Nhiều lần, nhiều cấp và nhiều năm liền được tuyên dương, nhưng với tính khiêm tốn, chưa lúc nào công an viên Nguyễn Thọ (thôn Nam Thuận, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn) tự cho mình xứng đáng. Với anh Thọ, những việc anh đã và đang làm "đơn giản vì thấy có ích cho nước, có lợi cho dân, cho bà con xung quanh mình".
Người dân sống ở thôn Nam Thuận đều xem anh Thọ là tấm gương sáng để học tập, để giáo dục con cháu. Anh không chỉ là một tấm gương cần, kiệm vượt khó làm giàu cho bản thân, cho gia đình mà còn biết sống vì mọi người.
Anh Nguyễn Thọ hiện là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm.
Là công an viên, tổ trưởng tổ an ninh nhân dân, đại biểu HĐND xã, nên anh Thọ xác định rõ nhiệm vụ của mình và luôn tâm niệm với lời Bác dạy "Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh".
Với tinh thần trách nhiệm trong công việc và có cái tâm trong sáng, anh đã có nhiều việc làm thiết thực, giúp đỡ người dân trong xã, góp phần đem lại sự bình yên cho xóm làng, nên được bà con tin yêu, mến phục.
Trong ngôi nhà mới được sửa chữa lại tương đối kiên cố, cụ bà Phạm Thị Tòa (86 tuổi) càng biết ơn tấm lòng của anh Thọ đã cứu bà thoát chết trong gang tấc trong trận lũ hồi tháng 9 cách đây hai năm. Anh Thọ nhớ lại: "Trong cơn bão, gió giật mạnh. Nước lũ dâng cao cuốn trôi nhiều nhà cửa, hoa màu và vật nuôi của nhân dân. Nhà tôi cũng bị ngập và thiệt hại rất nhiều. Nhưng khi nghe tin cụ Toà cùng người con gái và cháu gái 12 tuổi đang ngồi trên nóc nhà để tránh lũ, tôi không chần chừ nữa mà bất chấp nước lũ, mưa to mang cơm đến cho gia đình bà ăn đỡ. Sau đó, tôi tìm cách đưa cả gia đình bà Toà đến nơi cao tránh lũ an toàn".
Sau cơn bão lũ, mặc dù gia đình bị thiệt hại nặng. Cây cối, hoa màu trong vườn còn ngổn ngang. Heo, gà vịt bị mất nhiều… nhưng anh Thọ đã động viên vợ con cố gắng thu xếp, dọn dẹp nhà cửa. Anh cùng với bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ, dựng lại nhà cửa và động viên bà con cùng nhau chia sẻ những mất mát về tài sản và tinh thần.
Sống ở vùng trũng nên dường như năm nào địa phương cũng bị cảnh ngập lụt. Vì vậy anh Thọ đã rút ra nhiều kinh nghiệm cho mình và người dân trong phòng, chống lũ, bão. Hai năm gần đây, nhờ chủ động đối phó với mưa bão và chuẩn bị các phương án di dời dân, nên ít bị thiệt hại về người và tài sản ở vùng quê anh. Sau khi nước rút, người dân cũng nhanh chóng ổn định cuộc sống vì lương thực, thức ăn cho gia súc đã được dự trữ trước đó.
Anh Thọ cho biết, với đặc thù địa phương như vậy, nên vấn đề quan tâm nhất khi mùa mưa bão đến là những đối tượng người già, những gia đình neo đơn. Vì, khi bão lũ xảy ra, những gia đình khác có thể xoay sở được, nhưng với đối tượng già yếu, neo đơn cần có sự giúp sức. Nếu không, họ sẽ gặp bất trắc. Của cải có thể làm lại được, nhưng mạng sống con người phải là trên hết - anh Thọ nghĩ.
Với cơ ngơi vững chắc từ trang trại, chăn nuôi, làm ruộng… và là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, ít ai biết rằng anh Thọ đi lên từ vốn liếng là một sào ruộng do cha mẹ cho hai vợ chồng khi ra ở riêng. Nhờ chịu khó, cần cù lao động, học hỏi phương pháp chăn nuôi, trồng trọt và mạnh dạn thay đổi phương thức làm ăn, nên anh đã thành công trong việc tự xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ban đầu anh thuê đất trồng các loại hoa màu ngắn ngày như mì, đậu phụng, dưa hấu... và nuôi heo với quy mô nhỏ. Sau đó, khi đã có kinh nghiệm và vốn liếng, anh mở rộng chuồng trại, chăn nuôi thêm nhiều heo, gà, vịt đẻ, trâu, bò. Với mô hình kinh tế trang trại, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 5 - 7 lao động trong thôn với thu nhập trên 1.500.000 đồng/người/tháng. Những lúc ngày mùa, anh phải thuê 10-15 lao động.
Mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Thọ được cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đánh giá đạt hiệu quả cao. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh còn tạo điều kiện cho nhiều gia đình trong thôn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Như việc anh đầu tư 100 triệu đồng khai phá vùng trũng ở thôn An Điềm 1 với 23 ha để chống úng; đầu tư 60 triệu đồng cải tạo 20 ha đất ở thôn Nam Thuận giúp 50 hộ dân có ruộng sản xuất 2 vụ ăn chắc...
Anh cũng là người đầu tiên ở địa phương đưa cơ giới vào đồng ruộng. Nhờ đó anh đã giúp được nhiều người tiết kiệm chi phí, sức lao động. Riêng đối với các hộ nghèo, hộ neo đơn, già yếu anh làm giúp không lấy tiền công. Đối với gia đình khó khăn về kinh tế, anh cho mượn tiền, hỗ trợ vốn không tính lãi, bán phân trả chậm để họ có điều kiện, cơ hội làm ăn…
Những người hàng xóm chân thành nhận xét về anh Nguyễn Thọ: "Làm việc không để lấy thành tích, giúp người không tính toán mà xuất phát từ cái tâm, từ cái chung…". Từ việc làm cụ thể và những lời khen ngợi mà chúng tôi nghe được về anh, cho thấy anh Thọ được người dân rất tin yêu, mến phục. Riêng anh thì tâm niệm: "Học theo Bác, làm theo Bác sẽ sáng đời ta", nếu biết cần, kiệm thì sẽ làm giàu… là công an nhân dân thì phải "vì nước quên thân", là cán bộ, đảng viên thì phải "hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...