Phát triển kinh tế nơi miền đất khó

 11067 lượt xem
(BTĐKT) - Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Minh Hải (nay tách ra là Bạc Liêu và Cà Mau), ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý đã thành công trong việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tăng thu ngân sách địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu. 

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo Công ty TNHH Xây dựng - Thương Mại - Du lịch Công Lý thăm Dự án Điện gió Bạc Liêu.

Đưa Điện gió đến Bạc Liêu

Trải qua 14 năm chỉ đạo, điều hành Công ty Công Lý, ông Tô Hoài Dân đã xây dựng và phát triển Công ty, phát triển về quy mô và chất lượng hoạt động, doanh thu tăng từ 1,1tỷ đồng/năm lên 97 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách tăng từ 0,1 tỷ đồng/năm lên 10,4 tỷ đồng/năm; tổng mức đầu tư các dự án đến cuối năm 2014 là 5.596 tỷ đồng. 
 
Dự án Điện gió mang lại lợi ích cho cộng đồng.
 
Để có được những thành công đó, bắt nguồn từ những điều tưởng như không thể. Khi mới thành lập, Công ty có 12 người, với số vốn là 7.000.000.000 đồng (bảy tỷ đồng), đến nay có hơn 1.200 lao động, tổng vốn của Công ty là 2.187 tỷ đồng và đã thực hiện một số dự án lớn như: Khu du lịch Khai Long, khu du lịch Đất Mũi tại tỉnh Cà Mau với vốn đầu tư 150 tỷ đồng, Nhà máy xử lý rác thải ở thành phố Cà Mau với vốn đầu tư 351 tỷ đồng, đặc biệt là nhà máy Điện gió tại Bạc Liêu với vốn đầu tư là 5.217 tỷ đồng, là dự án điện gió lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
 
Đầu tư Nhà máy Điện gió là đầu tư lớn, xây dựng trên đất liền còn khó khăn, còn xây dựng trên biển là khó khăn gấp vạn lần, có nhiều rủi ro khó lường nhưng trước thực trạng nguồn năng lượng quốc gia đang thiếu hụt trầm trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước, bên cạnh đó việc ô nhiễm môi trường tầng khí quyển cũng là một vấn đề đáng quan tâm của xã hội; để góp phần phát triển đất nước, phục vụ xã hội, ông Dân đã thuyết phục Hội đồng thành viên Công ty đầu tư dự án điện gió tại Bạc Liêu.
 
Sau khi có chủ trương của Chính phủ và tỉnh Bạc Liêu cho phép xây dựng Nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu, Dự án chính thức được khởi công ngày 09/9/2010, với quy mô 62 trụ turbine gió, công suất là 99,2 MW (công suất mỗi turbine gió là 1,6MW), điện năng sản xuất toàn dự án đưa lên lưới quốc gia hàng năm đạt khoảng 320 triệu KW. Tổng mức đầu tư của toàn dự án là 5.217 tỷ đồng, với diện tích chiếm đất 1.000ha. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I gồm 10 turbine gió với công suất 16MW, giai đoạn II gồm 52 turbine gió, công suất 83,2MW. 
 
Dự án Nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu- Giai đoạn I được triển khai lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn do phải thi công trên biển, sóng to gió lớn, lệ thuộc thời tiết.... Nhưng sau hơn 30 tháng triển khai xây dựng, dự án Nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu- Giai đoạn I đã hoàn thành và chính thức đóng điện vận hành thương mại hòa vào lưới điện quốc gia vào tháng 05/2013. Đến thời điểm hiện tại, sản lượng điện của Nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu phát lên lưới quốc gia 73 triệu kwh, doanh thu trên 120 tỷ đồng, góp phần bình ổn an ninh năng lượng, giảm thiểu tác hại gây ô nhiễm môi trường. 
 
Sau khi Giai đoạn I của Dự án hoàn thành và chính thức đóng điện hòa lưới quốc gia ngày 29/5/2013, ông Dân đã triển khai giai đoạn II của dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu với 52 trụ tua bin gió, công suất 83,2 MW, vốn đầu tư 4.193 tỉ đồng.  Hiện tại, các hạng mục công trình giai đoạn II dự án đã được triển khai thi công đạt trên 80% khối lượng công việc, công tác lắp dựng turbine đang được triển khai thực hiện, dự kiến đến 30/4/2015 sẽ đấu nối phát điện 20/52 turbine và đến cuối năm 2015 phát điện toàn bộ 62 turbine, hoàn thành kế hoạch xây dựng Nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu. Khi dự án hoàn thành, sản lượng điện năng phát lên lưới quốc gia khoảng 320 triệu kwh/năm, doanh thu hàng năm trên 600 tỷ VNĐ.
 
Sáng kiến nâng cao hiệu quả hoạt động
 
Trong công tác chỉ đạo điều hành hoạt động chung của Công ty Công Lý, hàng năm ông Tô Hoài Dân chỉ đạo cho bộ phận tham mưu lập kế hoạch sản xuất kinh doanh theo ngành nghề đã đăng ký, sắp xếp bố trí nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tập trung chỉ đạo sâu sát, từ đó kết quả hoạt động hàng năm của Công ty đều đạt chỉ tiêu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; nguồn nhân lực cũng được tăng dần theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty, trình độ cán bộ công nhân viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ do được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên, nguồn vốn và tài sản tăng gấp nhiều lần so với khi mới thành lập Công ty do hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả.
 
Ngoài nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất kinh doanh của đơn vị đạt hiệu quả, bản thân ông Dân cùng lãnh đạo Công ty Công Lý rất quan tâm đến công tác an sinh xã hội, đã ủng hộ, góp phần chăm lo đời sống cho các hộ dân nghèo ở 02 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu bằng nhiều hình. Tổng kinh phí đóng góp trong 5 năm qua vào quỹ an sinh xã hội của 2 tỉnh trên 26 tỷ đồng.
 
Dự án Nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu đầu tư tại xã Vĩnh Trạch Đông (năm 2010), đây là một trong những xã nghèo của thành phố Bạc Liêu, phần lớn các hộ nghèo. Ông Dân đã có sáng kiến và chỉ đạo bộ phận chuyên môn lập phương án sản xuất kinh doanh nuôi trồng thủy sản gắn liền dự án Nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu nhằm phục vụ công tác an sinh xã hội trên địa bàn dự án, tạo công ăn việc làm cho người dân, từng bước đưa người dân thoát cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. 
 
Phương án này đang được triển khai và nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu nói chung, xã Vĩnh Trạch Đông nói riêng. Theo phương án được lập, Công ty Công Lý sẽ đầu tư 100% vốn ban đầu (khoảng 6 tỷ đồng) cho khoảng 160 hộ nghèo thuộc 02 xã Vĩnh Trạch và Vĩnh Trạch Đông; Công ty sử dụng 1000 ha đất bãi bồi trong dự án Điện gió để giao cho 160 hộ nghèo thuộc 02 xã Vĩnh Trạch và Vĩnh Trạch Đông tham gia sản xuất; nguồn vốn đầu tư chủ yếu phục vụ cho việc mua con giống (nghêu và sò huyết), vật tư, phương tiện phục vụ sản xuất… Sau khi thu hoạch và bán sản phẩm, doanh thu sẽ được trừ vào các khoản chi phí đầu tư, phần còn lại (lợi nhuận) sẽ được chia theo tỉ lệ % (Công ty Công Lý hưởng 50%; các hộ dân hưởng 50%); phần 50% lợi nhuận của Công ty Công Lý sẽ được góp vào nguồn vốn ban đầu để tiếp tục đầu tư cho vụ nuôi tiếp theo. Các vụ nuôi tiếp theo, Công ty Công Lý tiếp tục đầu tư 100% vốn ban đầu, cộng thêm 50% lợi nhuận từ các vụ nuôi, như vậy nguồn vốn đầu tư nuôi trồng ngày càng tăng kéo theo lợi nhuận càng cao sau các vụ nuôi, tăng thu nhập cho các hộ dân.
 
Khi người dân thoát nghèo, đời sống được nâng cao, có thể tự góp vốn để sản xuất, Công ty Công Lý sẽ rút dần nguồn vốn đầu tư để cho người dân tự bỏ vốn sản xuất khi có đủ điều kiện về nguồn vốn, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, công tác quản lý chặt chẻ. Nguồn vốn đầu tư do Công ty Công Lý rút ra sẽ được sử dụng vào mục đích xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông.
Hoài Thanh
 
 
Ý kiến của bạn