Bắc Kạn: Tiêu chí giao thông là trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới

 6507 lượt xem
(BTĐKT) - Phát triển giao thông nông thôn là tiêu chí thứ 2 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được coi là khó thực hiện nhất đối với tỉnh miền núi như Bắc Kạn. 

 Nguồn vốn đầu tư hạn hẹp chính là yếu tố tiên quyết khiến tiêu chí phát triển giao thông nông thôn đạt thấp. Mặc dù đã có cơ chế chính sách huy động nguồn vốn nhà nước và nhân dân cùng làm đối với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên khi được triển khai tại các xã trên địa bàn lại gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đặc thù là tỉnh miền núi nghèo, dân cư sống rải rác thưa thớt, thậm chí có những vùng hưởng lợi mật độ chỉ khoảng 10 hộ/1 km. Thu nhập của người dân còn thấp nên cơ chế hỗ trợ kêu gọi nguồn lực, vốn vận động trong dân (vốn đối ứng) không đáng là bao so với khối lượng cần thực hiện. Trong khi nguồn kinh phí dành cho xây dựng giao thông nông thôn lại rất lớn.

 
Tiêu chí giao thông nông thôn là tiền đề để thực hiện tốt các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới.
 
Năm 2014, tỉnh huy động nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới được trên 285,6 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 75,685 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 1,3 tỷ đồng, các doanh nghiệp đã đóng góp được 2,35 tỷ đồng, nhân dân đóng góp được trên 16,386 tỷ đồng (tiền mặt và ngày công lao động làm đường giao thông, kênh mương), vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác được 189,936 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng và thoát nước thải khu dân cư. 
 
Đến hết quý I/2015, đã có 164/174 công trình thi công hoàn thiện. Nguồn lực huy động từ nhân dân chủ yếu là sức dân tham gia ngày công lao động xã hội. Việc khai thác vật liệu như đá, cát, sỏi và vật liệu khác để cải thiện mặt đường và các công trình nhỏ khối lượng không đáng kể.
 
Có thể nhận thấy, xây dựng nông thôn mới là một chương trình hợp lòng dân, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ và tham gia thực hiện. Người dân hiến đất làm đường, đóng góp sức người chung tay xây dựng những con đường liên thôn, liên xã. Hàng năm, cấp ủy chính quyền các cấp đều có kế hoạch giao chỉ tiêu xây dựng, phát triển đường thôn, xóm bản bằng nhiều nguồn vốn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên kết quả thực hiện 4 nội dung trong tiêu chí số 2 (giao thông nông thôn) về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn rất “khiêm tốn”. 
 
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay chưa có một xã nào trên địa bàn đạt tiêu chí giao thông nông thôn. Duy nhất có 01 xã của huyện Bạch Thông đạt 03/04 nội dung, 09 xã đạt 02/04 nội dung, đa số các xã chỉ đạt được 01/04 nội dung về tiêu chí giao thông nông thôn. Thậm chí còn 15 xã chưa đạt được nội dung nào trong 04 nội dung về tiêu chí giao thông trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 
Tiêu chí tưởng chừng căn bản nhất là “Tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ giao thông Vận tải là 100%”, hiện trên toàn tỉnh đạt 60%; Tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT chỉ đạt 26% (theo chuẩn tiêu chí là 50%); Tỷ lệ km đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa là 100% thì đến nay mới đạt 10%; Đặc biệt còn chưa thực hiện được tuyến đường nào đáp ứng về nội dung đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện (theo yêu cầu tỷ lệ km là 50%).
 
Trên thực tế, còn có rất nhiều nơi đường trục xã, liên xã còn chưa được nhựa hóa, bê tông hóa như xã Hữu Thác, Văn Minh (Na Rì); xã Sỹ Bình, Vi Hương (Bạch Thông); xã Yên Thịnh, Yên Thượng (Chợ Đồn)... Điều này đồng nghĩa với khối lượng các công trình giao thông cần được nhựa hóa, bê tông xi măng hóa còn rất lớn. Trong khi kinh phí hạn hẹp đang là một thách thức không nhỏ trong lộ trình phấn đấu xây dựng nông thôn mới đối với tiêu chí về giao thông của tỉnh.
 
Tiêu chí giao thông có thể coi là tiêu chí quan trọng nhất tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội. Khi sức dân chưa đủ mạnh, nguồn lực hạn chế, để hoàn thành tiêu chí này cần hợp lực của toàn xã hội, phát huy tối đa sức mạnh toàn dân. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, cần huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời tuyên truyền, vận động sâu rộng để người dân phát huy tốt vai trò chủ thể của mình trong lộ trình xây dựng nông thôn mới.
Hoài Thanh
 
 
Ý kiến của bạn