(BTĐKT)-Mặc dù là tỉnh nghèo với 49 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa hình không thuận lợi, nhưng những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả.
Tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực để huy động các nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình này. Qua thời gian triển khai, đến nay bộ mặt nông thôn trên địa bàn đã có nhiều thay đổi, thu nhập của người dân được tăng lên, đời sống người dân được cải thiện. Cùng chung sức xây dựng nông thôn mới đã khiến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự chuyển biến rõ rệt; vai trò của người dân được chú trọng, từ đó tạo sự chủ động, tự giác đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương.
Đến nay, 128/191 xã của Hòa Bình đã được phê duyệt đề án xây dựng NTM; 3/11 huyện là Lạc Thủy, Yên Thủy và Tân Lạc hoàn thành đề án xây dựng NTM của huyện và đã được phê duyệt. Hiện nay, toàn tỉnh có 29 xã đạt từ 9 đến 12 tiêu chí; 80 xã đạt từ năm đến tám tiêu chí và 82 xã đạt dưới năm tiêu chí. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 800 của tỉnh, mặc dù việc xây dựng NTM trên địa bàn còn chậm so với kế hoạch đề ra nhưng lại là địa phương triển khai tốt so với cả nước. Ðể đạt được kết quả này là do Hòa Bình xác định đây là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước nên đã tích cực triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM. Ðồng thời vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng công trình công cộng như đường giao thông, nhà văn hóa, thủy lợi nội đồng... ở thôn, bản và xã bằng ngày công lao động, tiền mặt, máy móc thiết bị hay hiến đất trên cơ sở xã hội hóa để cùng với nguồn vốn đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo tiêu chí xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Ðến nay, các huyện, thành phố trên địa bàn đã và đang chỉ đạo, hướng dẫn các xã thực hiện hơn 117 mô hình phát triển sản xuất như mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn tập trung tại 44 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Riêng năm 2012, từ nguồn vốn lồng ghép hỗ trợ sản xuất, tỉnh đã triển khai được hơn 60 mô hình nông, lâm, ngư, nghiệp; mua sắm 859 máy móc thiết bị bảo quản chế biến phục vụ sản xuất; hỗ trợ 37.674 con giống các loại với tổng số hộ được hưởng lợi là 21.450 hộ; mở 41 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm cho 1.512 lượt người. Cũng từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 7.077 lao động nông thôn. Nhìn chung các mô hình phát triển sản xuất đã mang lại hiệu quả cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo...
Về Dũng Phong, xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Hòa Bình mới thấy được những thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây. Đường làng, ngõ xóm, các công trình công cộng được xây dựng khang trang; các mô hình sản xuất đang mang lại hiệu quả kinh tế giúp người dân nơi đây có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chủ tịch UBND xã Dũng Phong Bùi Văn Sắng cho biết, để làm tốt công tác xây dựng NTM, Đảng ủy và chính quyền xã Dũng Phong đã chú trọng việc tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, thật sự là chủ thể của phong trào xây dựng NTM. Giai đoạn qua với tổng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã là 202 tỷ đồng, trong đó nhân dân trong xã đã đóng góp 16,1 tỷ đồng. Trong bốn năm, toàn xã đã có 409 hộ gia đình hiến 18.593 m 2 đất nông nghiệp, 9.316 m 2 đất thổ cư để xây dựng đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng.Nhân dân các thôn đã tham gia đóng góp hơn 25.000 ngày công xây dựng nông thôn mới.Đến nay diện mạo của xã với kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá... được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 11,9 km đường trục xã, liên xã, 6,2 km đường thôn xóm, 7 km đường nội đồng được cứng hóa; 20,2 km kênh mương cứng hóa. Đặc biệt, để nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.Tổng diện tích cấy hai vụ lúa từ 85 ha xuống còn 15 ha, diện tích trồng mía tăng đến nay là 342 ha, diện tích trồng cam, bưởi 150 ha. Xã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo các hình thức gia trại, trang trại với các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như gà đồi, lợn bản địa, trâu bò thịt; tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nghề đan lát, thổ cẩm. Nhờ vậy, thu nhập của người dân nâng lên rõ rệt với năm 2014 là 24 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,5%.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cho đến nay đã có xã Dũng Phong đạt đủ 19 tiêu chí, 25 xã đạt từ 15 đến 17 tiêu chí, 29 xã đạt từ 13 đến 15 tiêu chí, 42 xã đạt từ 10 đến 12 tiêu chí, 93 xã đạt từ năm đến chín tiêu chí và chỉ còn một xã đạt dưới năm tiêu chí. Riêng năm 2014 tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là hơn 2.141 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó là một chặng đường gian nan bởi khi bước vào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gặp rất nhiều khó khăn.
Mô hình trồng bưởi Diễn cho thu nhập cao của nông dân xã Dũng Phong, huyện Cao Phong.
Qua kết quả đánh giá trước khi xây dựng NTM bình quân các xã của tỉnh chỉ đạt 4,4 tiêu chí/xã, số xã đạt dưới năm tiêu chí là 130 xã. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là về cơ sở hạ tầng nông thôn, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Để khắc phục những hạn chế này Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều nét mới trong phương thức tiếp cận, truyền tải đến đối tượng tiếp nhận. Vì vậy, riêng trong năm 2014 toàn tỉnh đã huy động được khoảng 74,46 tỷ đồng. Trong đó, đã huy động được 226.428 ngày công lao động; nhân dân đã hiến 175.887 m 2 đất, đóng góp bằng tiền, vật liệu, máy móc và các hình thức khác quy ra tiền là hơn 22 tỷ đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình xây dựng NTM và đóng góp của nhân dân, trong năm 2014 Hòa Bình đã làm mới, nâng cấp được khoảng 68 km đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, từ các nguồn vốn lồng ghép các xã trên địa bàn đã bê-tông hóa, nhựa hóa đường trục xã được 52,87 km, đường trục thôn, bản 129,5 km, đường ngõ, xóm 111,42 km, đường trục chính nội đồng 93,24 km, cải tạo, xây dựng mới được 50 cầu, cống dân sinh. Ngoài ra, các địa phương cũng đã làm mới, nâng cấp được khoảng 36 km kênh mương nội đồng; sửa chữa, nâng cấp 73 công trình thủy lợi. Với chủ trương tập trung cao nhất cho phát triển sản xuất, ưu tiên phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, khuyến khích liên kết, liên doanh theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Vì vậy, trong năm qua toàn tỉnh đã thực hiện được 152 mô hình sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 74 tỷ đồng. Từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất ở địa phương có sự phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực, nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới được chuyển giao, ứng dụng...
Là địa phương trọng điểm phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh Hòa Bình, nhưng huyện Lương Sơn cũng đã và đang chú trọng đến công tác xây dựng NTM. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Anh Ðức cho biết, sau một thời gian triển khai xây dựng NTM, đến nay trên địa bàn huyện có hai xã là Nhuận Trạch và Thành Lập đạt mười tiêu chí; số xã đạt từ sáu đến chín tiêu chí là bảy xã; số xã đạt năm tiêu chí là bốn xã và số đạt dưới năm tiêu chí là sáu xã. Ðể việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM đạt được kết quả tốt, huyện đã chú trọng tuyên truyền tới nhân dân trong địa phương và vận động toàn dân thực hiện chương trình xây dựng NTM. Phó Chủ tịch UBND xã Nhuận Trạch Nguyễn Văn Ðiền cho biết, sau khi được chọn làm điểm xây dựng NTM của tỉnh, xã đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện bằng những việc làm cụ thể. Ðặc biệt là khâu tổ chức tuyên truyền trong các hội nghị của xã, thôn; huy động 1.896 ngày công dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm. Ngoài ra, Nhuận Trạch đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, ngành nghề cho nhân dân nhằm nâng cao thu nhập như mô hình rau hữu cơ và hệ thống tưới; mô hình rau hữu cơ và nhà sơ chế; mô hình rau củ quả; xây dựng 50 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh; sửa chữa, nâng cấp hàng nghìn mét kênh mương nội đồng. Trong việc vận động nhân dân tham gia hiến đất xây dựng đường, các công trình phúc lợi Nhuận Trạch đã làm rất tốt, từ đó từng bước làm thay đổi bộ mặt NTM nơi đây. Anh Hoàng Trọng Thu, thôn Ðồng Sễ cho biết, sau khi được tuyên truyền về những lợi ích của việc xây dựng NTM sẽ góp phần làm bộ mặt nông thôn xanh, sạch, đẹp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân nên gia đình anh đã hiến hơn 300 m2 đất để làm đường. Nhờ có gia đình anh Thu và nhiều gia đình khác hiến đất nên xã đã làm được con đường liên xã rộng khoảng 3,5 m, giúp nhân dân đi lại thuận tiện hơn cũng như góp phần giao lưu buôn bán, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển.
Theo Ban chỉ đạo 800 của tỉnh, việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn Hòa Bình cũng còn gặp những khó khăn do điều kiện kinh tế của các hộ dân nông thôn hạn chế, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn ít nên việc huy động nguồn lực tại chỗ để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn; năng lực, trình độ tiếp thu và tổ chức triển khai thực hiện của một số cán bộ cấp xã còn hạn chế dẫn đến việc thực hiện các nội dung theo yêu cầu còn chậm; công tác vệ sinh môi trường nông thôn, xử lý rác thải, chất thải, quy hoạch và quản lý nghĩa trang vẫn là vấn đề bức xúc lớn ở nông thôn hiện nay...
Ðể thực hiện tốt công tác xây dựng NTM trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ tham gia làm công tác xây dựng NTM cấp tỉnh, huyện, xã, thôn, xóm; thực hiện tốt công tác tuyên truyền xây dựng NTM trên phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất và phát triển ngành nghề nông thôn bằng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; ưu tiên xây dựng các công trình cần thiết để phục vụ nhu cầu của cộng đồng, khả thi về vốn; không ngừng tuyên truyền, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tạo sự chuyển biến về xã hội, cảnh quan môi trường nông thôn...
Phát huy những kết quả đã đạt được trong xây dựng NTM, thời gian tới, Hòa Bình sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ban chỉ đạo và văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng NTM; đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; tập trung tạo sự chuyển biến về xã hội, cảnh quan môi trường nông thôn; phát triển, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội; huy động nguồn lực cho xây dựng NTM./.
Thanh Phượng