Lào Cai: Tà Chải về đích sớm

 7368 lượt xem
(BTĐKT)-Tà Chải là xã đầu tiên của huyện Bắc Hà và là 1 trong 9 xã của tỉnh Lào Cai được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Sau 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt 19/19 tiêu chí, về đích sớm một năm so với dự kiến. 

 Kết quả này có được là nhờ các đảng viên trong Đảng bộ xã đã có những cách làm hay, sáng tạo trong việc vận động nhân dân hiến đất, đóng góp công sức làm đường giao thông, xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

Xã Tà Chải được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014.
 
Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Vàng Văn Khương cho biết Tà Chải là xã khó khăn thuộc huyện Bắc Hà – huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai. Xã có 9 thôn bản, trên 600 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu, số đảng viên chiếm trên 15% dân số, phân bố đều ở 10 chi bộ, thôn bản và trường học. Tuy quân số không đông nhưng những chi bộ và các đảng viên đã thật sự là những hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập hợp quần chúng thông qua các cuộc vận động lớn tuyên truyền xây dựng nông thôn mới; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
 
Đất Tà Chải không rộng, chỉ gần 6km2, mật độ dân cư khá dày so với 20 xã khác trong huyện. Do vậy, việc làm đường giao thông nông thôn, việc xây dựng chuồng trại gia súc ra xa khu dân cư để phục vụ lợi ích chung là rất khó. Thế nhưng, bằng công tác dân vận, chỉ trong một năm, Tà Chải đã vận động được hàng chục hộ dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn với tổng diện tích trên 1.000m2. Đây cũng là địa phương đạt con số huy động sức dân cao nhất so với 20 xã, thị trấn trong huyện tham gia làm đường giao thông nông thôn. Chỉ trong hai năm 2012, 2013, Tà Chải đã làm mới trên 20km đường giao thông được bê tông hóa 100%. Đối với nông thôn miền núi, việc đảm bảo vệ sinh môi trường theo tiêu chí chung là rất khó khăn, nhưng đến nay tất cả trên 600 hộ dân đã có nhà tiêu hợp quy cách, đảm bảo vệ sinh; 100% hộ chăn nuôi làm chuồng trại gia súc xa nhà, nhiều hộ xây dựng bể bioga sử dụng vào việc đun nấu thay cho gas.
 
Những việc khó, việc mới dân chưa tỏ, chưa tin đều dược cán bộ xã và đảng viên gương mẫu làm trước. Theo Chủ tịch UBND xã Tà Chải Vàng Văn Khương, việc thực hiện hai tiêu chí số 11 và 12 (về thu nhập và giảm hộ nghèo) đối với xã là khó khăn nhất.
 
Để vận động nhân dân xóa bỏ tập quán canh tác cũ làm ruộng một vụ, trồng cấy giống cũ chuyển sang giống mới ngắn ngày và có năng suất cao, cán bộ đảng viên phải gương mẫu làm trước để bà con thấy hiệu quả và học tập làm theo. Điển hình như thôn Na Kim có trên 40 hộ, trước đây chỉ trông chờ vào diện tích lúa 1 vụ và chăn nuôi gia súc theo tập quán cũ thả rông, nên thường gặp rủi ro về dịch bệnh. Từ khi Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chủ trương xây dựng nông thôn mới, chi bộ xã Na Kim đã lãnh đạo nhân dân làm đất trồng 2 vụ lúa, một vụ rau màu. Đất đồi, đất dốc bà con trồng cây dược liệu atiso, thu hẹp diện tích trồng mận bằng việc thâm canh cải tạo vườn tạp, chỉ giữ lại những cây tốt, giống tốt cho năng suất cao.
 
Đi đầu trong phong trào trên ở thôn Na Kim là đảng viên Vàng Văn Thỉ. Ông đã vận động vợ con mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp trồng mận mơ lâu năm sang trồng giống đào Pháp. Với hơn 100 cây đào Pháp trồng thay thế diện tích mận tam hoa đã thoái hoá, vài năm gần đây, gia đình ông Thỉ có nguồn thu nhập ổn định từ 20 - 30 triệu đồng. Ông Thỉ cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp một vụ lúa, một vụ ngô nên thu nhập chẳng là bao. Sau khi đầu tư trồng đào Pháp và các cây ngắn ngày khác xen canh cùng chăn nuôi gia súc gia cầm, kinh tế gia đình đã phát triển ổn định". 
 
 Noi gương ông Thỉ, nhiều hộ dân thôn Na Kim nói riêng và cả xã Tà Chải nói chung đã mạnh dạn đưa cây atiso vào trồng thay thế diện tích ngô giống cũ đã đem lại thu nhập cao gấp 5 lần. Đến Tà Chải hôm nay không còn cảnh thả rông gia súc, thậm chí như nuôi lợn, gà cũng quây thành trại nuôi theo hình thức bán chăn thả vườn đồi nên không còn tình trạng gia súc phá hoại cây trồng, mà ngược lại phân, chất thải gia súc gia cầm được xử lý bón cho cây trồng rất tốt. Với cách làm này, Tà Chải vừa đảm bảo tiêm phòng tránh dịch bệnh cho gia súc, vừa giữ gìn vệ sinh môi trường bản làng, đảm bảo phát triển được các loại cây trồng và rau màu nói chung. 
 
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Tà Chải giảm nhanh. Hết năm 2013, toàn xã còn hơn 100 hộ nghèo; năm 2014, Tà Chải có trên 50 hộ thoát nghèo. Theo ông Vàng Văn Khương, để duy trì bền vững tiêu chí thu nhập và hộ nghèo, đảng bộ và chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác cũng như tư duy sản xuất cũ, phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 14 triệu đồng/năm lên 18 đến 20 triệu đồng/người/năm. Trong đó sản xuất sẽ chú trọng đến yếu tố thị trường bao tiêu sản phẩm để giúp người dân nâng cao thu nhập.
 
Nói đến Tà Chải không thể không nhắc tới văn hóa Xòe của đồng bào Tày, Nùng nơi đây. Đất Bắc Hà là vùng đất du lịch mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc vùng cao. Vì vậy, Đảng bộ xã xác định việc khôi phục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đây được coi là hướng đi mới bền vững trong chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, phá thế thuần nông, đẩy mạnh xóa nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã. Hiện, nhiều hộ dân ở các thôn như Na Kim, Na Thá và Na Lo đã thành lập đội xòe biểu diễn phục vụ khách du lịch lưu trú tại địa phương, đồng thời đầu tư cải tạo nhà sàn truyền thống, học cách nấu các món ăn ngon để phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách... 
 
Cách làm trên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho địa phương trong phát triển kinh tế, góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 11 và 12. Điển hình như mô hình du lịch cộng đồng của gia đình ông Vàng A Văn, thôn Na Lo. Nhờ biết phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Tày trong phát triển du lịch cộng đồng, nên kinh tế gia đình ông Văn ngày càng khá, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 15 lao động trong thôn với mức thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Ông Vàng A Văn chia sẻ, từ khi phát triển kinh tế theo mô hình du lịch cộng đồng, gia đình anh có việc làm và thu nhập ổn định, đời sống cũng khá hơn trước nhiều.  
 
Trong 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xã Tà Chải luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, huyện, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cùng sự nỗ lực của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các tổ chức đoàn thể và đông đảo nhân dân trên địa bàn xã Tà Chải. Cho đến nay, diện mạo nông thôn xã Tà Chải đã có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, 100% tuyến đường liên thôn, liên gia được đổ bê tông kiên cố, nhà ở được xây dựng chỉnh trang, sạch đẹp, 9/9 thôn có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng.
 
Công tác vệ sinh môi trường được cải thiện; các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội hàng năm đều đạt so với kế hoạch được giao; văn hóa, xã hội được đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố. Thu nhập được nâng lên, đạt 18,22 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 33,6% (năm 2011) xuống còn 8,36% (năm 2014). Nhân dân trên địa bàn xã đã đóng góp trên 17.000 ngày công lao động và 1,8 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn.
 
Về Tà Chải hôm nay, đường làng ngõ xóm đã phong quang sạch sẽ, xã có trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hóa đáp ứng đầy đủ đời sống tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ông Hoàng Thế Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Bắc Hà cho biết: Đến nay, xã Tà Chải đã đạt 19/19 tiêu chí và 9/9 thôn bản đều được công nhận thôn bản nông thôn mới. Có được kết quả này phải ghi nhận sự nỗ lực của các chi, đảng bộ, sự phấn đấu của trên 200 đảng viên - những hạt nhân tiêu biểu đã góp phần đưa Tà Chải về đích trước một năm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Bắc Hà, Lào Cai./.
 
Hoàng Mai
 
Ý kiến của bạn