Tân Phong phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch

 6604 lượt xem
(BTĐKT)-Mặc dù không phải là xã làm điểm trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Bình nhưng sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), với nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, diện mạo làng quê Tân Phong đã đổi thay tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. 

Trồng ngô ở cánh đồng chuyên màu xã Tân Phong.

 Đảng bộ xã Tân Phong có 296 đảng viên, sinh hoạt tại 12 chi bộ. Để hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM; kiện toàn các tổ công tác từ xã đến thôn.

Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM được đào tạo, tập huấn cơ bản. Xác định rõ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, Đảng bộ, các chi bộ thôn đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường, đóng góp ngày công. Mỗi cán bộ, đảng viên còn là một tuyên truyền viên tích cực, giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM là mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân. 
 
Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ xã Tân Phong trong lãnh đạo xây dựng NTM là công tác dồn điền đổi thửa. Năm 2010, Tân Phong được chọn là xã điểm của huyện về dồn điền đổi thửa. Để hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về dồn điền đổi thửa sát với thực tế địa phương; thành lập ban chỉ đạo và các tiểu ban ở 7 thôn, phân công cán bộ phụ trách địa bàn; chỉ đạo chi bộ các thôn giám sát, kiểm tra việc dồn điền đổi thửa bảo đảm minh bạch, khách quan; tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dồn điền đổi thửa đến toàn thể nhân dân thông qua hệ thống truyền thanh, các cuộc họp, hội nghị..., làm cho nhân dân thấy được mục đích, ý nghĩa quan trọng của việc dồn điền đổi thửa đối với sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân, bà con đồng tình, tích cực hưởng ứng. 
 
Có thể nói Tân Phong là địa phương đi đầu ở tỉnh Thái Bình về công tác dồn điền đổi thửa. Sau dồn đổi ruộng đất bình quân số thửa trên hộ thấp nhất (1,12 thửa ruộng/ hộ, có những thôn 100% số hộ gia đình chỉ còn 1 thửa). Bờ vùng hiện nay rộng từ 6 – 7m, bờ thửa rộng 2,5m, đúng theo tiêu chí quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Người nông dân vui mừng khi được sản xuất trên những thửa ruộng lớn, họ ví đây như một “cuộc cách mạng" ruộng đất mới. Ông Trần Văn Thanh, xã Tân Phong phấn khởi cho biết: Trước kia do bờ vùng bờ thửa chật hẹp, ông chỉ dám đầu tư máy cày tay loại nhỏ. Nhưng khi xã thực hiện xong dồn điền đổi thửa, ông đã mua chiếc máy cày lồng lớn gần 100 triệu để cày cho nhanh, năng suất. Bây giờ bờ vùng to, đi lại cũng dễ nên sản xuất hiệu quả. Đến nay, với tỷ lệ bình quân mỗi gia đình có 2,86 thửa đã góp phần để Tân Phong xây dựng thành công cánh đồng lớn cấy cùng trà, cùng giống, vùng trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, xã còn làm tốt công tác chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng được 6,53km kênh mương cấp I. 
 
Công tác dồn điền đổi thửa ở Tân Phong mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn chưa đầy 2 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12/2010, nhưng công tác dồn điền đổi thửa của Tân Phong có điểm khác so với nhiều địa phương. Khi đã làm phải thực hiện triệt để và bài học lớn nhất rút ra từ công tác dồn điền đổi thửa đó chính là phải huy động sự đoàn kết toàn dân. Điều đáng trân trọng trong quá trình triển khai công tác dồn điền đổi thửa ở Tân Phong là sự chủ động, không ỷ lại vào hỗ trợ của tỉnh và huyện. Đây chính là kinh nghiệm hay mà nhiều địa phương ở Thái Bình cần tham khảo trong xây dựng nông thôn mới. Để giao ruộng về cho từng hộ nông dân không xảy ra trường hợp tranh chấp gây mất đoàn kết nội bộ, xã Tân Phong đã phải triển khai qua 18 bước. Trong đó, quan trọng nhất đó là bước thống nhất cán bộ, sau đó, tuyên truyền vận động giao nhiệm vụ cụ thể đến từng tổ chức đoàn thể. Đội ngũ đảng viên, cán bộ xã phải là những người tiên phong, sẵn sàng nhận về mình khó khăn, thiệt thòi, công tác bàn bạc với người dân phải dân chủ. Đến nay, mỗi người dân đều tự nguyện đóng góp 26m2 đất, kinh phí triển khai nông dân góp 30% chia làm 2 năm, mỗi năm đóng 30.000 đồng/sào ruộng. Đó mới chính là kinh nghiệm thực tế theo kiểu Nhà nước hỗ trợ, huy động nội lực từ dân. 
 
Cùng với thực hiện dồn điền đổi thửa, Đảng ủy xã đã phát động cán bộ, đảng viên, nhân dân gương mẫu đi đầu trong phong trào làm đường giao thông. Người dân nhiều thôn như Ô Mễ 4, Mễ Sơn 1... đã khắc phục khó khăn, đồng tình ủng hộ để hoàn thành các tuyến đường. Nhiều đảng viên cao tuổi như đồng chí Hoàng Văn Tưởng (80 tuổi, ở thôn Ô Mễ 4) đã đi đầu vận động nhân dân tham gia đóng góp ngày công, kinh phí để hoàn thành các tuyến đường trong thôn. Bản thân đồng chí Hoàng Văn Tưởng ủng hộ tiền mặt, công vận chuyển đắp đường khoảng 20 triệu đồng. Đảng viên Phan Đức Việt (thôn Mễ Sơn 1) cũng là người nhiệt tình trong phong trào làm đường giao thông, ủng hộ 3 tấn xi măng. Việc làm gương mẫu của nhiều đảng viên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia xây dựng đường giao thông. 
 
Từ năm 2012, phát huy nội lực cùng với ngân sách địa phương và sự đóng góp của nhân dân, Tân Phong đã hoàn thành 15 tuyến đường nhánh cấp I theo đúng tiêu chuẩn NTM. Thực hiện Quyết định số 19 của UBND tỉnh, xã đã tiếp nhận 3.030 tấn xi măng, hoàn thành xây dựng hơn 33km đường giao thông trục xã, thôn, nhánh cấp I, giao thông nội đồng. 
 
Phong trào làm đường giao thông là kết quả đáng ghi nhận của Tân Phong, thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự năng động trong quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng đề án giảm nghèo cụ thể, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đưa ra nhiều giải pháp giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững; các đoàn thể tín chấp giúp hộ nghèo vay vốn ưu đãi. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Tân Phong còn 2,31%.
 
  
Đường giao thông nông thôn ở xã Tân Phong.
 
Đến tháng 4/2015, Tân Phong đã hoàn thành 18/19 tiêu chí xây dựng NTM. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Phong tiếp tục huy động các nguồn lực để hoàn thành tiêu chí giao thông, phấn đấu về đích NTM theo đúng kế hoạch đề ra./.
 
Thanh Phượng
 
 
Ý kiến của bạn