Triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020

 7840 lượt xem
(BTĐKT)-Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đánh giá kết quả thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2015, diễn ra tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình, yêu cầu: “Giai đoạn 2016 - 2020 phải phấn đấu có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới". 

 Phó Thủ tướng lấy ví dụ: Nếu chuẩn nghèo trong thời gian tới được nâng lên thì tiêu chí về thu nhập trong Chương trình NTM cũng cần nâng lên. Vậy phải có phương án để những nơi đạt được tiêu chí thu nhập vẫn giữ vững được trong điều kiện mới.

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đã chỉ ra một số hạn chế trong quá trình xây dựng nông thôn mới như: Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa bền vững do thu nhập, đời sống của người dân ở một số vùng còn khó khăn; chênh lệch giữa các vùng về xây dựng nông thôn mới có chiều hướng gia tăng.
 
Đặc biệt, một số địa phương chưa chủ động triển khai thực hiện cơ chế chính sách; kiện toàn tổ chức bộ máy và có biểu hiện chạy theo thành tích. Do đó, các đại biểu đề nghị: Các địa phương cần tiếp tục chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng các tiêu chí sau khi đạt chuẩn.
 
Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị sửa đổi tiêu chí nông thôn mới: “Các vùng thủy sản, hải sản bãi ngang hầu như không có quy hoạch chỉ có quy hoạch nông nghiệp. Trong 19 tiêu chí, đối với họ chỉ có 13 tiêu chí, vì họ không có thủy lợi, đường nội đồng. Vì vậy, cần bổ sung quy hoạch tái cơ cấu ngành thủy sản và tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Đặc biệt, sửa đổi tiêu chí nông thôn mới cần hướng dẫn rõ ràng để làm và bổ sung những điều phù hợp với các vùng, văn hóa của các dân tộc”.
 
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung kinh phí để có nguồn lực thúc đẩy Chương trình đạt mục tiêu giai đoạn 2010 – 2015; tăng cường hỗ trợ các xã khó khăn và những xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015; tổ chức biểu dương, khen thưởng doanh nghiệp có nhiều đóng góp xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào xây dựng nông thôn mới trong những tháng cuối năm 2015.
 
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong phong trào xây dựng nông thôn mới như: Vẫn còn có tỉnh chưa có xã nào đạt nông thôn mới. Trong số 11 xã được Trung ương chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới, đến nay vẫn có xã chưa đạt. Một số vùng đạt tiêu chí nông thôn mới còn thấp, đặc biệt là những vùng khó khăn về điện kiện sản xuất, điều kiện tự nhiên…
 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo nông thôn mới.
 
Phó Thủ tướng đề nghị: Ban Chỉ đạo cần tích cực hơn nữa trong việc đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tốc độ, dồn lực hoàn thành mục tiêu cuối năm 2015, có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là đối với 5 tỉnh còn “trắng” xã nông thôn mới là Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Đắk Nông; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng nông thôn mới các vùng khó khăn, hoàn thiện kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Các đồng chí kiến nghị là có một tiêu chí cứng tiêu chí khung, trong đó tiêu chí cứng là những tiêu chí căn bản nhất còn tiêu chí khung giao cho địa phương, tôi đồng tình. Và lần này, cố gắng thực hiện. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu ra các tiêu chí khung căn bản và chọn một số tiêu chí nữa để thực hiện và áp dụng tại từng địa bàn nhưng dứt khoát không hạ chất lượng, hạ yêu cầu để đạt số lượng nông thôn mới”.
 
Theo Báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 889 xã và 5 huyện trong cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Xuân Lộc, Xuân Long ( Đồng Nai), Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), Hải Hậu (Nam Định)./.
 
Cùng với đó nhân rộng các mô hình hiệu quả và cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường nông thôn; các giải pháp tạo động lực cho các xã đã đạt chuẩn tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM; hoàn thiện kế hoạch trung hạn 2016-2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
 
Ban Chỉ đạo cũng sẽ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung bộ tiêu chí; chỉ thị về tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã sau khi đạt chuẩn; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM; chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp và xây dựng NTM...
 
Đôn đốc, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tốc độ, dồn lực hoàn thành mục tiêu 20% số xã đạt chuẩn NTM cuối năm nay. Cần quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương còn nhiều khó khăn đang đạt kết quả thấp, nhất là đối với 5 tỉnh còn “trắng” xã NTM.
 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo sớm hoàn thành sơ kết giai đoạn 2011-2015 theo kế hoạch được duyệt. Cùng với đó, hoàn thành phương án khen thưởng các địa phương và các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM nhân dịp sơ kết giai đoạn 2010-2015 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước tháng 11/2015.
 
Đặc biệt, trước những tồn tại như 10 tỉnh chưa phân bổ xong vốn, 5 tỉnh còn “trắng” xã điểm đạt NTM... cần báo cáo rõ nguyên nhân để xử lý kịp thời. Nội dung này sẽ được Ban Chỉ đạo dự kiến họp trong tuần tới, sau cuộc họp đó sẽ có văn bản cụ thể tới từng bí thư và chủ tịch các địa phương đang tồn tại các vấn đề trên để yêu cầu giải quyết dứt điểm trong năm nay.
 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Để đạt được mục tiêu 50% số xã đạt tiêu chí NTM trong giai đoạn tiếp theo là điều hết sức khó khăn, bởi những xã có “lực” thì đã đạt được trong số 20% tới đây rồi. Mỗi phần trăm tiếp theo đòi hỏi sự nỗ lực của từng thành viên Ban Chỉ đạo cho tới lãnh đạo địa phương từng xã, huyện”.
 
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đưa ra gợi ý dành toàn bộ số tiền trong chương trình NTM sau khi thực hiện công tác sơ kết để dồn lực cho khu vực đang có tỷ lệ đạt NTM thấp nhất, đó là khu vực miền núi.

Vân Hà
 
 
Ý kiến của bạn