Bạc Liêu: Đầu tư trên 5.700 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

 6326 lượt xem
(BTĐKT) - Hơn 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), toàn tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư trên 5.700 tỷ đồng cho các công trình XDNTM. Trong đó, người dân đóng góp hơn 1.034 tỷ đồng, chiếm gần 18% tổng nguồn vốn. 

Đầu tư vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bạc Liêu.

Nguồn vốn người dân đóng góp thông qua các hình thức như: Ngày công lao động; hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa ấp, trường học, trạm y tế, ô đê bao khép kín với diện tích gần 525.000m2; và 921 tỷ đồng người dân đầu tư vào phát triển sản xuất… 

Đến nay, Bạc Liêu đã có 9 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới; trong đó có 6 xã đã được công nhận, 3 xã đang hoàn thiện hồ sơ công nhận. Có 10 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí XDNTM; có 20 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; và 11 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí XDNTM. 
 
Ở Bạc Liêu, từ đầu năm 2015 đến nay, các tổ chức tín dụng đã đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn hơn 7.187 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 1,38%; cho vay xây dựng nông thôn mới chiếm hơn 2.272 tỷ đồng. 
 
Bạc Liêu Tiếp tục ưu tiên đầu tư vốn cho phát triển nông nghiệp - nông thôn. Mặc dù cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ và ưu tiên đầu tư, nhưng tình trạng “khát vốn” vẫn còn phổ biến. Song song đó, tuy chính sách ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian qua được ban hành khá nhiều, nhưng khi triển khai thực hiện lại bị ách tắc ở đầu ra. 
 
Do vậy, để chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống, vấn đề quyết định vẫn là vai trò, trách nhiệm của ngành Ngân hàng. Đó là sự đồng hành, chia khó cùng nông dân, chấp nhận đầu tư, tái đầu tư cho nông dân khi sản xuất gặp rủi ro; và hơn cả là lòng tin, chứ không phải cái gì cũng e ngại rồi khép kín hầu bao. Nếu ngành Ngân hàng không thông thoáng hơn thì chính sách sẽ mãi là chính sách, và nông dân sẽ khó tiếp cận được vốn vay từ chính sách tín dụng của Chính phủ.
 
Để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn (NN-NT), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 25/7/2015, thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT.
 
Nghị định 55/2015/NĐ-CP được xem là một trong những giải pháp góp phần “cởi trói” và khai thông nguồn vốn đầu tư cho NN-NT phát triển như: Bổ sung đối tượng vay vốn, nâng mức cho vay không cần tài sản thế chấp lên gấp đôi...
 
Nếu như trước đây, các hộ sản xuất, kinh doanh thuộc thị trấn, thành phố, thị xã không được tiếp cận nguồn vốn này, thì nay tất cả các hộ hoạt động phục vụ phát triển NN-NT đều được tiếp cận vốn. Đặc biệt là ưu tiên, khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
 
Bên cạnh đó, mức cho vay không cần tài sản đảm bảo được nâng lên từ 1,5 - 2 lần so với Nghị định 41. Đơn cử như hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn, hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được vay tối đa 1 tỷ đồng; hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ được vay tối đa 2 tỷ đồng; đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ được vay tối đa 3 tỷ đồng… Hi vọng, với những chính sách của tỉnh, ngành nông nghiệp nông thôn sẽ khởi sắc góp phần hoàn thành sớm các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới giúp người dân có cuộc sống ổn định và bền vững.
Hoài Thanh
 
 
Ý kiến của bạn