai thác, với suất đầu tư là trên 190 triệu đồng /1ha, sản lượng bình quân dự kiến sẽ là 150 m3/1ha. Giá bán cây đứng dự kiến là 1,2 triệu đồng /m3 thì lợi nhuận thu được sẽ là gần 79 triệu đồng /1ha. Tổng lợi nhuận sẽ đạt khoảng gần 700 tỷ đồng”. Đồng chí Phạm Văn Hà, phó giám đốc Công ty tính toán: “ Nếu khai thác thời điểm này, năng suất rừng rất thấp, chất lượng gỗ chỉ phù hợp cho sản xuất bột giấy, không đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, giá bán thấp, thị trường tiêu thụ có hạn, do đó dự án sẽ không thu hồi đủ vốn sau 15 năm đầu tư ’’.
Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Tống Hữu Chân còn chiến lược hơn: “Nếu kéo dài dự án sang 30 năm, ngoài mục tiêu về kinh tế, chúng ta sẽ còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động của tỉnh Kon Tum, nhất là bà con đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ; góp phần cân bằng sinh thái, cải thiện khí hậu và đất đai, duy trì nguồn nước sinh hoạt , canh tác và phục vụ cho hoạt động của các nhà máy thủy điện trong tỉnh Kon Tum và một số tỉnh lân cận, phòng chống biến đổi khí hậu v.v…”
Với sự tính tóan khoa học, cụ thể và thuyết phục, phương án đề nghị kéo dài thời gian khai thác gỗ rừng trồng của công ty nguyên liệu giấy miền Nam đã được Tổng Công ty giấy Việt Nam chấp thuận trình các Bộ, Ngành và Chính phủ và đang chờ phê duyệt. Trước mắt và khởi đầu là sự kiện xây dựng nhà máy sản xuất ván vơ nia để tiêu thụ sản phẩm tỉa thưa. Nhà máy có công suất thiết kế 12.000m3 ván vơ nia/1 năm với nguyên liệu đầu vào là số gỗ tỉa thưa hàng năm trên phần diện tích rừng thông trên 9.200 ha của công ty nhằm nâng cao giá trị sản phẩm rừng trồng, tạo điều kiện cho rừng phát triển, giải quyết công việc và thu nhập cho cán bộ công nhân viên trong công ty.
Lan tỏa niềm vui
Đã trở thành hiện thực, nhà máy của những người lao động ở công ty nguyên liệu giấy miền Nam rồi đây sẽ hiện hữu trên mảnh đất Đăk Tô - mảnh đất từng hứng chịu bom cày, đạn xới với sự tàn khốc của chiến tranh để lại. Tiếng máy sẽ rộn rã reo vui trên mảnh đất này chỉ sau vài tháng nữa.
Những ngày cuối năm 2014 này thực sự là thời khắc khó quên đối với cán bộ, đảng viên, người lao động công ty nguyên liệu giấy miền Nam. Ngay trên công trường “lịch sử” này, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Tống Hữu Chân xiết chặt lấy tay tôi. Anh rất vui. Niềm vui thực sự đó như được lan tỏa sang tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn công ty. Họ đã chờ đợi sự kiện này cũng đã khá lâu rồi. Giọng nói của anh như nghẹn lại trong huyết quản của mình… Tôi biết anh vui, rất vui. Vui vì cuộc sống mới của người lao động của công ty sẽ mở ra. Anh vui vì đã lo được những việc lớn vì trách nhiệm trên vai của mình mà mọi người luôn kỳ vọng. Xin được chung vui cùng với anh, một con người luôn tận tâm, hết mình vì nhiệm vụ đã bén duyên và dấn thân trên mảnh đất Tây Nguyên để mang về màu xanh sự sống và niềm vui cho tất cả mọi người, vì sự nghiệp ổn định và phát triển của công ty nguyên liệu giấy miền Nam.
Trong ngày khởi công xây dựng nhà máy, tôi bắt gặp những ánh mắt thân quen, những con người cũng đã đồng cam cộng khổ cùng công ty suốt mười mấy năm qua. Họ luôn khát khao có được nhà máy để tiếp tục phát triển sự nghiệp mà bao năm nay họ chung lưng đấu cật, dồn sức giữ lấy thành quả mà mình đã tạo dựng nên. Từ các Trưởng phòng: Nguyễn Nhã Hoàng, Cao Vinh Quang, Hà Bá Hường, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Tri … đến các Trưởng ban: Đỗ Văn Thanh, Vũ Văn Sơn, Nguyễn Văn Quyết, Kiều Duy Tâm, Nguyễn Văn Thức, Nguyễn Văn Tùng … cho đến phó giám đốc Phạm Văn Hà, Võ Đình Lợi đều có chung cảm xúc mừng vui. Trong nụ cười, ánh mắt của mỗi người hôm nay như ánh lên niềm tin về cuộc sống mới sẽ đến với người lao động của công ty. Trong phát biểu tại lễ khởi công, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty giấy Việt Nam, ông Hoàng Quốc Lâm chia sẻ: “Việc Tổng công ty quyết định xây dựng nhà máy không chỉ đơn thần vì lợi ích về kinh tế mà còn là trách nhiệm và tình yêu với Kon Tum, với Tây Nguyên thân yêu …”
Đi lên từ gian khó, vượt lên những thử thách, gian nan, sau gần 8 năm đứng mũi chịu sào ở một doanh nghiệp đặc thù, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Nguyên liệu giấy miền Nam Tống Hữu Chân đã cùng với tập thể mang về niềm vui cho cuộc sống của mọi người. Khó khăn đang từng bước qua đi, dấu ấn mà anh để lại cho công ty là không nhỏ. Với bản chất của người lính Cụ Hồ trong anh vẫn luôn tròn đầy, ấm nóng và nhiệt huyết; tác phong sâu sát, cụ thể, tận tụy, khiêm nhường nhưng sáng tạo, cương nghị và quyết đoán, luôn nghiêm cẩn với chính mình mà rộng lòng với anh em … cháy hết mình với công việc và trọn vẹn nghĩa tình, thủy chung với bạn bè, đồng chí. Tống Hữu Chân đã và đang cùng với tập thể công ty Nguyên liệu giấy miền Nam đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển nguyên liệu giấy trên vùng đất cực Bắc Tây Nguyên .
Nguyễn Văn Chiến