“Ba chuẩn” so sánh trong đánh giá công tác thi đua, khen thưởng

 12824 lượt xem
(BTĐKT)-Thi đua, khen thưởng thực sự là động lực tinh thần để thúc đẩy sức lao động tự nguyện, sáng tạo của mỗi tập thể, cá nhân nhằm tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần mới cho xã hội một cách tốt nhất mà trong điều kiện bình thường không thể đạt được. Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng nói: “Thi đua là gieo giống, khen thưởng là thu hoạch”, “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”. 

Việc ban hành Luật Thi đua, khen thưởng là một bước quan trọng tạo lập một khuôn khổ pháp lý, làm cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của công tác thi đua, khen thưởng, phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Điểm nổi bật trong các quy định hiện hành về thi đua, khen thưởng, đó là quy định về tiêu chuẩn xét cụ thể đối với từng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Tuy nhiên, việc áp dụng và cụ thể hóa các tiêu chuẩn xét thi đua, khen thưởng của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương có sự khác nhau. Ở một số cơ quan, đơn vị, việc xét thi đua nhiều lúc không bám vào tiêu chuẩn và cũng không lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo để xét khen thưởng, từ đó xét đề nghị khen theo cảm tính, lúng túng trong phương pháp bình xét, khen thưởng chưa đúng người, đúng việc, còn nể nang, nhường nhịn hoặc có tính luân phiên. Nguyên nhân dẫn đến tồn tại, khuyết điểm là do quá trình thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, thực hiện các chỉ thị, nghị định, thông tư hướng dẫn về thi đua, khen thưởng thiếu khoa học. Việc xây dựng, cụ thể hóa các tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng chưa được đầu tư nghiên cứu sâu, thiếu cụ thể. Nhiều tiêu chuẩn còn mang tính chất định tính, khó vận dụng để làm cơ sở đánh giá thi đua, khen thưởng khách quan, chính xác.

 

Từ thực tế công tác thi đua, khen thưởng những năm qua, chúng tôi thấy rằng, để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, việc nghiên cứu, đề xuất các nhóm giải pháp để đánh giá thi đua, khen thưởng đảm bảo khách quan, chính xác là điều hết sức cần thiết. Một trong những giải pháp thu hút được nhiều sự quan tâm hiện nay, đó là việc xử lý tốt mối quan hệ giữa “3 chuẩn” so sánh trong đánh giá công tác thi đua, khen thưởng (so sánh với tiêu chuẩn, so sánh với đồng cấp và so sánh với chính mình). 

 

So sánh với tiêu chuẩn: Mỗi danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đều được cụ thể hóa bằng các tiêu chuẩn đánh giá. Có thể nói, tiêu chuẩn được đặt ra phù hợp với thực tiễn chính là thước đo để căn cứ vào đó, từng cơ quan, đơn vị lượng hóa thành hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cho phù hợp với đặc điểm cụ thể của cơ quan, đơn vị mình. Mọi việc xét, đề nghị khen thưởng phải căn cứ trên các tiêu chuẩn đã được quy định. Do đó, trước khi tổng kết, bình xét thi đua, khen thưởng, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng được hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể và phổ biến, quán triệt sâu rộng để mọi chủ thể tham gia phong trào thi đua biết và phấn đấu đạt thành tích cao nhất.

 

So sánh với đồng cấp: Đối với tập thể, để có thể lựa chọn được những tập thể xuất sắc tiêu biểu đề xuất khen thưởng, cần có sự so sánh với các tập thể khác có những mối tương đồng: Có thể là các phòng, ban trong cùng đơn vị; giữa các cơ quan, đơn vị có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ trong cùng một khối, cụm thi đua; giữa cơ quan, đơn vị của địa phương này với cơ quan, đơn vị của địa phương khác; giữa địa phương này với địa phương khác có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội… Đối với cá nhân, cần đánh giá, so sánh dựa trên sự tương đồng về chức năng nhiệm vụ được giao, chức vụ, lĩnh vực ngành nghề... Do đó, để đảm bảo công bằng, khách quan trong xét thi đua, khen thưởng, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xây dựng các bộ tiêu chí riêng biệt dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động trực tiếp. Theo cách này, việc xét thành tích của lãnh đạo và người lao động sẽ đảm bảo khách quan, công bằng, khắc phục được “bệnh thành tích” trong công tác thi đua, khen thưởng.

 

So sánh với chính mình: Không chỉ so sánh với tiêu chuẩn, với đồng cấp, mỗi tập thể, cá nhân cần không ngừng nỗ lực để mỗi ngày là một sự thay đổi, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Tập thể, cá nhân cần nhận thức được những mặt còn hạn chế, khiếm khuyết để tìm ra các giải pháp khắc phục, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới đất nước. Hiện nay, mô hình đánh giá hiệu quả công việc đang được áp dụng ở các sở ban ngành thuộc UBND thành phố Đà Nẵng, UBND các quận, huyện và phường, xã là một cách làm hay để cá nhân thấy được sự tiến bộ (hay không tiến bộ) của mình thông qua việc cá nhân tự đánh giá, cùng cấp đánh giá và cấp là trên trực tiếp đánh giá cấp dưới. Trong tương lai, cần áp dụng mô hình đánh giá hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan đảng, mặt trận và hội đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố. Dựa trên mô hình đánh giá hiệu quả công việc của cá nhân, mở rộng đánh giá đối với các tập thể là các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

 

Khen thưởng kịp thời, chính xác, công bằng, không những có tác dụng động viên, thu hút nhiều người tham gia, giải quyết được các vấn đề khó khăn, bức xúc đặt ra mà còn giúp cho các đợt thi đua sau đạt kết quả cao hơn. Người được khen thưởng cảm thấy được trân trọng và vinh dự, từ đó phát huy được tính tích cực trong công việc được giao. Người không được khen thưởng cũng thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình cần phải phấn đấu để được ghi nhận trong thời gian tới, từ đó tập thể và cá nhân sẽ định hướng và hành động đúng để đạt được mục đích đề ra. 

 

Làm tốt được “3 chuẩn” so sánh nêu trên, sẽ góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng./.

Trần Danh Nam

 

 
Ý kiến của bạn