Tân Hà, Lâm Đồng: Làm giàu từ hai bàn tay trắng

 7380 lượt xem
(BTĐKT)-Là vùng đất mới khai hoang, tầng dầy canh tác lớn, độ phì cao, điều kiện khí hậu thuận lợi, sản xuất nông nghiệp thực sự là thế mạnh, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện. 

 Hơn nửa cuộc đời, từ 2 bàn tay trắng, họ lao động không ngừng nghỉ biến rừng hoang thành những vườn cà phê trĩu hạt.

Họ là những cư dân Hà Nội đầu tiên vào khai hoang vùng đất Tân Hà (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cách đây 40 năm.
 
Vùng đất Tân Hà có hơn 2.500ha cà phê, do thời tiết thuận lợi, đất đỏ bazan màu mỡ, lại được đầu tư, chăm sóc tốt nên năng suất rất cao.
 
Vào những năm được mùa, có hộ nông dân trồng cà phê trúng lớn, năng suất đạt 7 - 8 tấn/ha. Được biết, người dân Tân Hà giàu lên nhờ loại cây này.
 
Là một trong những người đầu tiên từ quê Gia Lâm (Hà Nội) vào Lâm Hà năm 1977, ông Lương Chí Túc (82 tuổi) nhớ lại: “Lúc chúng tôi mới vào, nơi đây còn là rừng rậm hoang vu, dấu chân thú rừng chi chít chứ không phải chân người. Nhìn các con, chúng tôi động viên nhau phải vượt qua. Thời gian trôi đi, khó khăn cũng quen dần”.
 
 
Bây giờ, gia đình ông chẳng thiếu gì, lợn đầy chuồng, cá đầy ao, đàn gà chi chít ngoài vườn cà phê, cây trái sum suê.
 
Theo ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hà, hơn 50% trong tổng số 2.800 hộ của xã có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/năm, số thu 3 - 5 tỷ đồng/năm gần 20 hộ.
 
Một trong những hộ tỷ phú với thu lãi khoảng 10 tỷ đồng/năm là gia đình ông Phùng Văn Luyện ở thôn Tân Trung. Ngoài 30ha cà phê cho năng suất cao, vợ chồng ông Luyện còn kinh doanh phân bón, thu mua cà phê, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
 
Còn hộ anh Lê Xuân Trường (cùng thôn) thì làm giàu từ những chú hươu sao. Những chú hươu trong trang trại của vợ chồng anh được chăm sóc khá tốt. Trước năm 2008, anh Trường nuôi heo nhưng hầu hết đều thất bại hoặc không có lãi. Hay tin có mô hình nuôi hươu ở Hương Sơn, Hà Tĩnh rất thành công, anh lặn lội ra tận nơi tìm hiểu rồi mua 8 con hươu giống với giá 60 triệu đồng.
 
Anh Trường chia sẻ: 'Hươu sao rất dễ nuôi, chuồng trại đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thức ăn cũng thấp, lại cho hiệu quả kinh tế cao'. Ông chủ trại hươu này cho biết, mỗi năm gia đình anh thu vài tỷ đồng từ đàn hươu. Cách 6 tháng có thể cắt nhung 1 lần. Mỗi cặp nhung nặng khoảng 7 - 8 lạng, nếu chăm sóc tốt, có thể đạt 1kg. Với giá 2 triệu đồng/lạng, thu hơn 30 triệu đồng/năm cho 1 con hươu. Làm giàu không khó, chỉ sợ không có chí', anh Trường tâm sự.
 
Có thể nói, người dân ở Tân Hà giàu không chỉ nhờ thiên thời, địa lợi mà còn do thuận vợ thuận chồng nữa.
 
Nếu hỏi thăm nhà nào, chỉ nói tên vợ hay chồng, người ta sẽ suy nghĩ rất lâu, có khi không nhớ. Nhưng chỉ cần nhắc tên cả vợ và chồng hoặc nói biệt danh của họ thì sẽ được chỉ đến tận nơi như Tuấn - Bích, Tuấn - Hà, Nguyên - Phương, Định - Hà…
 
'Lâm Hà nói chung và Tân Hà nói riêng, được như hôm nay là nhờ bàn tay những người đi mở đất.
 
Chỉ có đôi bàn tay với cuốc xẻng, nhưng nhờ cần cù lao động họ đã vượt qua mọi khó khăn.
Họ là những viên gạch hồng đầu tiên xây nền móng cho hôm nay', ông Phùng Văn Quyến, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hà cho hay.
Nhật Minh
 
 
Ý kiến của bạn