Văn Chấn, Yên Bái: Phát huy nội lực của người dân trong xây dựng Nông Thôn Mới

 6051 lượt xem
(BTĐKT)-Sau 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, với nhiều giải pháp được đưa ra, các xã trên địa bàn huyện Văn Chấn đã có nhiều thay đổi, đường giao thông được nâng cấp, nhà cửa khang trang, đời sống người dân nông thôn được nâng lên từng ngày. 

 Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương, sự đồng thuận và hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới” của nhân dân các dân tộc trong huyện, trong năm 2013, Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới của các xã đã thực hiện được khối lượng khá lớn cả về huy động nguồn lực đầu tư đến lồng ghép các nguồn vốn. Các xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí đăng ký trong kế hoạch năm, một số xã đã vượt kế hoạch đề ra.

Qua đánh giá, rà soát việc thực các tiêu chí đã đăng ký của các xã đến hết năm 2013 cho thấy, 25 xã hoàn thành từ 4 tiêu chí trở lên, đạt 89,3 % so với kế hoạch. Trong đó, có 7 xã hoàn thành 8 tiêu chí trở lên, đạt 116 % so với kế hoạch; 18 xã hoàn thành từ 4 - 7 tiêu chí; còn lại 3 xã không đạt kế hoạch hoàn thành 3 Tiêu chí.
 
Tổng kinh phí thực trong 3 năm (2011 - 2013) đạt 242 tỷ đồng. Năm 2013, thực hiện lồng ghép, huy động trong dân và doanh nghiệp cho xây dựng giao thông, thủy lợi, nâng cấp đường điện đạt 91,84 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 45,27 tỷ, chiếm 49,3%; vốn dân góp là 6,96 tỷ, chiếm 7,6 %; doanh nghiệp (Tổng Công ty điện lực Việt Nam) và các tổ chức kinh tế khác là 39,61 tỷ đồng chiếm 43,1 % tổng vốn đầu tư.
 
Việc lồng ghép các chương trình, dự án đạt kết quả tốt. Công tác tuyên truyền, vận động phát huy khá hiệu quả, người dân tham gia tích cực. Sau 3 năm, người dân đóng góp trên 38.430 ngày công lao động, hiến gần 169.260 m2 đất, gần 2.750 cây xanh có giá trị kinh tế. Năm 2013, người dân góp trên 22 nghìn ngày công, trên 118 nghìn m2 đất, 1081 cây xanh có giá trị cho làm đường giao thông, nghĩa trang, thủy lợi, nhà văn hóa thôn.
 
Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện chương trình còn hạn chế, một số địa phương sử dụng nguồn vốn lồng ghép hiệu quả chưa cao, chưa phát huy hết “sức mạnh toàn dân” trong các phong trào như làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, vệ sinh môi trường , chỉnh trang nhà cửa, phát triển kinh tế hộ…
 
Sự tham gia của một số ban ngành trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chưa hiệu quả. Thêm vào đó trình độ dân trí thấp, trình độ cán bộ cấp xã, thôn bản còn hạn chế nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Chưa mạnh dạn áp dụng cách làm hay, mô hình hiệu quả vào sản xuất phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm trên 30% nên việc đóng góp xây dựng nông thôn mới rất hạn chế, nhất là đối với một số xã có tỷ lệ đói nghèo cao. Hệ thống giao thông còn nhiều bất cập, việc đi lại, giao thương hàng hóa còn hạn chế, nhất là với các xã vùng cao. Hệ số sử dụng đất thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, để nâng cao tỷ lệ này cần có sự vào cuộc của nhiều ban ngành, đoàn thể.
 
Thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ các cấp, nhát là cán bộ xã, thôn bản. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân ở các thôn, xóm hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện tốt việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho nhân dân bằng các nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, vốn đầu tư của các chương trình, dự án...Tập trung khai thác các nguồn lực tại địa phương, đồng thời lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng Nông thôn mới.
 
 
 
Đầu tư cơ sở vật chất phát triển văn hóa, thể thao quần chúng, nâng cao chất lượng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tuyên truyền vận động người dân thực hiện việc chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp. Cải tạo các trạm y tế xã và bổ sung nguồn lực theo tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế cho các xã đăng ký. Tổ chức tốt công tác thu gom, sử lý rác thải khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn,...thực hiện có hiệu quả công tác giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
 
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từ năm 2011, huyện Văn Chấn đã gắn kết phong trào thi đua xây dựng NTM với các cuộc vận động lớn như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”… Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu về ý nghĩa, mục đích của chương trình xây dựng NTM, làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân, từ đó tiến hành vận động người dân tham gia thực hiện, khơi dậy phong trào tự thân vận động, cải thiện điều kiện sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ môi trường sống, xây dựng tổ chức cộng đồng, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.  
 
Về xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, một trong 11 xã điểm của tỉnh được chọn để triển khai xây dựng NTM, đi trên tuyến đường bê tông phẳng phiu vừa làm, mới cảm nhận hết được sức bật của một vùng quê anh hùng. Dọc các tuyến đường liên thôn những ngôi nhà xây mọc lên san sát đã tạo nên diện mạo NTM. Trao đổi về quá trình triển khai xây dựng NTM, ông Hà Đình Giang - Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết: Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, thành lập Ban quản lý xây dựng mô hình NTM của xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về ý nghĩa của việc xây dựng NTM. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và xã hội cùng chung tay xây dựng NTM. Khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, mức sống của người dân.
 
Trong những năm qua, xã Thượng Bằng La đã tập trung ưu tiên đầu tư cho phát triển hệ thống đường giao thông, với cơ chế Nhà nước 60%, nhân dân đóng góp 40%, những con đường liên thôn bản theo đó đã được bê tông hóa. Trong 3 năm qua xã đã kiên cố được 4 km đường bê tông liên thôn với tổng kinh phí gần 3,9 tỷ đồng, mở mới và rải cấp phối 45,5 km với kinh phí đầu tư trên 1,4 tỷ đồng. Nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nông thôn, làm nhà Văn hóa thôn…tự nguyện hiến trên 3,7 ha đất, 7.600m2 tường rào và các công trình vật kiến trúc xây dựng đường giao thông. Cùng với đó, hệ thống kênh mương nội đồng cũng dần được hoàn thiện, đảm bảo đủ nhu cầu tưới tiêu cho toàn bộ diện tích lúa và hoa màu trong xã…
 
Sau 3 năm thực hiện xây dựng NTM, xã Thượng bằng La đã đạt 8/19 tiêu chí. Xã đã triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch và các nội dung quy hoạch đã được phê duyệt; nhiều chỉ tiêu trong nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế xã hội hoàn thành đạt tiến độ theo kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15% xuống còn 12,4%, thu nhập bình quân đạt 13,5 triệu đồng/người/năm. Trong năm 2014, Thượng Bằng La phấn đấu hoàn thành thêm các tiêu chí về giao thông, về thủy lợi, bưu điện, nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo và đến 2015 hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
 
Cũng như Thượng Bằng La, thời gian qua các xã của huyện Văn Chấn đã tích cực chỉ đạo và huy động các nguồn lực để thược hiện chương trình xây dựng NTM. Đến nay huyện Văn Chấn đã có 25 xã hoàn thành từ 4 tiêu chí trở lên, đạt 89,3 % so với kế hoạch. Trong đó, có 7 xã hoàn thành 8 tiêu chí trở lên, đạt 116 % so với kế hoạch; 18 xã hoàn thành từ 4 – 7 tiêu chí; 3 xã đạt 3 tiêu chí.
 
Trong 3 năm từ 2011 – 2013, tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới ở huyện Văn Chấn đạt 242 tỷ đồng. Riêng năm 2013, huyện thực hiện lồng ghép, huy động nguồn lực trong dân và doanh nghiệp được 91,84 tỷ đồng để đầu tư cho xây dựng giao thông, thủy lợi và nâng cấp đường điện. Trong đó: Vốn Nhà nước là 45,27 tỷ chiếm 49,3 %, vốn dân góp 6,96 tỷ chiếm 7,6 %, Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác đóng góp 39,61 tỷ đồng chiếm 43,1 % tổng vốn đầu tư.
 
Có thể thấy, trong thời gian qua, phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới” ở Văn Chấn đã tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân các dân tộc trong huyện. Các xã thực hiện được khối lượng khá lớn cả về huy động nguồn lực đầu tư đến lồng ghép các nguồn vốn, cơ bản hoàn thành các tiêu chí đăng ký trong năm, một số xã đã vượt kế hoạch đề ra.
 
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm đã có, huyện Văn Chấn tiếp tục phát huy tối đa các nguồn lực, sớm đưa Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện về đích. Trong đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ xã, thôn, bản. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân ở các thôn, xóm hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, của tỉnh về xây dựng NTM. Tiếp tục thực hiện tốt việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho nhân dân bằng các nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, vốn đầu tư của các chương trình, dự án…
 
Cùng với đó, tập trung khai thác các nguồn lực tại địa phương, đồng thời lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới.
Nhật Minh
 
 
Ý kiến của bạn