Bạc Liêu: Người dân tình nguyện hiến đất xây dựng nông thôn mới

 7098 lượt xem
(BTĐKT)-Về Bạc Liêu hôm nay, có thể nhận thấy bộ mặt nông thôn trong tỉnh đã có những bước khởi sắc khá rõ nét sau hơn bốn năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Ðáng chú ý phong trào tình nguyện hiến đất xây dựng công trình công cộng đã thật sự chứng minh khi ý Ðảng hợp lòng dân sẽ tạo thành sức mạnh to lớn. 

 Hơn bốn năm qua, toàn tỉnh đã có gần 700 hộ là đảng viên, nông dân tự nguyện hiến 472.631 m2 đất, trị giá khoảng 95 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ nhân dân. Trong số này, cán bộ, nông dân huyện Phước Long hiến gần 560.000 m2; huyện Vĩnh Lợi 118.000 m2; huyện Hồng Dân 7.450 m2... Ðặc biệt, Phước Long là một trong năm huyện của cả nước, là huyện đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) được Trung ương chọn làm điểm chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phong trào đảng viên, nông dân trong huyện gương mẫu, tự nguyện hiến đất khá sôi nổi, giúp cho việc xây dựng NTM của địa phương đạt nhiều thành tựu nổi bật...

 
Đến Phước Long vào những ngày này, không khí lao động của cán bộ, nhân dân ở các xã trong huyện thật khẩn trương, sôi động. Bà con nông dân vừa lo thu hoạch lúa, tôm, vừa tất bật tham gia làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi, sửa sang nhà cửa, vườn tược... để sớm hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu trở thành huyện điểm về xây dựng NTM của tỉnh và khu vực. Sau hơn bốn năm phát động toàn dân chung sức xây dựng NTM, hàng trăm hộ nông dân trong huyện đã tự nguyện hiến hơn 560 nghìn m2 đất, trị giá khoảng hơn 140 tỷ đồng để rải nhựa 162 km lộ liền ấp, 48 nhà văn hóa ấp. Ðồng thời, cán bộ, nông dân còn đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng hoàn thành hơn 170 tuyến lộ ngõ xóm bằng bê-tông với tổng chiều dài gần 220 km, trị giá khoảng 54 tỷ đồng. Trong đó, nông dân tự nguyện đóng góp 33 tỷ đồng và góp 70 nghìn ngày công lao động...
 
Điển hình trong phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới của huyện Phước Long là gia đình ông Nguyễn Văn Ngởi ở ấp Mỹ Tân, xã Vĩnh Phú Đông đã hiến 6.640 m2 đất trong tổng số hơn 16.000 m2 đất nông nghiệp của gia đình, trị giá gần một tỷ đồng để địa phương xây dựng Trường tiểu học Vĩnh Phú Ðông. Tương tự, gia đình các ông Lê Văn Trãi, Lâm Hồng Sơn (xã Vĩnh Phú Ðông) thu nhập chính cũng chủ yếu từ mấy công ruộng, nhưng khi được vận động hiến đất để xây dựng nhà văn hóa ấp và trường học, trạm cấp nước tập trung, gia đình ông Trãi và ông Sơn đã không đắn đo, mỗi hộ sẵn sàng hiến hơn 1.000 m2 đất cho chính quyền địa phương…
 
Ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long), xã được Trung ương và tỉnh Bạc Liêu chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng NTM. Ðến đầu tháng 12 năm 2013, xã Vĩnh Thanh cơ bản đạt 16 trong số 19 tiêu chí về xây dựng NTM. Ðảng ủy, UBND xã đang quyết tâm đến cuối năm 2015, phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí theo đúng mục tiêu, kế hoạch. Ðặc biệt, trong hơn bốn năm qua, xã có nhiều hộ là cán bộ, đảng viên, nông dân hăng hái tình nguyện hiến đất xây dựng NTM. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Thanh Hiệp, 65 tuổi, thương binh hạng 2/4, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Vĩnh Thanh đã gương mẫu hiến hơn 600 m2 đất nền nhà cũ, trị giá hàng trăm triệu đồng để chính quyền địa phương xây dựng nhà văn hóa xã. Ngoài ra, ông Diệp Văn Thống, 50 tuổi, đảng viên, Trưởng ấp Vĩnh Bình A hiến hơn 500 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa ấp. Ông Tô Văn Viên, đảng viên, sinh hoạt tại Chi bộ ấp, hiến 560 m2 đất thổ cư, trị giá hơn trăm triệu đồng giúp địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ bà con trong ấp... Ông Nguyễn Thanh Hiệp, nguyên là Bí thư Ðảng ủy xã Vĩnh Thanh chia sẻ: "Nhiều năm qua, người dân trong xã đều mong có nhà văn hóa để có nơi sinh hoạt, thanh thiếu niên có nơi vui chơi, giải trí. Nhưng, do địa phương còn nghèo khó cho nên chưa thực hiện được. Nay Ðảng, Chính phủ đề ra Chương trình, mục tiêu xây dựng NTM, phần lớn cán bộ, nhân dân đều rất phấn khởi, đồng tình cao. Khi Ðảng bộ, chính quyền tỉnh và huyện phát động phong trào hiến đất xây dựng NTM, gia đình tôi tích cực hưởng ứng. Nếu người cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu địa phương mà thật sự có tâm huyết, trách nhiệm với quê hương, với nhân dân, đừng vì lợi ích cá nhân; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch thì người dân, nhất là nông dân sẽ quý trọng, noi gương theo. Ngược lại, nếu người cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu kém năng lực và phẩm chất, chỉ lo vun vén cá nhân thì rất khó tuyên truyền, động viên, thuyết phục nhân dân hăng hái đóng góp xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới…”.
 
Đường giao thông nông thôn do người dân đóng góp xây dựng ở xã Vĩnh Thanh.
 
Không chỉ ở huyện Phước Long, hơn bốn năm qua, tại các huyện như Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Ðông Hải cũng xuất hiện nhiều tấm gương hiến đất xây dựng trường học, làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác. Tại Châu Hưng A, xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng của huyện Vĩnh Lợi có nhiều gia đình đảng viên, nông dân tình nguyện hiến đất xây dựng NTM. Ðiển hình như hộ ông Thạch Hương, người dân tộc Khmer ở ấp Trà Ban 1 (xã Châu Hưng A) hiến 600 m2 đất; hộ ông Phan Văn Huy ở ấp Nhà Dài hiến 1.300 m2; hộ ông Trần Văn Bưởi, ấp Chắc Ðốt hiến hơn 580 m2 đất, trị giá hàng trăm triệu đồng, giúp chính quyền địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Ông Thạch Hương, người Khmer ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) cho biết: "Người dân tụi tôi từ bao đời nay rất mong có con lộ để dễ dàng đi lại, hàng hóa nông sản làm ra dễ tiêu thụ, nhất là con cháu đi học thuận lợi. Giờ đây, điều mong đợi ấy đã trở thành hiện thực, bà con phấn khởi lắm"... Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Ðông Hải Trần Anh Ðức cho biết: “Chung sức, đồng lòng xây dựng NTM, hơn bốn năm qua, Hội Cựu chiến binh huyện đã nỗ lực đóng góp ngày công, của xây dựng 191 cây cầu cơ bản, tổng kinh phí 4,6 tỷ đồng; trong đó, cựu chiến binh huyện đóng góp gần một tỷ đồng, không ít hội viên đóng góp từ 20 đến 30 triệu đồng…”.
 
Việc không ít cán bộ, nông dân Bạc Liêu nói riêng, cả nước nói chung tự nguyện hiến đất xây dựng NTM mấy năm qua là một minh chứng hết sức sinh động để  qua đó càng hiểu hơn giá trị, ý nghĩa lời dạy vô cùng sâu sắc, quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".
 
Những thành công đáng khích lệ trong xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu hôm nay chính là kết quả của sự chung tay, góp sức của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Để Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đạt kết quả bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bạc Liêu luôn coi xây dựng NTM là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, không chạy theo phong trào, "thành tích" bề nổi. Như vậy mới thật sự phát triển nông thôn bền vững, hợp với lòng dân./.
TM
 
 
Ý kiến của bạn