(BTĐKT)-Trong những năm qua, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng do các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La phát động được cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng và đạt nhiều kết quả.
Năm 2014, tỉnh Sơn La có 36.150 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trên 700 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Thu nhập bình quân của các hộ từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm; trong đó có 90 hộ thu trên 1 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông thôn, có những chủ hộ là sáng lập viên tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Hoàng Sương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết, phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở tỉnh Sơn La không chỉ có ở vùng thấp mà đã lan tỏa ra các vùng, miền, ở các thôn, bản vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của đồng bào Thái, Mông, Mường, Khơ Mú, La Ha, Dao, Kháng, Xinh Mun, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Hội Nông dân xã Chiềng Đông hiện có 332 hội viên, sinh hoạt ở 14 chi hội, hằng năm, Hội phát động các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; vận động cán bộ, hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, như: sử dụng giống lúa nếp 87, PC 15 thay thế cho các giống cũ năng suất, chất lượng thấp; thâm canh tăng vụ trên ruộng 1 vụ, 2 vụ.
Cùng với đó, Hội chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt bảo vệ thực vật cho hội viên, từ năm 2012-2014 hội đã phối hợp với khuyến nông mở 6 cuộc hội thảo, tập huấn kỹ thuật cho 320 hội viên về thử nhiệm giống ngô mới, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chăn nuôi gà mía lai. Hiện nay, hội viên nông dân xã đã áp dụng giống mới vào sản xuất trên 100% diện tích đất canh tác. Các mô hình kinh tế hiệu quả cao như: Cải tạo vườn cây ăn quả xoài, nhãn, vải, bưởi, me; đa dạng hóa các mô hình chăn nuôi lợn, gà siêu nạc, trâu, bò, ngựa... giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập cao như gia đình các ông: Quàng Văn Ngọc, Lò Văn Trực ở bản Đông Tấu; Hà Văn Ngường, bản Thèn Luông; Quàng Văn Việt, bản Huổi Pù; Lò Văn Xum, bản Nặm Ún. Bên cạnh đó, Hội còn vận động hội viên phát triển kinh tế trang trại, bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau xanh các loại... Toàn xã, hiện có 230 hộ nông dân phát triển mô hình kinh tế trang trại, nhiều hộ thu nhập khá như: Hội viên Lò Văn Xiểng, bản Na Pản; Quàng Văn Tý, bản Đông Tấu; Là Văn Păn, bản Luông Mé bình quân thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nông dân chi hội các bản Đông Tấu, Na Pản, bản Nhôm đã mở rộng diện tích mía trong vùng quy hoạch với 85 ha cho năng suất từ 80-90 tấn/ha; nhiều chi hội đã nhân rộng diện tích cây ngắn ngày như: tỏi, hành, cà chua và rau xanh ở các bản Chai, Hượn, Thèn Luông, Na Pản...
Bà con bản Đông Tấu, xã Chiềng Đông (Yên Châu) thu hoạch lúa chiêm xuân.
Ông Cầm Văn Lánh (dân tộc Thái) ở bản Ỏ, xã Mường Sai, một bản vùng sâu, vùng xa, biên giới của huyện Sông Mã là chủ hộ biết dựa vào điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế gia đình. Ông Lánh chia sẻ: Từ năm 1979 đến 1984 tôi phục vụ trong quân đội tại đơn vị C17E19F326. Khi được xuất ngũ về địa phương, thấy gia đình mình nghèo khổ, bà con trong bản cũng nghèo, trong khi đất đai ở vùng này màu mỡ, điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Không chịu cảnh nghèo khó, năm 2008, ông vận động những người thân trong gia đình, họ hàng góp sức làm một con đập tràn bằng gỗ, xếp đá để ngăn dòng suối Lẹ đưa nước về khai hoang 3 ha ruộng, tưới ẩm cho vườn nhãn, làm ao thả cá và chăn nuôi gia cầm. Nhưng đập làm bằng gỗ lâu ngày bị mục, lũ cuốn mất. Năm 2014, ông Lánh tiếp tục đầu tư 500 triệu đồng để làm con đập tràn bê tông vĩnh cửu dài hơn 20 m, bề rộng 8 m, đồng thời đầu tư lắp ống dẫn nước về phục vụ sản xuất. Kết quả năm ngoái (2014) gia đình ông thu 4 tấn nhãn, 5 tấn thóc, 250 kg cá thịt. Gia đình ông Lánh còn nuôi 12 con bò, đàn dê 15 con, nuôi lợn và trên 1.000 con gà, vịt, trừ chi phí gia đình ông lãi trên 350 triệu đồng. Nhờ kinh tế khá giả, gia đình ông Cầm Văn Lãnh còn hỗ trợ 10 hộ khó khăn trong bản vay vốn 135 triệu đồng không lấy lãi để các hộ này đầu tư sản xuất.
Chị Quàng Thị Lả ở bản Na Nga, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, không chỉ giỏi về công tác dân vận khéo, động viên chị em phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị Lả vận động 19 hội viên lập ra nhóm “sở thích dệt thổ cẩm”, chi hội phụ nữ “không sinh con thứ 3”. Chị cùng gia đình phát triển kinh tế hộ bằng phương thức trồng cỏ nuôi bò (không thả dông gia súc như trước đây), áp dụng khoa học kỹ thuật để cải tạo vườn tạp cằn cỗi bằng phương pháp lai ghép cành. Với cách làm này, trên 400 cây nhãn, xoài của gia đình chị Lả cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Chị Lả được bà con tin yêu, học hỏi và làm theo, các đảng viên trong bản Na Nga bầu chị Lả làm Bí thư chi bộ của bản.
Nhiều tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở tỉnh Sơn La là những người lao động chân chất, nhưng không cam chịu đói nghèo, quyết vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách, ham học hỏi những kinh nghiệm, những kiến thức mới trong sản xuất nông nghiệp để áp dụng và biết phát huy lợi thế đất đai, khí hậu tại địa phương, phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả. Điển hình như hộ ông Lò Minh Văn ở bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La đã mạnh dạn đầu từ trồng xen cây mận tam hoa trong vườn cà phê, kết hợp chăn nuôi lợn, kết quả cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Hộ ông Lò Văn Sai ở bản Lả Mương, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La mạnh dạn thuê 1,5 ha đất bỏ hoang để đầu tư xây dựng 2 lò gạch công nghệ mới, tạo việc làm thường xuyên cho 28 lao động nông thôn, với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Còn ông chủ lò gạch Lò Văn Sai cũng có thu nhập trên 600 triệu đồng/năm. Hộ bà Trần Thị Thủy ở Tiểu khu Sao Đỏ II, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (một huyện mới chia tách từ huyện Mộc Châu) từ một hộ nghèo thuộc loại gần nhất, nhì xã, nay gia đình bà Thủy vươn lên tốp đầu có kinh tế khá giả ở xã này nhờ mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi bò sữa. Đến nay đàn bò sữa của gia đình bà Thủy đã có 15/32 con đang kỳ vắt sữa, thu nhập dự tính năm nay của gia đình trên 800 triệu đồng. Hộ ông Sồng A Giống (dân tộc Mông) ở bản Suối Chè B, huyện Phù Yên biết dựa vào đồng cỏ tự nhiên để phát triển chăn nuôi đàn gia súc ăn cỏ (trâu, bò, ngựa, dê), hàng năm gia đình ông Giống thu nhập trên 600 triệu đồng.
Có thể nói, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Sơn La đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình, nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Bà con nông dân chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thêm thu nhập đáng kể.
Phát huy những kết quả đã đạt được, Hội Nông dân tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên gương mẫu trong các phong trào thi đua của Hội, nhất là phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng ở cơ sở, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tích cực thâm canh, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác...
Phong trào nông dân sản xuất kính doanh giỏi ở tỉnh Sơn La thực sự góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ổn định dân cư, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Năm 2015, Sơn La dự kiến sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 85 vạn tấn, sản lượng hoa quả các loại khoảng 100.000 tấn, sản lượng cà phê nhân trên 10.400 tấn, chè búp tưởi 29.400 tấn, đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương./.
Thanh Hoàng