Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh: Truyền thông Dân số cho đồng bào Dân tộc ở Bản Rào Tre

 9244 lượt xem
(BTĐKT)-Xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh là một trong những địa bàn vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Tĩnh với địa hình rừng núi cao, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, nên nhận thức của Nhân dân trên địa bàn và đồng bào dân tộc chưa đồng đều, phong tục, tập quán lạc hậu, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang còn xảy ra, việc tổ chức truyền thông Dân số, đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho bà con Nhân dân gặp không ít khó khăn, trở ngại. 

Tại Bản Rào Tre xã Hương Liên hiện có 33 hộ, 131 khẩu thuộc đồng bào dân tộc Chứt sinh sống, cuộc sống của đồng bào dân tộc ở bản đang còn thiếu thốn, trình độ văn hóa còn hạn chế, một số phong tục tập quán lạc hậu, cuộc sống tự nhiên còn ăn sâu bám rễ vào tư tưởng, nhất là về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang còn tồn tại, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn rất cao. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết về kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ hạn chế, trẻ sinh ra bị dị dạng, dị tật còi cọc, suy giảm sức khỏe, thiểu năng trí tuệ, tỷ lệ bệnh tật cao, dẫn đến suy thoái chất lượng giống nòi...

Trong những năm gần đây Ban dân số xã đã xây dựng kế hoạch, thường xuyên tuyên truyền cho đồng bào dân tộc tại Bản Rào Tre, về sinh đẻ đúng khoảng cách, giữ gìn sức khỏe cho bà mẹ và trẻ nhỏ để bảo tồn nòi giống. Hội liên hiệp phụ nữ xã đã tuyên truyền, vận động cho chị em phụ nữ dân tộc xóa bỏ những hủ tục phong kiến  lạc hậu, phụ nữ đã biết đến Trạm Y tế của xã để sinh nở, những ca khó sinh thì trực tiếp ra  Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê sinh nở cho an toàn, nên tỉ lệ chết mẹ và trẻ em đã giảm nhiều.
 
Chị Nguyễn Thị Thắm, Cộng tác viên Dân số cho chúng tôi biết: “ Bản Rào Tre hiện có  20 phụ nữ 15-49 tuổi và có 19 chị em đã có gia đình trong đó có 10 người đặt DCTC, triệt sản 1 và 03 người dùng viên uống tránh thai. Ý thức và trình độ của người dân chưa cao, còn e ngại việc áp dụng các biện pháp tránh thai. Bà con nơi đây vẫn còn tập quán sinh đẻ tại nhà, nên tổ chức truyền thông, tư vấn để tuyên truyền, vận động thực hiện KHHGĐ đang hết sức khó khăn…, làm cộng tác viên dân số cũng vất vả lắm, vì đồng bào dân tộc Chứt ở bản vẫn mang nặng tập tục lạc hậu nếu không có tâm huyết với nghề thì mình không thể tuyên truyền cho họ được đâu…”.
 
Còn em Hồ Thị Bình, tâm sự: “ Trong đợt Chiến dịch, chị em trong độ tuổi sinh đẻ đã được cán bộ Dân số đến tận Bản để tuyên truyền, tư vấn được cung cấp thêm nhiều kiến thức về chăm sóc SKSS, được dạy bảo về những biện pháp tránh thai an toàn, về cách thức chăm sóc bà mẹ và thai nhi, cách phòng chống viêm nhiễm đường sinh dục và các nội dung liên quan đến việc nâng cao chất lượng giống nòi, sau khi được cán bộ DS tuyên truyền, tôi đã thay đổi nhận thức và quyết định áp dụng biện pháp tránh thai để chăm lo cho gia đình được tốt hơn”.
 
Ban Dân số xã đã thay đổi nội dung, cách thức truyền thông về công tác Dân số- KHHGĐ nhất là cung cấp các biện pháp tránh thai cũng như tuyên truyền, tư vấn cho bà con dân tộc sử dụng BPTT, nhằm nâng cao nhận thức cho bà con dân tộc về lợi ích của KHHGĐ. Vì vậy vấn đề chăm sóc SKSS/ KHHGĐ cho đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề rất cần thiết phải quan tâm hiện nay. Đạt được kết quả đáng ghi nhận, có phần công sức không nhỏ của những con người thầm lặng đi gõ cửa từng nhà  bà con dân bản, bám sát vận động, tuyên truyền về sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Hôn nhân, gia đình và sinh đẻ có kế hoạch của bà con đã có chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều người chấp nhận các biện pháp tránh thai, nhưng tình trạng tảo hôn vẫn tồn tại. Năm 2013, anh Hồ Viết Sang đã vượt suối băng rừng vào tận Quảng Bình ở rể để lấy vợ, tránh xa nạn hôn nhân cận huyết thống nhưng con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số trai bản để tránh hôn nhân cận huyết cũng tìm sang Quảng Bình để hỏi vợ.
 
Ngoài hình thức truyền thông trực tiếp có hiệu quả, thì hình thức gián tiếp qua hệ thống loa truyền thanh của xã và Bội đội Biên phòng cũng đã tác động đến nhóm đối tượng đồng bào, tạo thuận lợi đưa chính sách Dân số-KHHGĐ làm thay đổi hành vi sinh sản của từng gia đình của bà con dân bản.
 
Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, bảo đảm cho người dân được tư vấn đầy đủ và thuận lợi về KHHGĐ và sức khỏe sinh sản, cung cấp các thông tin và được hưởng các dịch vụ an toàn, thuận tiện có hiệu quả xã Hương Liên cần phải quan tâm hơn nữa công tác Dân số- KHHGĐ, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao ý thức của người dân trong chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nhất là cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại bản Rào Tre.  Công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản đòi hỏi phải có giải pháp can thiệp nâng cao chất lượng dân số, nhất là đối với đồng bào dân tộc Chứt ở Bản Rào Tre ./.
                                       Văn Định
 
 
Ý kiến của bạn