Xã Thạch Bằng: Lấy “dân làm gốc” để xây dựng nông thôn mới

 6309 lượt xem
(BTĐKT) - Xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2014. Đạt được thành tích vượt bậc đối với 1 xã nghèo như Thạch Bằng như vậy là sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị đến người dân. 

Hệ thống nuôi tôm sau 75 ngày thu hoạch của Liên minh Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản thôn Xuân Hòa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Thạch Bằng được biết đến là một vùng quê non nước hữu tình. Thạch Bằng có diện tích tự nhiên hơn 974 ha, với trên 10.000 nhân khẩu, vùng đất hội tụ các thế mạnh của núi, sông, đồng, biển; có tuyến tỉnh lộ 9 nối thành phố với cảng Cửa Sót... Đây là điều kiện để người dân Thạch Bằng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, giàu mạnh.

Đoàn kết là sức mạnh để phát triển kinh tế nông thôn

Ông Nguyễn Duy Bính – Phó Bí Thư Đảng ủy xã Thạch Bằng, khẳng định: Nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể tích cực quan tâm chỉ đạo và cán bộ đảng viên gương mẫu thực hiện, nơi đó phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao. Đặc biệt, cần coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân nhận thức đúng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chú trọng chỉ đạo xây dựng mô hình để rút kinh nghiệm; xác định rõ mục tiêu cơ bản của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ năng lực để tổ chức thực hiện; phân công, phân cấp rõ ràng và tăng cường công tác kiểm tra, giám rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai.
 
Trong công tác huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tập trung sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Việc huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đảm bảo thực hiện được mục tiêu vừa huy động được sức dân và nguồn lực khác của địa phương; đề cao trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng, chủ động lồng ghép với các chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương; thường xuyên rà soát xây dựng và bổ sung các quy chế, hương ước phù hợp để nhân dân góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới.
 
Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, Thạch Bằng luôn xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân, do đó việc tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người về xây dựng NTM được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, xã phát huy tốt quy chế dân chủ để nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến trong cả quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, người dân đã vào cuộc tích cực, tham gia góp công, góp của cho việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng, chỉnh trang đường làng ngõ xóm…
 
Thành quả của công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, hiến tài sản để xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương thoát nước vệ sinh là có 255 hộ đã hiến 3.606 mét vuông đất, trị giá 540,9 triệu đồng; có 318 hộ hiến 1.565 mét tường rào, 11 công trình phụ, 6.500 cây các loại, giá trị 512,3 triệu đồng; nhân dân đóng góp 12 ngàn ngày công lao động giải tỏa hành lang, làm mặt bằng, xây dựng đường bê tông, kênh mương bê tông và một số công việc khác, trị giá (12.000 ngày công x 120.000 đồng = 14,4 tỷ đồng). Tổng giá trị vận động là: 15,45 tỷ đồng. Đến thời điểm này trên địa bàn toàn xã đã làm được 65 km đường giao thông (trong đó: Đường trục huyện 12,19 km, đường trục thôn 19,79 km, đường ngõ thôn 28,17 km, đường nội đồng 4,85 km). Làm được 36,2 km kênh mương bê tông (trong đó: Mương dân sinh 29 km, mương nội đồng 7,2 km).
 
Vươn lên từ nội lực trong nhân dân
 
Đó chính là sự chung tay góp sức, hiến đất làm đường của nhiều người dân nơi đây đã góp phần tạo ra nguồn lực và tiền đề đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của địa phương. Những con đường mới như nối dài thêm niềm vui, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân…
 
Đời sống vật chất phát triển đã tạo điều kiện nâng cao đời sống văn hóa, giáo dục, y tế của địa phương. Thạch Bằng trở thành điểm sáng về chất lượng GD&ĐT. Cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường, đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Đến nay, các trường từ mầm non đến THCS đều đạt chuẩn, trong đó, trường tiểu học đạt chuẩn giai đoạn 2; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân
 
Tỷ lệ làng văn hóa đạt 90%, chất lượng gia đình văn hóa – thể thao được nâng lên. Xã nhà được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen về công tác Văn hóa – Thể thao năm 2013, năm 2014 được huyện đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực Văn hóa – Thể thao.
 
Những năm gần đây, Thạch Bằng đã đầu tư hành chục tỷ đồng củng cố các tổ, đội sản xuất, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ, mở hướng ra khơi đánh bắt thủy hải sản. Toàn xã hiện có trên 100 tàu, thuyền các loại, trong đó có 19 chiếc công suất 90-250 CV, mỗi năm đánh bắt trên 1.400 tấn hải sản; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Nhiều con em trong xã cũng đã được tiếp cận với nhiều nguồn hỗ trợ để đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, góp phần nâng cao thu nhập.
 
Biển Thạch Bằng hoang sơ đánh thức tiềm năng du lịch.
 
Nhờ quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị một cách quyết liệt, nên bộ mặt nông thôn của xã Thạch Bằng đến hôm nay đã có nhiều khởi sắc, cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo từ 15,47% (của 2013) nay giảm còn 4,81%.  Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 là: 18,24 triệu đồng/người/năm tăng 6,44 triệu so với năm 2011; đến tháng 11/2014 là: 22,54 triệu đồng/người.
 
Những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng NTM ở Thạch Bằng là sự tổng hợp của nhiều yếu tố. Điều đáng ghi nhận ở xã Thạch Bằng là sự đoàn kết, thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền biết “lấy dân làm gốc” đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân và trở thành động lực quyết định bảo đảm cho sự bền vững trong xây dựng NTM.
 
Đồng chí Phan Đình Cương - Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng khẳng định: “Những kết quả đạt được sẽ là tiền đề vững chắc để Thạch Bằng tiếp tục phát triển trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong thời gian tới, xã sẽ phấn đấu giữ vững danh hiệu này, đồng thời nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, xây dựng Thạch Bằng ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
 
Gia Linh
 
 
Ý kiến của bạn