(BTĐKT)-Dưới nắng nóng, gió Lào bỏng rát, dải đất cát ven biển hai huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) có lúc nóng xấp xỉ 60 độ C, như một sa mạc cát, ít loài cây, con nào trụ vững. Vậy mà nay trên vùng "sa mạc" ấy lại xuất hiện điều kì diệu.
Củ cải có trọng lượng hơn 3kg, dưa hấu ruột đỏ, dưa lê giống Nhật, măng tây… tất cả những sản phẩm chất lượng ấy ít ai biết được lại có nguồn gốc từ vùng "sa mạc cát" khắc nghiệt miền Trung.
Hà Tĩnh trong những ngày này nhiệt độ thời tiết từ 40 đến 42 độ C. Trên nền vùng cát trắng của xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà), nhiệt độ có lúc lên đến 50 - 60 độ. Mặc dù đi giày nhưng bước đi trên những đồi cát, cái nóng vẫn khiến đôi chân bỏng rát. Nhưng bất chấp sự khắc nghiệt của khí hậu, những mầm sống rau, củ quả vẫn đang vươn mình phủ xanh những cánh đồng hoang mạc trắng nơi đây.
Những sản phẩm xanh mướt ngày hôm nay không phải thứ quà tặng của tự nhiên mà do sự gắn bó, nghiên cứu, mồ hôi và nước mắt của những con người nơi đây làm nên.
Tháng 9/2013, sau khi đi tham quan mô hình rau, củ, quả sạch phát triển ngút ngàn, xanh tốt ở vùng hoang mạc cát Đông San (thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) về, thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng có nhiều điểm tương đồng nên lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cho Sở NN-PTNT phối hợp với Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh cùng các chuyên gia nông nghiệp phía Trung Quốc thực hiện dự án trồng thử nghiệm rau, củ, quả trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu tại xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà) theo công nghệ Đông San.
Dự án bắt tay vào xây dựng với diện tích 12ha trồng thử nghiệm cùng 32 loại rau, củ, quả các loại như: Măng tây, hành tây, hành lá, cà rốt, khoai lang, củ cải trắng, cải bẹ, lạc, dưa hấu, dưa chuột, cải thảo, cà chua, đậu tứ quý, ớt Đà Lạt, bí ngòi Israel...
Dự án “Xây dựng mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh” đi vào thực hiện.
Những bước đi đầu tiên gặp muôn vàn khó khăn. Nhớ lại giai đoạn này, ông Dương Tất Thắng, Tổng giám đốc công ty được tỉnh giao nhiệm vụ "bất khả thi" chia sẻ: “Khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, chúng tôi rất lo lắng bởi đây không phải là công việc chuyên môn của chúng tôi. Vốn quen với công việc khai thác và chế biến khoáng sản chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu công việc trồng trọt của những người nông dân. Ngoài ra điều kiện khí hậu ở đây luôn biến động, khắc nghiệt, do đây là loại đất cát nên độ dinh dưỡng không có, hệ thống tưới tiêu xây dựng rất khó khăn…”.
Hệ thống tưới tiêu hiện đại dẫn nước ra thẳng những khu trồng rau trên cát trắng.
Sau một thời gian nghiên cứu các phương pháp, các vùng trồng trọt được trang bị hệ thống tưới phun tự động, được kết nối với các hồ nước lân cận. Do đó, đất cát có thể được liên tục được phun để giữ độ ẩm và chất dinh dưỡng. Ngoài ra, học tập từ phương pháp ủ ẩm của nông dân vùng Đông San thường để xác cây lại trên đất nông nghiệp hàng năm và khi chúng khô héo, thối rữa sẽ giàu thêm chất dinh dưỡng và tăng khả năng giữ nước của đất. Đây cũng chính là một phần của quá trình cải tạo đất hoang hóa, bạc màu sang đất nông nghiệp của dự án cải tạo đất ven biển.
Sau 1 năm, kể từ khi dự án được triển khai, những lứa rau củ đầu tiên đã dần dần phủ màu xanh trên những hoang mạc trắng nơi đây. Không chỉ đơm hoa kết trái, mà những sản phẩm rau củ ở đây đạt chất lượng rất tốt.
Không những bắt màu xanh, cây ăn quả trên đồi cát này còn cho những trái cây ăn quả chất lượng cao.
Đến nay, tổng diện tích trồng thử nghiệm đạt 20ha, cho năng suất khá cao: củ cải lớn năng suất đạt 30 - 35 tấn/ha, củ cải nhỏ 20-25 tấn/ha, cà rốt 8-10 tấn/ha, cà chua 10-12 tấn/ha, hành lá 10 - 12 tấn/ha, măng tây 40 - 60 kg/ha….
Sau mỗi vụ thu hoạch, sản phẩm rau, củ, quả sạch của Thạch Văn được cung cấp cho các bếp ăn tập thể của Công ty Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, khu công nghiệp lớn từ Đà Nẵng ra các tỉnh phía Bắc.
Vị tổng giám đốc nói trên hào hứng chỉ tay về những gốc dưa Nhật sai quả đang đến độ thu hoạch nở nụ cười tươi rói. “Thành quả này, bất cứ ai kể cả nhiều đoàn công tác của các bộ, ngành Trung ương đến đây đều hết sức bất ngờ. Chứng kiến công nghệ trồng, tưới hoàn toàn sạch, rồi thử sản phẩm thơm, ngọt, lãnh đạo các đoàn công tác đến tham quan đều rất hài lòng. Chúng tôi được hỗ trợ nhiều cũng là vì thế”.
Những giống trái cây đặc sản
Thành công từ dự án trồng rau trên cát, tháng 3/2015, những loại trái cây đã được trồng thử nơi mảnh đất sa mạc cát của xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà) Hà Tĩnh. Trên màu trắng của cát, những tín hiệu xanh đầu tiên của các loại trái cây đang vươn mình…
Năm giống cây ăn quả được trồng trên đất cát bạc màu đợt này gồm: Ổi không hạt, roi, chuối tiêu, thanh long ruột đỏ và táo.
Sau gần 3 tháng ươm trồng, những cây ăn quả đã vươn mầm xanh; theo tính toán của phía công ty thực hiện dự án, những trái cây này cuối năm sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Phải chứng kiến tận mắt mới thấy sự kỳ công trong mỗi gốc cây trên vùng đất khắc nghiệt này. Những lớp rơm, bèo, xác thực vật luôn được phủ và thay thế thường xuyên. Cứ 10 ngày, những công nhân lại thay một lớp ủ ẩm mới, đảm bảo gốc luôn có độ ẩm cần thiết. “Ngoài ra, chúng tôi cũng tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp phối trộn phân đất, tưới nước nhỏ giọt đủ độ ẩm cho cây. Trồng cây ăn quả, nhất là các loại đặc sản trên điều kiện bình thường đã khó nhưng ở điều kiện khắc nghiệt càng vất vả hơn”, đại diện công ty chia sẻ.
Nhật Minh