(BTĐKT)-Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ quan trọng, ngày 19/8/2011 Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn giai đoạn 2010-2015. Thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, UBND thành phố Kon Tum đã sớm xây dựng Đề án tổng thể xây dựng NTM và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở các xã triển khai thực hiện chương trình NTM.
Với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn thành phố đã tạo được sự đồng thuận của xã hội và người dân tham gia xây dựng NTM. Tính đến thời điểm này, các xã trên địa bàn thành phố đã hoàn thành việc xây dựng Đề án và Đồ án quy hoạch chung về NTM; đồng thời nhiều xã đã và đang tiến hành quy hoạch chi tiết xây dựng NTM. Theo đó, các xã bám sát quy hoạch, tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ chương trình và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác, huy động trên 224 tỷ đồng xây dựng NTM. Từ nguồn vốn huy động, các xã trên địa bàn thành phố đã đột phá vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở văn hóa, giáo dục… để góp phần thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng NTM.
Việc lấy xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông làm khâu đột phá là hướng đi phù hợp trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng NTM. Qua 3 năm triển khai xây dựng NTM, thành phố đã có 1 xã đạt 13 tiêu chí xây NTM (xã Đoàn Kết), 1 xã đạt 12 tiêu chí NTM (xã Vinh Quang), 1 xã đạt 9 tiêu chí NTM (xã Ia Chim), còn lại 8 xã mỗi xã đạt từ 3-7 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở các địa phương trong thành phố còn thấp. Nguyên nhân do nguồn vốn Trung ương bố trí còn thấp, không đáp ứng yêu cầu, trong khi việc cân đối ngân sách địa phương bố trí cho chương trình NTM gặp rất nhiều khó khăn; cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa phù hợp với đặc thù vùng miền; năng lực tư vấn của một số đơn vị tư vấn trong công tác lập quy hoạch và cán bộ tham gia thực hiện chương trình còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở một số xã còn cao…
Đề án Phát triển giao thông nông thôn tại 03 xã điểm xây dựng nông thôn mới của thành phố sau khi triển khai đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Xã Đoàn kết đã huy động 13,8 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông tại địa bàn. Trong số này, ngoài gần 11 tỷ 350 triệu đồng được Nhà nước đầu tư, còn có khoảng 1 tỷ 660 triệu đồng do Nhân dân đóng góp. Toàn xã đã “cứng hóa” tổng cộng 5km đường giao thông trục xã, liên xã, gần 5km thôn, xóm, đảm bảo không lầy lội, và “cứng hóa” hơn 10 km trong tổng số 15 km giao thông nội đồng. Cố gắng tập trung nguồn lực để kiên cố hóa hệ thống giao thông theo yêu cầu tiêu chí số 2 trong Bộ tiêu chí Nông thôn mới đã góp phần để xã cơ bản đạt các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới vào cuối năm 2014 theo lộ trình đề ra. Cùng với xã Đoàn Kết, 3 năm qua, xã điểm Ia Chim đã kết hợp giữa nguồn vốn đầu tư và đóng góp của đồng bào địa phương để kiên cố 23,4 km đường trục xã, liên xã vượt 13% chỉ tiêu đề án; hơn 5,4 km đường trục thôn, xóm đạt gần 84% và kiên cố hóa gần 60 km giao thông nội đồng đạt gần 70% chỉ tiêu đề án.
Đường vào các khu dân cư ở xã Đoàn Kết đã được bê tông và nhựa hóa.
Song song với huy động kinh phí đầu tư của Nhà nước, qua thời gian thực hiện đề án, chuyển biến nổi bật tại 3 xã điểm nông thôn mới của thành phố là các địa phương đã thu hút được sự tham gia đóng góp của nhân dân vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia. Không chỉ tự nguyện hiến đất, tham gia ngày công, nhiều nơi, bà con còn đóng góp tiền mặt với mức bình quân mỗi hộ cả trăm ngàn đồng để hoàn thiện đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp. Hệ thống đường giao thông nông thôn tại 3 xã điểm ngày càng được hoàn thiện tạo thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao lưu văn hóa; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Các tuyến đường nông thôn đều có công sức của bà con
Thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, UBND thành phố Kon Tum phấn đấu đến năm 2015 có 2 xã điểm đạt chuẩn NTM, 100% số xã xóa nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%... Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, thành phố đề nghị UBND tỉnh tiếp tục bố trí mạnh kinh phí để tập trung xây dựng các xã điểm và các xã còn lại trên đia bàn. Việc bố trí kinh phí cần ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trước mắt là giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường học, nhà văn hóa thôn; hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh gắn với liên kết chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có cơ chế ưu đãi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lựa chọn dự án đầu tư vào địa bàn thành phố…
Đây là những kiến nghị phù hợp với yêu cầu không chỉ của UBND thành phố trong việc xây dựng NTM hiện nay. Tuy nhiên, để thực thực hiện tốt mục tiêu đề ra, có nhiều ý kiến cho rằng thành phố Kon Tum cần phải tập trung chỉ đạo các xã giao quyền quyết định cho dân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (giao thông nông thôn, xây dựng hội trường thôn, nhà rông văn hóa…), chính quyền chỉ đứng ra hỗ trợ vật tư (xi măng, sắt thép…) thì mới tiết kiệm được ngân sách và phát huy được nguồn lực xây dựng NTM. Việc này có nhiều cái lợi, người dân sẽ đóng góp thêm công sức, hiến đất, vật kiến trúc trên đất xây dựng NTM. Theo đó, việc xây dựng NTM sẽ hạ giá thành công trình đầu tư từ vốn ngân sách nhưng vẫn bảo đảm chất lượng; các xã sẽ có điều kiện tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình hơn. Bên cạnh đó, UBND thành phố tập trung chỉ đạo các xã đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng và hỗ trợ cho dân thực hiện các mô hình cây con, giống mới có giá trị kinh tế cao, phát triển làng nghề, xây dựng các thương hiệu để tạo đầu ra sản phẩm…cho nông dân. Việc giao quyền quyết định cho dân và tập trung hỗ trợ cho dân sản xuất, xây dựng làng nghề, thương hiệu sản phẩm… sẽ phát huy được nguồn lực, tiếp tục tạo ra những bước đột phá mới trong xây dựng NTM./.
Hoàng Mai