(BTĐKT)-Huyện Phước Long của tỉnh Bạc Liêu được chọn là một trong năm huyện chỉ đạo điểm của Trung ương về xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau 4 năm triển khai thực hiện, diện mạo của làng quê ở đây đã thay đổi rõ rệt. Sự đổi thay đó hiện diện ở khắp mọi nơi từ cánh đồng, dòng sông, con rạch, cây cầu, sân nhà, chợ búa, công sở cho đến đời sống sinh hoạt của mỗi người dân.
Tổng vốn đầu tư cho xây dựng NTM của Phước Long lên hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gần 18 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 5,5 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác hơn 470 tỷ đồng, vốn tỉnh phân bổ hơn 86 tỷ đồng, vốn của huyện 13 tỷ đồng, vốn tín dụng phát triển sản xuất gần 2.200 tỷ đồng, vốn vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hơn 47 tỷ đồng, vốn nhân dân (hiến đất, đầu tư sản xuất, đóng góp ngày công lao động) gần 2.200 tỷ đồng.
Năm 2014, Phước Long đầu tư xây dựng NTM lên hơn 1.100 tỷ đồng, huyện đã đầu tư cho phát triển sản xuất nhất là các mô hình sản xuất kết hợp và cánh đồng mẫu lớn; kéo điện cho các trạm bơm điện, nạo vét 14 kênh thủy lợi – thủy nông nội đồng và xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất. Ngoài ra, Phước Long còn xây dựng được 20 tuyến lộ trục ấp, liên ấp, tổng chiều dài gần 58.000m, bắc 58 cây cầu bê tông cốt thép, 2 chợ nông thôn, 3 trường đạt chuẩn quốc gia cùng với nhiều công trình khác. Riêng về công tác chính sách xã hội và công tác giảm nghèo, cũng từ nguồn vốn trên, Phước Long đã hỗ trợ phương tiện sản xuất – kinh doanh cho 1.248 hộ nghèo, với tổng nguồn vốn trên 3,1 tỷ đồng và đào tạo nghề cho 2.200 lao động.
Là huyện chỉ đạo điểm của Trung ương về xây dựng NTM, Phước Long vừa tự hào, vừa lo lắng. Đây là mô hình khá mới mẻ, 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí NTM có những tiêu chí lại chưa thật phù hợp với vùng sông nước Cửu Long. Nhưng khi đã bắt tay vào triển khai thực hiện NTM, Đảng bộ, chính quyền Phước Long xác định phải làm thật tốt, hiệu quả.
Trong năm 2014, huyện Phước Long đã triển khai thực hiện tốt quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện tiếp tục chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể là, thực hiện tốt các mô hình sản xuất kết hợp bền vững đạt hiệu quả kinh tế cao trên cả 2 vùng sản xuất, nhất là mô hình: Lúa + màu, lúa + cá, lúa + tôm, tôm + cá, tôm + cua; phát triển đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi các loại động vật hoang dã. Đặc biệt, huyện đã xây dựng được 15 cánh đồng lớn, diện tích 1.748 ha và vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, nâng tổng số đến nay lên 31 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 1.748 ha.
Huyện đã kéo điện 9 trạm bơm điện, nâng tổng số lên 13/18 trạm hoạt động phục vụ sản xuất cho nhân dân; nạo vét 14 kênh thủy lợi và sên vét 13 kênh thuỷ nông nội đồng, nâng tổng số đến nay lên 52 kênh thủy lợi và 107 kênh thuỷ nông nội đồng; thành lập mới 05 hợp tác xã, 07 tổ hợp tác, nâng tổng số đến nay toàn huyện có 25 hợp tác xã và 144 tổ hợp tác.
Bên cạnh phát triển sản xuất huyện còn tập trung làm tốt công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Vì vậy thu nhập của người dân tăng nhanh, đạt trên 33 triệu đồng/người/năm.
Từ những việc làm hết sức thiết thực trên, tính đến nay, tại huyện Phước Long có 4/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Vĩnh Thanh, xã Phước Long, xã Phong Thạnh Tây B, xã Phong Thạnh Tây A); còn 3 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới bao gồm: xã Hưng Phú, xã Vĩnh Phú Đông và xã Vĩnh Phú Tây.
Nhân dân xã Hưng Phú (huyện Phước Long- Bạc Liêu) làm giao thông nông thôn.
Nhìn lại những thuận lợi trong việc triển khai chương trình nông thôn mới ở huyện Phước Long có thể được nhìn nhận cụ thể ở những điểm sau:
Một là, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Tỉnh, sự giúp đỡ có hiệu quả của các sở, ngành cấp tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
Hai là, đa phần nhân dân đã nhận thức ý nghĩa của chương trình nên nhân dân toàn huyện tích cực hưởng ứng thực hiện tốt phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.
Ba là, được sự đồng thuận và tích cực tham gia hưởng ứng xây dựng nông thôn mới của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới, huyện Phước Long cũng gặp phải không ít khó khăn. Đó là vốn đầu tư xây dựng các công trình nông thôn mới, vì nguồn vốn ngân sách Chương trình xây dựng nông thôn mới của Trung ương hỗ trợ cho huyện quá ít.
Trong khi đó, ngân sách Tỉnh còn hạn chế, mặc dù đã cố gắng cân đối để hỗ trợ, đầu tư cho huyện, tuy nhiên không đáp ứng được nhu cầu cần thiết. Từ đó đã làm chậm tiến độ thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới.
Thêm vào đó, công tác phối hợp, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và bố trí vốn các chương trình, dự án của các ngành chuyên môn chưa đảm bảo chặt chẽ và thường xuyên...
Trong năm 2015, huyện tiếp tục tích cực triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Huyện tập trung chỉ đạo củng cố, nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới đã đạt được, lên mức cao hơn - xã nông thôn mới tiên tiến theo Đề án của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, tiếp tục tập trung vận động nhân dân các xã thực hiện tốt 13 tiêu chí xây dựng gia đình nông thôn mới. Đặc biệt là huy động mọi nguồn lực, nhất là tranh thủ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án khác để thực hiện những tiêu chí chưa đạt, như: Trường đạt chuẩn quốc gia, khu thể thao xã, chợ nông thôn, môi trường, trạm bơm điện phục vụ sản xuất…
Trên cơ sở đó, phấn đấu cuối quý II/2015 công nhận thêm 3 xã (Hưng Phú, Vĩnh Phú Đông và Vĩnh Phú Tây) và Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015./.
Mai Hoàng