Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, cấp trên cùng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng bộ, nhân dân huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang khắc phục mọi khó khăn, tập trung trí, lực nhằm làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên tất cả các lĩnh vực.
Trung tâm xã Sơn Vĩ đang được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của chương trình NTM.
Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông được nhựa hóa, bê - tông hóa; mạng lưới điện, nước ngày càng hoàn chỉnh. kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện theo đúng như tinh thần của chương trình xây dựng NTM và đây cũng chính là "Luồng gió mới"làm thay đổi diện mạo của vùng cao đá núi...
Giờ đây, dù bất cứ ai khi đặt chân lên huyện Mèo Vạc đều không khỏi ngỡ ngàng trước những sự đổi thay của một huyện nghèo biên giới. Và sự thay đổi đó không chỉ tại trung tâm thị trấn huyện được thể hiện ở những tuyến đường phố văn minh rất sạch sẽ, thoáng mát; bằng những ngôi nhà xây nhiều tầng kiên cố thay thế cho những mái nhà ọp ẹp, cũ nát tồn tại bao đời... mà còn ở cả những xã vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới với nước bạn Trung Quốc như xã Sơn Vĩ, một trong 18 xã nghèo nhất của huyện với tỉ lệ hộ nghèo tới nay vẫn còn trên 70%.
Anh Đỗ Hiếu Nghĩa, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau khi hoàn thành tuyến đường đôi, nay đã làm xong 2 tuyến đường “xương cá” với chiều dài hơn 200m. Còn đối với các công trình hộ gia đình, xã đã hỗ trợ 340 tấn xi măng cho 69 hộ dân làm bể nước ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh, láng sân phơi... Sau một số buổi tuyên truyền mà người dân thực hiện các hộ đều thực hiện rất nghiêm túc, đúng yêu cầu, mục đích và đảm bảo chất lượng. Còn các tiêu chí khác, UBND xã sẽ quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để triển khai đúng theo tiến độ, đem lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân...”.
Bà con cùng sinh sống đang chung sức xây dựng, sửa chữa nhà cửa, công trình phụ một cách rất tự nguyện theo đúng tinh thần người giúp người, cùng đổi công cho nhau. Nhờ vậy, tới nay gần 70 hộ dân của xóm đã gần như hoàn thành các hạng mục nhà vệ sinh, nhà tắm và sân bê tông theo đúng tiêu chí của chương trình. Chính nhờ vậy, mà nay diện mạo của trung tâm xã Sơn Vĩ đã dần mang dáng vẻ của một đô thị “trẻ”, hứa hẹn một sự phát triển mạnh mẽ, bền vững trong tương lai...
Chung sức, đồng lòng mở đường liên thôn ở xã Lũng Pù.
Rời Sơn Vĩ, chúng tôi tìm về Lũng Pù, xã thứ 2 của huyện Mèo Vạc được thực hiện thí điểm chương trình xây dựng NTM, đúng vào lúc UBND xã tổ chức cho cán bộ, đảng viên cùng bà con sửa chữa, nâng cấp tuyến đường liên thôn với chiều dài gần 2km vào xóm Sảng Trải A. Hàng trăm người chia thành từng tốp nhỏ, người cuốc, người phát cỏ, vần đá rất hăng say, nhìn ai cũng mồ hôi nhễ nhại. Mệt đấy, vất vả hơn làm nương nhưng cái không khí ở đây cũng không khác gì ở xã Sơn Vĩ. Chính nhờ sự tuyên truyền sâu rộng đến khắp mọi xóm, bản, tới từng người dân về lợi ích của chương trình mang lại. Cho nên, khi triển khai các tiêu chí dù là của cá thể hộ gia đình hay tập thể bà con đều tham gia rất tích cực. Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn, ông Nguyễn Chí Thường, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BQL Chương trình xây dựng NTM huyện cho biết: “Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, huyện đã căn cứ theo đó để thực hiện, nên cơ bản đạt được những thành tích đáng kể, mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân. Cho tới nay, huyện vẫn đảm bảo chương trình theo đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương còn gặp không ít khó khăn bởi địa hình dốc cao, mặt bằng hẹp khó tìm địa điểm để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; đường sá đi lại không thuận lợi và kinh tế người dân thấp... nên đối với Mèo Vạc cũng như các huyện vùng cao khác, các cấp, ngành chức năng nên xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp hơn để địa phương có thể thực hiện nhanh nhất, mang lại hiệu quả nhất cho bà con các dân tộc vùng cao vốn đã quá nghèo và thiếu thốn trong nhiều năm qua...