Lạng Sơn: Đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới

 16973 lượt xem
(BTĐKT)-Để thành công trong xây dựng nông thôn mới, điều quan trọng chính là nhận được sự đồng lòng, đồng thuận của người dân. Đó là động lực vừa là mục tiêu của nông thôn mới. 

 Hài lòng gắn liền với lợi ích

Tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã thường xuyên khảo sát sự hài lòng của người dân về quá trình xây dựng nông thôn mới thông qua các buổi họp thôn. Trong các cuộc họp, người dân nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, hài lòng với cái gì và những gì chưa hài lòng. Chẳng hạn có ý kiến chưa hài lòng về vệ sinh môi trường và đường thôn còn nhỏ hẹp. Ngay lập tức tổ công tác lên phương án, xây dựng kế hoạch, bàn công khai trước nhân dân. 

 

Năm 2014,  qua khảo sát, có tới trên 95% người dân xã Chi Lăng hài lòng; và những ý kiến chưa hài lòng chính là cơ sở để Chi Lăng xây dựng, triển khai hoàn thiện các tiêu chí như hiện nay. Khảo sát sự hài lòng của người dân là yếu tố rất quan trọng để xây dựng nông thôn mới, từ khảo sát có thể nắm được người dân đang cần gì, qua đó có kế hoạch, giải pháp và huy động chính những người chưa hài lòng cùng vào cuộc. Đó chính là nông thôn mới thực chất, do nhân dân xây dựng và phục vụ lợi ích của nhân dân.

 

Từ kinh nghiệm của xã Chi Lăng, huyện Bắc Sơn cũng cùng chung quan điểm: Người dân chưa hài lòng, thì nhà nước sẽ định hướng, xây dựng kế hoạch, hỗ trợ... người dân chung sức làm để đạt được sự hài lòng đó.

 

Khảo sát sự hài lòng của người dân không quy định trong tài liệu hướng dẫn nào về xây dựng nông thôn mới, nhưng đây thực sự là kinh nghiệm rất hữu ích của xã nông thôn mới Chi Lăng. Người dân hài lòng, đồng thuận mới có thể xây dựng thành công nông thôn mới và nông thôn mới cũng chỉ thực chất khi người dân sinh sống trong đó hài lòng.

 

Cho đến nay, ngoài xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh chưa khảo sát mức độ hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Đa phần mới chỉ dừng lại ở họp thôn, phổ biến kế hoạch... Cũng bởi vậy nên mức độ huy động nhân dân cùng tham gia vẫn còn hạn chế phần nào.

 

Trong các cuộc kiểm tra về xây dựng nông thôn mới vừa qua, bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng nông thôn mới đã lưu ý các xã về việc khảo sát mức độ hài lòng của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là đối với các xã phấn đấu về đích trong năm 2015, cần phải có sự năng động, sáng tạo hơn nữa trong việc tạo đồng thuận, huy động sức dân. Suy cho cùng sự hài lòng của người dân chính là một trong những kênh quan trọng để đánh giá hiệu quả của nông thôn mới. Nếu tập trung nguồn lực cho một xã để đảm bảo các tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia, nhưng người dân ở đó không hài lòng, thì xã đó chưa phải là nông thôn mới thực chất.

 

Đồng thuận tạo động lực phát triển 

 

Trong giai đoạn 2010-2014, phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại các thôn bản theo cơ chế “Nhà nước hỗ trợ nhân dân cùng làm” khởi sắc nhất từ trước đến nay. Toàn tỉnh Lạng Sơn đã bê tông đường thôn bản được tổng cộng 1.165 km đường các loại, bình quân mỗi năm thực hiện 233 km/năm, vượt xa so với Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra (Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu giai đoạn 2011-2015 mỗi năm làm 150 km đường bê tông nông thôn). 

 

Hiến đất làm đường trong xây dựng nông thôn mới.

 

Không chỉ các công trình đường giao thông, giai đoạn này các thôn bản toàn tỉnh còn làm được nhiều cầu với tổng chiều dài 3,5 km phục vụ đi lại, sản xuất của bà con. Bên cạnh đó, nguồn lực từ nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, bằng thóc và ngày công để khai thác vật liệu, làm đường rất lớn. Riêng việc huy động từ nhân dân bằng tiền mặt và bằng thóc để mua vật liệu làm đường đạt 120 tỷ đồng trong giai đoạn 2010-2014. 

 

Đặc biệt trong giai đoạn này, phong trào hiến đất làm đường theo tiêu chuẩn nông thôn mới đã phát triển sâu và rộng khắp. Tại các thôn bản, bà con đã hiến tới gần 1,3 triệu m2 đất. Các huyện có phong trào hiến đất, làm tốt phong trào bê tông hóa phải kể tới Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Lộc Bình, Chi Lăng. Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm thôn đã huy động hiệu quả nguồn lực cho chương trình điển hình như: Hồng Châu xã Cai Kinh, Chín Tư, xã Hòa Lạc (Hữu Lũng); thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng); thôn Vĩnh Quang, xã Hoa Thám (Bình Gia); thôn Bản Quấn, xã Tú Đoạn (Lộc Bình); thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng (Bắc Sơn)… Huy động tốt nội lực để phát triển giao thông đã tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn Xứ Lạng, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới.

Hoài Thanh

 

 
Ý kiến của bạn