Diện mạo nông thôn mới ở Tây Ninh

 8102 lượt xem
(BTĐKT)-Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh, sau hơn 4 năm thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đời sống nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, diện mạo các vùng quê có nhiều khởi sắc. 

 Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được bắt đầu triển khai ở Tây Ninh từ năm 2011. Khi đó, toàn tỉnh chỉ có 1 xã đạt 7 tiêu chí và có 69 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Sau hơn 4 năm thực hiện, do làm tốt công tác tuyên truyền, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và địa phương, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn tỉnh, Chương trình Mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Về mảnh đất Tây Ninh hôm nay sẽ thấy những con đường lớn được trải nhựa, những con hẻm được láng xi măng sạch sẽ, những ngôi trường mới hay trạm y tế sạch đẹp… là diện mạo mới của 25 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Cùng với đó, chất lượng cuộc sống của người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Những thành công này là kết quả của quá trình hợp sức giữa người dân và chính quyền địa phương trong việc vận dụng, phát huy mọi nguồn lực để phát triển quê hương.
Đến nay, toàn tỉnh Tây Ninh đã và đang đầu tư xây dựng mới trên 2.000 công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hoá, trạm cấp nước sạch..., làm thay đổi rõ rệt kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, đặc biệt là ở các xã điểm.
 
Xã Bình Minh đạt 14/19 tiêu chí Nông thôn mới.
 
Chỉ tính trong năm nay, tổng kinh phí tỉnh Tây Ninh đầu tư cho 9 xã điểm xây dựng nông thôn mới lên đến hơn 600 tỷ đồng. Nguồn kinh phí một phần được trích từ ngân sách của tỉnh, còn lại là vận động đóng góp từ nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn.
 
Trong số 25 xã được tỉnh Tây Ninh chọn để tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, xã Thạnh Đông (huyện Tân Châu) là xã điểm, được nhận nguồn đầu tư lớn, với hơn 100 tỷ đồng. Số tiền này được đầu tư cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản. Đến nay tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 99,9%; hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, bưu điện được xây dựng khang trang. Từ khi những công trình thiết yếu được hoàn thiện, người dân đã yên tâm tập trung sản xuất, làm nông nghiệp, nhờ đó chất lượng cuộc sống được nâng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hiện xã Thạnh Đông chỉ còn 35 hộ nghèo, tương đương với 1,6 % tổng số hộ trong xã. Thạnh Đông đang hướng đến mục tiêu là xã đầu tiên của tỉnh Tây Ninh đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ông Phạm Vũ Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh Đông, cho biết: "Xã Thạnh Đông đã đạt 11 trên 19 tiêu chí, 8 tiêu chí còn lại chúng tôi phấn đấu đến cuối năm nay sẽ đạt được. Đây là một chương trình được nhân dân đồng thuận rất cao."
 
Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân Tây Ninh đã sáng tạo những mô hình sản xuất hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi kỳ đà kết hợp gà thả vườn; nuôi giống gà nòi lai Cao Lãnh lấy thịt; nuôi rắn mối; cá cảnh; nuôi chim trĩ đỏ; nuôi rắn kết hợp nuôi ếch... Gần đây, ở nhiều xã của tỉnh Tây Ninh, bà con còn được hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng mía, trồng sắn cao sản cho năng suất và chất lượng cao. Những mô hình này rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh. Anh Tạ Hoàng Thạch, ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, là người phát triển trang trại chăn nuôi heo kết hợp nuôi cá trên diện tích hơn 2 ha. Đến nay, trang trại của anh cho thu nhập hơn 3 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình này cũng được nhiều hộ dân ở xã nông thôn mới Phước Ninh áp dụng. Anh Thạch chia sẻ: "Tôi đã chọn nghề nuôi heo vì nó rất hợp ở vùng nông thôn này. Ở dưới nuôi cá, trên mình nuôi heo thì mình có thể tận dụng được nguồn phân bón cho cây sắn, cây mía và giảm chi phí sản xuất. Hơn nữa, nghề chăn nuôi heo cũng dễ và gần gũi với người dân."
 
Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tây Ninh đã triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp người nông dân phát huy khả năng làm giàu trên chính quê hương mình. Tỉnh mở gần 360 lớp học nghề tại thành phố Tây Ninh và các huyện, đào tạo cho khoảng 11 nghìn học viên là người nông dân. Hòa Thành là huyện có số lượng người theo học các khóa đào tạo nghề dành cho lao động nông thôn cao trong tỉnh. Tính đến nay, có khoảng 600 học viên tham gia các lớp ngắn hạn trong Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Hòa Thành. Trong đó, xã Long Thành Bắc là xã điểm. Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, cho biết: "Xã Long Thành Bắc là xã nông thôn mới do đó, người dân trong độ tuổi lao động, phải có công ăn việc làm, tiêu chí là 60%. Đến thời điểm này, xã Long Thành Bắc đạt 40%, về tiêu chí tiếp theo chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi lao động chọn cho mình 1 nghề phù hợp, qua lớp đào tạo nghề này, thực hiện tiêu chí đạt xã nông thôn mới vào năm 2015". Riêng trong năm 2014, tỉnh Tây Ninh đầu tư khoảng 7 tỷ đồng để đào tạo nghề cho trên 5.000 lao động nông thôn trong tỉnh. Cũng sau 4 năm phát động phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ 83 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 100 tỷ đồng vào Chương trình này. Phong trào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở Tây Ninh đã được đẩy mạnh với nhiều mô hình, dự án khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật gắn với đào tạo nghề cho nông dân, phát huy lợi thế về cây trồng như: Lúa, cao su, mía, sắn... Chăn nuôi cũng được hướng theo các mô hình an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất.
 
Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 80% ấp và 80% gia đình đạt chuẩn văn hóa, 67 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả; các hoạt động văn hoá, văn nghệ được đa dạng hoá kết hợp với tuyên truyền xây dựng nông thôn mới; tập trung triển khai các chương trình, dự án, trong đó lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới để đảm bảo vệ sinh môi trường cho nhân dân nông thôn, trong đó, tập trung tổ chức các hoạt động tổng vệ sinh môi trường để cải tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp trên địa bàn các xã, thị trấn. Đến nay, bình quân mỗi xã của tỉnh Tây Ninh đã đạt 10,5 tiêu chí, tăng 6,79 tiêu chí so với năm 2011; có 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 9 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí; 26 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí; 39 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. 
 
Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể, có 7 xã đạt chuẩn năm 2014 giữ vững 19 tiêu chí; 6 xã hoàn thành 19 tiêu chí, gồm: Xã Long Khánh (huyện Bến Cầu), xã Thanh Điền (huyện Châu Thành), xã Long Thành Bắc (huyện Hòa Thành), xã Phước Đông (huyện Gò Dầu), xã Chà Là (huyện Dương Minh Châu), xã An Hòa (huyện Trảng Bàng); 4 xã là: Tân Lập (huyện Tân Biên), Tân Hưng (huyện Tân Châu), An Bình (huyện Châu Thành) và Long Phước của huyện Bến Cầu phấn đấu hoàn thành đạt 19 tiêu chí, hoặc đạt thêm từ 3 đến 5 tiêu chí. 63 xã còn lại tăng thêm từ 1 đến 3 tiêu chí. Những thành công đã đạt được là cơ sở để người dân và các cấp chính quyền tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới./.
Hoàng Mai
 
 
Ý kiến của bạn