Nâng cao nhận thức của người dân trong xây dựng nông thôn mới

 9352 lượt xem
Mới đây, tại Hà Nội, Viện Xã hội học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Một số vấn đề về xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay". 

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Nông nghiệp Việt Nam phát triển kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất; nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế... Nông nghiệp bấp bênh thể hiện rõ nhất ở khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh còn yếu kém. Cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo từ hệ thống đê, thủy lợi, giống, thu hoạch, bảo quản, chế biến. Nông dân thiệt thòi thể hiện ở chỗ chiếm tới 90% tổng số người nghèo của cả nước. Nông dân lạc hậu thể hiện ở nhiều chỉ tiêu như cơ sở hạ tầng nông thôn từ điện, đường, trường, trạm, chợ, nước... còn thấp kém. Chính vì vậy, các nội dung được đại biểu tập trung thảo luận về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội; sinh kế; quản lý xã hội; an sinh xã hội; văn hóa - xã hội ở nông thôn sẽ góp phần làm rõ cơ sở khoa học về các chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới. 

 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Khoa khẳng định, trong xây dựng nông thôn mới, người dân phải hiểu rõ họ là chủ thể và nội lực của cộng đồng. Nguồn lực Nhà nước hỗ trợ là rất quan trọng song sẽ là vô nghĩa khi người dân không tự lo cho chính mình. Bởi vậy, công tác thông tin, tuyên truyền về thực hiện chương trình cần đẩy mạnh, theo hướng "lay chuyển nhận thức" của người dân tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện, nhất là trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng. 
 
Những thách thức lớn khác thuộc về năng lực tổ chức của một bộ phận cán bộ cơ sở biểu hiện tư tưởng ỷ lại, ngại khó, thiếu quyết liệt và sự tận tâm. Bài toán về nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất quá lớn trong khi nguồn lực của Chính phủ, ngân sách địa phương và người dân có hạn, nếu không giải quyết tốt sẽ nảy sinh tâm lý chờ đợi. 
 
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn theo hướng tăng thu nhập bền vững cho đa số nông dân trong xã rất khó do hiện nay lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm 50% lao động xã hội, trong khi các nước phát triển con số này chỉ chiếm 2 - 5%. Thêm một khó khăn nữa là việc mời gọi doanh nghiệp về xã đầu tư kinh doanh từ việc lo đầu vào, đầu ra, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân./. 
 
 
Ý kiến của bạn