Lộc Thuận xây dựng nông thôn mới

 5801 lượt xem
(BTĐKT)-Lộc Thuận là một xã thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tuy không phải là xã điểm thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015 nhưng để tạo tiền đề thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020, xã đã chủ động phát huy nội lực của toàn hệ thống chính trị và nhân dân với phương châm dễ làm trước, khó làm sau. 

Với xuất phát điểm thấp, lại không phải là xã điểm thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM) nhưng cho đến nay Lộc Thuận đã phấn đấu đạt 8 tiêu chí. Trong đó có những tiêu chí khó thực hiện như cơ cấu lao động, hộ nghèo… Có được kết quả này là nhờ cách làm hay, sáng tạo và phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.

Nhiều năm qua, việc hỗ trợ bò, heo, gà... của xã giúp các hộ nghèo, khó khăn phát triển kinh tế nhưng không hiệu quả. Bởi một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ỷ lại, không chịu đầu tư chăm sóc. Do đó, UBND xã đã vận động các nông trường cao su trên địa bàn cho mượn đất cao su tái canh để hộ nghèo, khó khăn, hộ dân tộc thiểu số trồng xen lúa, tăng thu nhập. Các nông trường đã cho xã mượn 100 ha đất tái canh, trung bình 1ha/hộ, chủ yếu ở ấp 10 và ấp 3B.
 
Với những lô cao su tái canh ở độ tuổi 1 - 2 năm, đất đỏ màu mỡ, thích hợp cho việc trồng xen lúa, bà con đã thực hiện canh tác 1 vụ vào mùa mưa, chọn giống lúa rẫy ngắn ngày (khoảng 3 tháng cho thu hoạch), đầu tư chăm bón đúng kỹ thuật nên năng suất lúa khá cao. Giờ người nghèo ở đây không còn sợ đói. Vụ vừa qua, hộ ông Lâm Măng ở ấp 8 thu hơn 1 tấn/ha, đảm bảo lúa ăn quanh năm.
 
Dân cư xã Lộc Thuận phân bố không đều, giao thông khó khăn. Xã có 20 tuyến đường với tổng chiều dài 170km, nhưng đầu năm 2012 mới có 35km được nhựa hóa, còn lại là đường sỏi đỏ. Nhiều tuyến đã xuống cấp nghiêm trọng, gây trở ngại cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, dẫn đến nông sản bị tư thương ép giá.
 
Sau khi có Đề án 03/ĐA-UBND của UBND huyện về làm đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhà nước hỗ trợ vật tư - nhân dân làm công trình”, cuối năm 2013, Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết về nội dung này và lấy ý kiến trong dân. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, sau khi có chủ trương và được UBND huyện  phê duyệt xây dựng đường giao thông, UBND xã thông báo cho các ấp tổ chức họp dân lấy ý kiến về số tiền đóng góp, sau đó nhân dân bầu ra tổ quản lý tài chính, tổ giám sát công trình, công khai, minh  bạch các khoản thu, chi. Vì thế, nhân dân rất đồng tình, hưởng ứng.
 
Nhờ đoàn kết, nhất trí của hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân trong xã mà Lộc Thuận đã đóng góp 276 triệu đồng, gần 1.000 ngày công, hiến gần 10.000m2 đất xây dựng giao thông nông thôn. Hiện nay, 12/12 ấp trong xã đã có đường giao thông bê tông hoặc đường sỏi đỏ phún, đi lại rất thuận tiện. Đến nay, xã đã duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường ở ấp 3A, 3B dài 2,8km với kinh phí 124,4 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 21 triệu đồng. Đặc biệt làm được gần 3km đường bê tông với 1,114 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 280 triệu đồng.
 
Trước đây, đoạn đường sỏi đỏ ở ấp 3A xuống cấp nghiêm trọng. Đề án 03 ra đời, người dân tích cực giải tỏa mặt bằng, thi công, giám sát chất lượng công trình. Trong 1 tháng, đoạn đường dài hơn 1,7km, rộng 3m, trải thảm bê tông đã hoàn thành với tổng kinh phí 989 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 230 triệu đồng. Ngoài 1,45 triệu đồng/hộ đã thống nhất, nhiều hộ còn ủng hộ thêm 1-2,5 triệu đồng. Vì vậy, đoạn đường vừa đảm bảo  chất lượng, vừa giảm được kinh phí (dự toán trước đây làm 2 tỷ đồng theo hình thức đấu thầu). Làm đường nông thôn theo cơ chế đặc thù vừa ích nước vừa lợi dân. Nhờ cách làm sáng tạo đã giảm hơn 50% kinh phí của Nhà nước và huy động hiệu quả sức dân. 
 
Để giảm nghèo bền vững  trong dân, từ năm 2012 đến nay, xã đã giới thiệu việc làm cho hơn 200 lao động vào làm công nhân các nông trường cao su và Khu công nghiệp Minh Hưng III (Chơn Thành) với mức thu nhập 3-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, các trang trại tư nhân trên địa bàn cũng ưu tiên tuyển lao động tại chỗ. Vì vậy, số lao động không có việc làm trong xã giảm đáng kể.
 
Nhờ kết hợp nhiều cách làm hay, sáng tạo nên hiệu quả giảm nghèo ở Lộc Thuận có nhiều khởi sắc. Đầu năm 2012, toàn xã có 320 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 100 hộ. Hầu hết lao động có việc làm thường xuyên cho thu nhập ổn định nên chỉ tiêu hộ nghèo và cơ cấu lao động đạt trong xây dựng NTM. 
 
Hiện xã đang gặp khó ở 3 tiêu chí: thu nhập, cơ sở văn hóa và chợ nông thôn. Ngoài ra, xã còn thiếu đất xây nhà văn hóa cộng đồng, trung tâm văn hóa - thể thao và 3 ấp chưa có nhà văn hóa, nhiều nhà văn hóa đã xuống cấp chưa được tu sửa. Để thực hiện tiêu chí này, UBND xã đã kiến nghị UBND huyện phối hợp Công ty Cao su Lộc Ninh hỗ trợ đất cho xã. Việc giao thương, buôn bán ở đây từ trước tới nay còn nhỏ lẻ nên xã đang kêu gọi xã hội hóa để thực hiện tiêu chí chợ nông thôn .      
         
Từ nay đến năm 2016, Lộc Thuận tiếp tục thực hiện bền vững các tiêu chí còn lại của chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chú trọng đưa các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm tăng thu nhập cho người dân; nhà ở dân cư; cơ sở vật chất văn hóa... với mục tiêu trước khi bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Lộc Thuận sẽ đạt từ 10 đến 12 tiêu chí./.         
Thanh Mai
 
 
Ý kiến của bạn