Lào Cai: Quyết tâm xây dựng thành công “Nông thôn mới”.

 7472 lượt xem
(BTĐKT)-Lào Cai có 144 xã, 1.689 bản với 103.797 hộ dân, số lao động ở nông thôn, chiếm 75,29. Hàng năm, Lào Cai dành khoảng 65% đến 70% ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư cho khu vực nông thôn. Bộ mặt nông thôn miền núi, vùng sâu biên giới Lào Cai ngày càng khởi sắc, với sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng các chỉ tiêu của Đề án Nông thôn mới. 

 Bên cạnh những kết quả tích cực vấn đề phát triển, nông thôn ở Lào Cai còn nhiều hạn chế. Việc qui hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, sắp xếp dân cư chưa đồng bộ và chưa kịp thời, công tác quản lý qui hoạch yếu, nhiều nơi nông thôn phát triển chưa đúng quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chưa mạnh mẽ. Đời sống nhân dân vùng nông thôn, vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu đất cho sản xuất, trình độ dân trí của nông dân thấp và lạc hậu, vì vây chưa khai thác được các tiềm năng vốn có. Đặc biệt, hệ thống giao thông, chất lượng giáo dục, đào tạo chưa bền vững, hệ thống điện, đường, trường, trạm còn thiếu và yếu. Những chủ trương về xây dựng nông thôn mới của Nhà nước chưa được tuyên truyền tích cực nên nhiều nơi cán bộ và nhân dân chưa hiểu cặn kẽ  về chủ trương này, tiến độ xây dựng chương trình ở một số địa phương chưa đáp ứng được với yêu cầu.

Lào Cai vẫn là một tỉnh nghèo trong cả nước (tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới hiện nay là 50,48%, số hộ nghèo nông thôn là 62,73%. Đặc biệt, so với tiêu chí nông thôn mới, Lào Cai đang ở mức rất thấp. Qua kết quả rà soát hiện trạng và so với tiêu chí nông thôn mới, trên địa bàn toàn tỉnh mới đạt 4 tiêu chí cơ bản như thủy lợi, điện, công tác y tế, hình thức tổ chức sản xuất, song cũng còn nhiều tiêu chí mức độ đạt còn rất xa với chuẩn quốc gia như tỷ lệ đói nghèo, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong nông thôn, đảm bảo môi trường. Đến nay, chưa có xã nào đạt đủ 19 tiêu chí, mới có 1 xã đạt 12/19 tiêu chí, 2 xã đạt 10/19 tiêu chí, còn lại đều nằm ở mức dưới 10 tiêu chí, đặc biệt có xã chưa đạt được tiêu chí nào.
 
Đến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt được một số kết quả ban đầu và đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra, đã thành lập các ban chỉ đạo từ tỉnh đến các xã, tiến hành rà soát từng xã và đánh giá theo tiêu chí nông thông mới. Trên cơ sở đó tổ chức đồng loạt xây dựng đề án 144 xã nông thôn mới, trong đó xây dựng 2 xã điểm nông thôn mới ở Nậm Cang - huyện Sa Pa và Quang Kim, huyện Bát Xát lấy đó làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ  giai đoạn 2010 - 2015 và các năm tiếp theo, đồng thời là căn cứ để cân đối, huy động nguồn lực đầu tư cho từng năm và cả giai đoạn.
 
Cây dứa đã giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo, nâng cao đời sống.
 
Tỉnh Lào Cai xác định mục tiêu đến hết năm 2015 chương trình “Nông thôn mới” được tổ chức triển khai thực hiện tại tất cả 144/144 xã trong toàn tỉnh. Ban chỉ đạo chương trình đang tập trung cao độ để hoàn thành các tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, y tế, các hình thức tổ chức sản xuất hệ thống chính trị, cơ sở vật chất, văn hóa, trường học, chợ nông thôn, bưu điện. Các tiêu chí khác cũng được nâng lên một cách phù hợp để tạo cơ sở hoàn thành vào các giai đoạn tiếp theo và đến năm 2015 quyết tâm xây dựng 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài và liên tục, cần có sự tham gia của toàn xã hội. Do đó, bên cạnh sự định hướng chỉ đạo và các chế độ hỗ trợ của Nhà nước thì vai trò của người dân ở khu vực nông thôn trong tỉnh là đặc biệt quan trọng. Để người dân nhận thức được vấn đề này, toàn hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rất quan trọng của các tổ chức chính trị xã hội toàn tỉnh, các cơ quan tuyên truyền cần đẩy mạnh, vận động nhân dân chủ động tích cực tham gia. Việc xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải có nguồn lực rất to lớn. Trong điều kiện nguồn ngân sách của Nhà nước hạn chế thì việc huy động nguồn lực của toàn xã hội từ nguồn vốn vay tín dụng, nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sự hăng hái, tích cực tham gia của người dân bằng nhiều hình thức đóng góp công sức, nguyên vật liệu tại chỗ, hiến đất xây dựng các công trình… là rất quan trọng để đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện chương trình.
Nhật Minh
 
 
Ý kiến của bạn