(BTĐKT) - Ngày 2/3, TP. HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chương trình xây dựng NTM năm 2015 và 1 năm thực hiện chủ trương hỗ trợ cho các xã xây dựng NTM trên địa bàn TP.
Những thông tin tại hội nghị cho thấy đến giữa năm nay, TP HCM sẽ hoàn thành cơ bản xây dựng NTM ở tất cả các xã trên địa bàn, qua đó trở thành địa phương cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành xây dựng NTM.
Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP. HCM về Chương trình xây dựng NTM, đến hết tháng 2, trên địa bàn TP đã có 27/56 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Trong đó, 5 xã điểm của TP được công nhận đạt chuẩn NTM từ cuối năm 2014, và 22 xã mới được công nhận đạt chuẩn NTM vào đầu năm nay.
Củ Chi là huyện có số xã đạt chuẩn nhiều nhất với 14 xã, tiếp đó là Nhà Bè (6 xã), Hóc Môn (3 xã), Bình Chánh và Cần Giờ mỗi huyện cùng có 2 xã.
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP. HCM cho biết, ở 29 xã còn lại số tiêu chí bình quân đã đạt là khá cao. Chính vì vậy, dự kiến đến hết quý I năm nay sẽ có 48 xã ở TP. HCM đạt chuẩn NTM (Củ Chi 20 xã, Hóc Môn 8 xã, Bình Chánh 8 xã, Nhà Bè 6 xã, Cần Giờ 6 xã).
Trên cơ sở đó, ông Hải khẳng định, đến giữa năm nay, TP. HCM sẽ hoàn thành xây dựng NTM ở toàn bộ 56 xã trên địa bàn, sớm hơn khoảng nửa năm so với chỉ tiêu mà Bộ Chính trị giao cho TP theo Nghị quyết 16 là cơ bản hoàn thành xây dựng NTM vào cuối năm 2015.
Đến tháng 2/2015, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn TP. HCM đã cơ bản đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể: Toàn bộ 56 xã đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng NTM; nâng cấp và xây mới 1.107 công trình giao thông với tổng số 754,9 km; xây mới, nạo vét và gia cố 321 công trình thủy lợi, chiều dài 275,6 km; xây mới, nâng cấp và sửa chữa 445 công trình cơ sở vật chất văn hóa; xây mới và nâng cấp 42 chợ đạt chuẩn; xóa trên 2.797 căn nhà tạm, nhà dột nát…
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM, thành công nhất của TP. HCM là nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và thu hẹp khoảng cách thu nhập của người nông dân nông thôn với người dân khu vực đô thị. Năm 2008, thu nhập bình quân của người dân đô thị TP. HCM cao gấp 1,8 lần so với người dân nông thôn. Đến hết năm 2014 khoảng cách này đã được rút xuống còn khoảng 1,2 lần.
Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp TP. HCM có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trước thời hạn là do đã thu hút được nguồn lực lớn từ xã hội. Theo ông Lê Thanh Hải, cứ 1 đồng vốn mà ngân sách cho ra, thu hút được tới 12 lần đồng vốn do nhân dân đóng góp để xây dựng NTM, ngoài ra thu hút khoảng hơn 20 đồng vốn vay ngân hàng. Tính ra, 1 đồng vốn Nhà nước bỏ ra thu hút được 32-33 đồng vốn từ xã hội để đầu tư xây dựng nông thôn. Nhiều DN trên địa bàn cũng tích cực tham gia xây dựng NTM qua các hình thức đầu tư như hỗ trợ giống, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân…
Ông Trần Thanh Nam cho hay, chủ trương của TP. HCM về hỗ trợ vốn cho nông dân đầu tư xây dựng NTM thông qua hình thức hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng hiện đang được nhiều tỉnh, TP học theo vì như vậy sẽ giảm thiểu sự ỷ lại trong nông dân so với việc rót vốn ngân sách, giúp nông dân tích cực, chủ động hơn trong việc tham gia đầu tư xây dựng các công trình nông thôn.
Phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng NTM” mà TP phát động trong 2 năm qua đã góp phần tích cực trong việc giúp cho nhiều xã sớm hoàn thành xây dựng NTM, nhất là tiêu chí nhà ở.
Theo đó, UBMT Tổ quốc Việt Nam TP. HCM, Hội Nông dân TP, 19 quận, 25 Đảng ủy cấp trên cơ sở, các Tổng Công ty, Đảng ủy lực lượng vũ trang TP đã ký kết với các huyện về hỗ trợ các xã xây dựng NTM.
Sau 2 năm thực hiện phong trào, đã cơ bản xóa được 2.367 căn nhà tạm, dột nát (Cần Giờ 757 căn, Bình Chánh 695 căn, Củ Chi 466 căn, Hóc Môn 161 căn). Sau khi hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát, phong trào này sẽ đi vào hỗ trợ các xã phát triển sản xuất (SX), chế biến, tiêu thụ sản phẩm, giảm hộ nghèo (tập trung cho huyện Cần Giờ), an sinh xã hội, hỗ trợ vật tư làm đường giao thông ngõ, tổ…
Hoài Thanh