Một số suy nghĩ về vấn đề chi tiền thưởng hiện nay

 19737 lượt xem
(BTĐKT)-Khen thưởng là một trong những công cụ quản lý quan trọng của nhà nước, là một lĩnh vực quan trọng trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và là biện pháp cơ bản để đánh giá kết quả công việc, đánh giá những cố gắng, những thành tích, quá trình hoạt động, đóng góp của tập thể và cá nhân. 

Khen là sự nhận xét đánh giá tốt về một con người nào đó, tổ chức nào đó, về cái gì, việc gì đó với ý nghĩa hài lòng. Còn thưởng là tặng cho bằng hiện vật hoặc tiền. Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có công thì thưởng, có lỗi thì phạt, khen thưởng phải có tác dụng giáo dục, động viên, nêu gương...”.

Tuy nhiên, công tác khen thưởng hiện nay vẫn còn hạn chế và bất cập. Bên cạnh các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt việc khen thưởng theo đúng quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành (mức tiền thưởng tương ứng với mỗi danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng), vẫn còn không ít các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt việc khen thưởng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập một số nội dung liên quan đến việc chi tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, cụ thể như sau:

 

Thứ nhất, tiền thưởng kèm theo danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng thấp hơn mức quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng. Tình trạng này xuất hiện ở một bộ phận không ít cơ quan, đơn vị, nhất là ở các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Theo đó, khi xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng được quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng cho các tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị cấp dưới có hệ thống tổ chức theo ngành dọc, mức tiền thưởng kèm theo thấp hơn nhiều so với mức quy định. 

 

Thứ hai, không chi tiền thưởng kèm theo danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Tình trạng này tuy không phổ biến, song lại tập trung chủ yếu ở các cơ quan trung ương, nhất là việc tặng thưởng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương. Theo quy định hiện hành, cá nhân được tặng Kỷ niệm chương của bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương được tặng giấy chứng nhận, Kỷ niệm chương và được thưởng không quá 0,6 lần mức lương tối thiểu chung. Trên thực tế, vẫn còn tình trạng một số bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương không thực hiện việc chi tiền thưởng kèm theo Kỷ niệm chương.

Đối với khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến, từ khi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành, thành tích khen thưởng từ Huy chương kháng chiến trở lên đã có ưu đãi về vật chất của nhà nước. Người có công cách mạng được nhà nước quan tâm như: Trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, hỗ trợ tiền sử dụng đất, cấp thẻ bảo hiểm y tế… Tuy nhiên, đối với các trường hợp khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương về thành tích tham gia kháng chiến, đến nay vẫn chưa nhận được tiền thưởng kèm theo do chưa có hướng dẫn của trung ương, do đó, đối tượng được khen thưởng vẫn chưa được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước. Điều này đã gây ra không ít bức xúc, bất bình đối với một số đối tượng có công cách mạng được tặng thưởng Bằng khen. 

 

Việc chi tiền thưởng thấp hơn quy định hoặc không chi tiền thưởng nêu trên dễ dẫn đến việc khen thưởng tràn lan, cào bằng, làm giảm giá trị và tính tôn vinh của việc khen thưởng. 

 

Thứ ba, xuất hiện tình trạng “trên khen - dưới thưởng”. Đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, quỹ khen thưởng được hình thành chủ yếu từ ngân sách nhà nước, nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài cho mục đích thi đua, khen thưởng và các nguồn thu hợp pháp khác. Tình trạng “trên khen - dưới thưởng” xuất hiện chủ yếu ở các cơ quan trung ương. Kết thúc năm công tác, với số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng từ cơ sở gửi lên rất lớn (theo ngành dọc), quỹ khen thưởng của các cơ quan này sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, thay vì khen thưởng theo quy định, cơ quan trung ương chỉ khen mà không kèm theo tiền thưởng và giao đơn vì trực tiếp trình khen chi tiền thưởng cho các trường hợp được khen thưởng. 

 

Thứ tư, để giải quyết vấn đề tiền thưởng, không ít cơ quan, đơn vị tập trung trình hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc cấp trên khen thưởng. Theo quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP, cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Thủ trưởng cơ quan cấp nào ra quyết định khen thưởng thì cấp đó chịu trách nhiệm chi tiền thưởng từ nguồn tiền thưởng do cấp mình quản lý. Tuy nhiên, ở các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, khi tổng kết việc triển khai phong trào thi đua yêu nước theo ngành dọc từ trung ương xuống cơ sở, do nguồn kinh phí hoạt động có hạn, các đơn vị này một mặt chi tiền thưởng thấp hơn hoặc không chi tiền thưởng, mặt khác, gửi hồ sơ về cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng đề nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc cấp trên khen thưởng với số lượng nhiều hơn so với số lượng đề nghị khen thưởng theo ngành dọc. Từ đó, đã nảy sinh ở một bộ phận không nhỏ cá nhân có tư tưởng: Chỉ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp trên khen thưởng mới có giá trị (vì sẽ được khen và chi tiền thưởng theo đúng quy định).

 

Khen thưởng không thể đo tính bằng lợi ích vật chất mà nó còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều lợi ích vật chất là tạo ra động lực tinh thần vô giá để khẳng định địa vị của một thành viên hay một tập thể đối với cộng đồng theo chuẩn mực xã hội nhất định. Do đó, cần thiết phải có sự thống nhất chung ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đến vấn đề chi tiền thưởng kèm theo danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, để việc khen thưởng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính tôn vinh cũng như quyền lợi của các tập thể, cá nhân được khen thưởng.

 

Trần Danh Nam

 

 
Ý kiến của bạn