(BTĐKT) - Đến thăm huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) ta thấy con đường trải nhựa phẳng phiu, đạt chuẩn nông thôn mới đang phát huy vai trò tích cực trong việc giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa, giúp thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Hòa chung không khí sôi nổi toàn tỉnh, các xã được chọn điểm xây dựng nông thôn mới đã được nhân dân ủng hộ bằng nhiều việc làm cụ thể. Hàng chục hộ dân sống hai bên đã hiến toàn bộ đất canh tác, người ít vài chục m2, người nhiều vài trăm m2 trong đó riêng ông Nguyễn Văn Út (Tân Mỹ Chánh) là một trong những hạt nhân đi đầu, hiến đến 1.000 m2 đất canh tác. Từ khi được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, người dân Tân Mỹ Chánh hăng hái hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, cùng chung sức, chung lòng, góp công, góp của hoàn thiện kết cấu hạ tầng đặc biệt là giao thông, thủy lợi theo chuẩn nông thôn mới vừa đổi mới diện mạo nông thôn vừa tạo động lực cho quê hương đi lên giàu mạnh.
Nhiều hộ dân hiến đất làm đường góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới.
Từ khi tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, toàn xã đã có trên 60 hộ dân hiến đất để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn trong đó có 11 hộ dân hiến trên 300 m2 đất, còn lại hiến dưới 300 m2 đất. Tất cả đều được tuyên dương, khen thưởng về thành tích vì cộng đồng. Cũng nhờ đó, Tân Mỹ Chánh đã được công nhận và ra mắt xã Nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tiền Giang vào cuối năm 2014 vừa qua, trước kế hoạch đề ra một năm.
Phong trào nhân dân tích cực hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, đặc biệt là hiến đất đai để phát triển giao thông nông thôn từ một vài cá nhân điển hình đi đầu đã có sức lan tỏa mạnh, được cộng đồng nhiệt tình hưởng ứng. Theo lãnh đạo xã, phong trào dấy lên sôi nổi trong những năm qua nhờ địa phương biết lồng ghép và cụ thể hóa việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong công tác xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể.
Giống như Tân Mỹ Chánh, xã Tam Bình (Cai Lậy) cũng là 1 trong 11 xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tiền Giang. Từ khi khởi động chương trình, địa phương luôn quan tâm lồng ghép tuyên truyền về sự cần thiết phải “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thông qua những việc làm thiết thực, phù hợp thực tiễn, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh gương mẫu đi đầu để tạo động lực cho phong trào. Như ông Lê Văn Quyền là người đầu tiên trong xã tự nguyện hiến toàn bộ diện tích đất khoảng 300 m2 nơi con đường chạy qua để phục vụ thi công. Theo gương ông, hàng chục hộ dân có đất nằm cặp theo tuyến đồng lòng hiến đất. Người nhiều vài trăm m2, người ít dăm ba chục m2 tùy theo vị trí đất. Theo ông Quyền là cán bộ, đảng viên dù đã hưu trí nhưng phải thể hiện tính tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các việc công ích xã hội như lời Bác dạy năm xưa “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Theo gương ông, nhiều cán bộ, đảng viên hưu trí, cao niên tuy về hưu vẫn tích cực “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về chung tay xây dựng nông thôn mới mà ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện hạ tầng nông thôn, điện – đường – trường – trạm, tạo sức bật để xã sớm ra mắt xã Nông thôn mới.
Đầu năm 2015 vừa qua, xã Tam Bình cũng long trọng làm lễ ra mắt Xã Nông thôn mới. Như vậy, Tiền Giang đã có 4 xã về đích xây dựng nông thôn mới trước thời hạn 1 năm là: Tân Mỹ Chánh (Tp Mỹ Tho), Tân Thanh (Cái Bè), Tam Bình (Cai Lậy) và Bình Nghị (Gò Công Đông). Kết quả đó, có vai trò to lớn của các điển hình hiến đất để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn theo chuẩn nông thôn mới.
Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là BCĐ) tỉnh Tiền Giang, có tổng cộng 139 xã triển khai chương trình trong đó Tiền Giang chọn 11 xã làm điểm chỉ đạo. Toàn tỉnh đã huy động trên 2.000 tỉ đồng vốn xây dựng nông thôn mới trong đó riêng nhân dân đóng góp trên 309 tỉ đồng. Đặc biệt, bà con còn góp trên 1.200 ngày công lao động, hiến tổng cộng trên 52 ha đất để phát triển giao thông nông thôn và các công trình kết cấu hạ tầng theo chuẩn nông thôn mới.
Theo đánh giá, hầu hết các xã đều vận dụng sáng tạo, linh hoạt và lồng ghép , hướng nội dung chương trình gắn với phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, coi đây là một trong những đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, lâu dài và thiết thực đối với các cấp, các ngành, quần chúng nhân dân. Tiến tới kỷ niệm 125 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đồng thời thiết thực lập thành tích kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2015, Tiền Giang đang tiếp tục đúc kết những bài học kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới đặc biệt là hiến đất làm đường, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, phấn đấu cuối năm nay toàn bộ các xã điểm còn lại đều được công nhận và ra mắt xã Nông thôn mới.
Hoài Thanh