(BTĐKT)-Nhiều năm qua, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã dốc sức xây dựng công trình hạ tầng, giao thông để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của địa phương này đã thay da đổi thịt từng ngày, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Đột phá giao thông
Đã từng là một huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam nhưng đến nay Đại Lộc đã vươn lên trở thành một trong những huyện có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá trên toàn tỉnh, với tỷ lệ hộ nghèo đạt 7,09% (năm 2014), giảm 12,32% so với năm 2010.
Những năm qua huyện Đại Lộc đã quan tâm đầu tư hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn đã tạo được nhiều đột phá mới.
Theo ông Đoàn Ngọc Quang-Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Lộc (Quảng Nam), từ 2010 – 2015, huyện thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) bằng nhiều nguồn vốn đầu tư. Toàn huyện đã xây dựng được 115,419km (loại đường xã 3m đạt 35,649km, loại đường dân sinh 2,5m đạt 79,770km và công trình cống đạt 60 cái), với tổng kinh phí thực hiện 56,252 tỷ đồng.
“Nhờ vậy đã nâng tổng số km đường bê tông GTNT trên toàn huyện lên 457,160/588,258km đạt 78,05/%, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giao thông đi lại và giao lưu hàng hóa của nhân dân diễn ra thuận lợi” - ông Quang cho hay.
Ông Quang cũng cho biết, so với các năm trước việc triển khai kế hoạch phát triển GTNT tại địa phương trong 2010 – 2015 có tiến độ thực hiện và công tác chuẩn bị đầu tư các công trình được thực hiện đồng bộ, nhanh chóng. Chất lượng công trình được chú trọng, hạn chế được hiện tượng giảm mác bê tông, giảm chiều dày mặt đường. Tiêu chuẩn kỹ thuật được nâng cao, mặt đường rộng từ 2,5 - 3m, đáp ứng nhu cầu mở rộng phát triển cho tương lai và hoàn thành dứt điểm từng đoạn đường, không dàn trải, dở dang.
Với những thành tích đó, Đại Lộc vinh dự được UBND tỉnh Quảng Nam tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc trong phong trào phát triển GTNT-MT (năm 2010), Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai vì đã có thành tích xuất sắc từ năm 2000 – 2010, Chủ tịch tỉnh tặng bằng khen cho nhân dân và cán bộ huyện Đại Lộc đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển GTNT (năm 2012), Bộ Giao thông- Vận tải tặng cờ huyện có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển GTNT-MT (năm 2013-2014).
Nâng cao đời sống
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Lộc cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), ngoài việc tập trung đầu tư hạ tầng, giao thông, Đại Lộc luôn chú trọng nâng cao thu nhập của người dân bằng cách thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn cho nông dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.
Đặc biệt như mô hình trồng chuối lùn ở Đại Hiệp (100ha), Đại Hòa; sản xuất rau xanh ở Đại An (47ha), Đại Nghĩa, Đại Cường, Đại Minh; quy hoạch 36 cánh đồng mẫu lớn sản xuất 1.434ha lúa giống cho giá trị tăng 1-2 lần so với sản xuất lúa lương thực. Nhiều mô hình hay được thực hiện góp phần nâng cao đời sống của người dân như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”, “Con đường xanh - sạch - đẹp”…
“Để thực hiện Chương trình NTM, ngoài việc huy động sức đóng góp của cộng đồng dân cư, các địa phương còn huy động các doanh nghiệp, con em quê hương làm ăn xa. Ngoài ra, các địa phương đã vận động nhân dân đóng góp bằng hình thức hiến đất cây cối…”- ông Mẫn bày tỏ.
Cũng theo ông Mẫn, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục ưu tiên phát triển có trọng điểm hạ tầng giao thông, kiên cố kênh mương, thủy lợi hóa đất màu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho nông dân để tiếp tục hình thành thêm nhiều cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, hỗ trợ khôi phục các làng nghề truyền thống và phát triển mạnh kinh tế vườn, kinh tế trang trại...
Xây dựng NTM ở Đại Hiệp (Đại Lộc, Quảng Nam): Thành công nhờ dân “4 biết”
Vào cuộc quyết liệt
Ông Nguyễn Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho biết, xây dựng NTM ở Đại Hiệp được chính quyền địa phương và người dân thực hiện từ nhiều năm trước. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, khi T.Ư phát động Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Đại Hiệp đã đẩy nhanh, đẩy mạnh chương trình một cách quyết liệt và bài bản hơn.
Ngay từ đầu, Đại Hiệp xác định phương châm "4 biết" xây dựng NTM của xã là: "dân biết, dân bàn, dân đóng góp và dân hưởng lợi", nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ và nhân dân. Do đó, công tác tổ chức, tuyên truyền được Ban chỉ đạo xã thực hiện quyết liệt. Ngoài ra, địa phương cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị đảm nhận một phần việc xây dựng NTM. Cụ thể: Hội Phụ nữ với phong trào thu gom rác thải; Hội Cựu chiến binh với tổ an ninh tự quản; Hội Nông dân với phong trào nông dân sản xuất giỏi… Nhờ cách làm này mà nhiều tiêu chí đã nhanh chóng hoàn thành.
Nếu như năm 2010, xã Đại Hiệp, chỉ cơ bản đạt 10-11 tiêu chí, hộ nghèo còn chiếm 11,48% thì đến nay, Đại Hiệp đã đạt 15/19 tiêu chí và trở thành địa phương dẫn đầu của tỉnh Quảng Nam với hộ nghèo giảm còn 3,4%. Hiện 4 tiêu chí gần đạt là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa và chợ nông thôn, địa phương đang tiếp tục đầu tư để hoàn thành trong những tháng còn lại năm 2014" - ông Đông chia sẻ.
Không chạy theo hình thức
Theo ông Đông, mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là tạo diện mạo mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn và đặc biệt là đời sống của người dân được nâng lên. Do đó, chủ trương của Đại Hiệp là không cố gắng để đạt tiêu chí một cách hình thức mà quan tâm nhiều đến chất lượng các tiêu chí và tính bền vững của các tiêu chí. Thực tế trong mấy năm qua cho thấy, để nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân cũng như xây dựng NTM một cách bền vững nhất, xã Đại Hiệp đã ưu tiên đầu tư hàng chục tỷ đồng cho phát triển sản xuất, đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhờ đó, nhiều mô hình đã được phát triển và nhân rộng như trồng chuối lùn, chăn nuôi, xây dựng các cánh đồng lúa giống, lúa chất lượng…
Nhật Minh