Quyết tâm cán đích nông thôn mới năm 2015 của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Ấp

 5675 lượt xem
(BTĐKT)-An Ấp là một xã thuần nông của huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Xã có trên 6.600 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên trên 576 ha. Tổng giá trị sản xuất năm 2014 của xã đạt 180,5 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp đạt 76 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,5%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt 71,2 tỷ đồng, chiếm 40,1%; dịch vụ, thương mại đạt 33,3 tỷ đồng, chiếm 18,4%. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 4,2%. 

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã gặp không ít khó khăn. Song với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực, chung sức của nhân dân, diện mạo nông thôn An Ấp đổi thay từng ngày. Xã đang quyết tâm phấn đấu về đích trong năm 2015.

Nông dân An Ấp thu hoạch ớt.
 
Có thể nói, khó khăn nhất của An Ấp hiện nay là kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi như trạm y tế, trường học, nhà văn hóa… phục vụ dân sinh đều đã xuống cấp. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân An Ấp đã tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Sau khi ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bằng nhiều hình thức, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định, quản lý, kiểm tra và giám sát việc đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn. Đồng thời, chính quyền xã cũng luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Chính vì vậy, mọi chủ trương, kế hoạch đề ra đều được nhân dân đồng thuận, việc triển khai khá thuận lợi.
 
Năm 2014, An Ấp đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt phong trào làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, xã cũng có cơ chế hỗ trợ 50 triệu đồng/km đối với đường trục thôn, 30 triệu đồng/km với đường ngõ xóm để động viên, khuyến khích người dân tham gia bê tông hóa đường giao thông. Đồng thời, xã đã tiếp nhận gần 3.000 tấn xi măng hỗ trợ của tỉnh hoàn thành cứng hóa 100% tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng trong quy hoạch; bê tông hóa 11km kênh cấp I loại 3. Năm 2015, xã đề nghị tỉnh cấp bổ sung gần 3.000 tấn xi măng để xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí:  Cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa.
 
Bên cạnh đó, xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây, con có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả thu nhập trên một đơn vị diện tích. Xác định phát triển sản xuất là yếu tố cốt lõi để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, An Ấp tập trung phát triển cây vụ đông, đặc biệt là cây ớt. Để chủ động tạo quỹ đất trồng ớt, từ nhiều năm nay, xã áp dụng mô hình lúa xuân - lúa tái sinh (lúa éo), ớt vụ đông. Không chỉ chủ động quỹ đất, lúa tái sinh cho hiệu quả cao bởi thời gian sinh trưởng ngắn, từ 50 - 60 ngày, không mất chi phí làm đất, giống, công cấy, đầu tư phân bón ít mà năng suất đạt từ 100 - 120kg/sào. Nhờ đó, vài năm trở lại đây, An Ấp là một trong những địa phương dẫn đầu huyện Quỳnh Phụ về diện tích trồng ớt với hệ số sử dụng đất đạt 2,6 lần/năm. Mỗi sào ớt thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng/năm, đang là cây trồng chính trong sản xuất vụ đông của người dân An Ấp.
 
Cùng với nông nghiệp, các nghề mộc, mây tre đan, may mặc, chế biến lương thực vẫn được duy trì và phát triển tốt, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 200 lao động. An Ấp cũng là xã có lực lượng lao động đi làm ăn xa khá cao, trên 800 người. Thu nhập bình quân năm 2014 đạt 28 triệu đồng/người. Đây chính là tiền đề quan trọng để xã giảm nghèo bền vững, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.
 
Cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, trường học, công trình văn hóa, đường giao thông thôn, xóm, công trình vệ sinh môi trường được xây mới đã góp phần làm đổi thay đáng kể diện mạo nông thôn An Ấp. Từ chủ trương đúng đắn, cách làm phù hợp, sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của Đảng ủy, UBND xã, sự vào cuộc, hưởng ứng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tin tưởng rằng mục tiêu về đích NTM của xã sẽ trở thành hiện thực trong năm 2015./.
Thanh Phượng
 
 
Ý kiến của bạn