Nậm Nhùn, Lai Châu: Xây dựng Nông thôn mới còn nhiều khó khăn, nhưng chính quyền và nhân dân quyết tâm thực hiện

 7226 lượt xem
(BTĐKT)-Chỉ mới được thành lập chưa đầy 3 năm, nhưng huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Bám rừng, khai hoang để có thêm đất ruộng sản xuất là một số bí quyết xây dựng NTM ở địa phương này. 

 Chia sẻ với chúng tôi về việc xây dựng NTM ở địa phương, ông Lê Đức Dục– Bí thư Huyện uỷ Nậm Nhùn nói: “Huyện mới được thành lập, cơ sở vật chất tạm bợ, hệ thống giao thông, thuỷ lợi kém phát triển. Đội ngũ cán bộ công chức thiếu và yếu. Tình hình an ninh phức tạp với các hoạt động tôn giáo trái phép, tệ nạn ma tuý… Nhiều cái khó như vậy nhưng tới nay huyện đã có 3 xã gần hoàn thành được tiêu chí NTM rồi”.

Lập nhóm giúp hộ nghèo
 
 
Huyện Nậm Nhùn được thành lập từ năm 2012 với 11 xã, thị trấn thì có 9 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Huyện thuộc diện nghèo nhất của tỉnh Lai Châu. Đến nay, cán bộ huyện vẫn phải làm việc trong những căn phòng chật chội, tạm bợ trong khi chờ xây dựng trụ sở mới. Sản xuất nông nghiệp của huyện thấp kém nhất tỉnh. Ruộng lúa 1 vụ chỉ có 300ha, ruộng 2 vụ được hơn 700ha nhưng manh mún, trình độ canh tác lạc hậu, chăn nuôi nhỏ lẻ...
 
Bản Nậm Nhùn, thị trấn Nậm Nhùn có 242 hộ với trên 80% dân tộc Thái. Do nhường đất cho thuỷ điện và phát triển cây cao su nên cả bản chỉ còn có 6ha lúa nước, 60ha đất nương. Để giúp người dân thoát khó khăn, bản đã có cách làm triệt để. Ông Mào Văn Siêng- Trưởng bản Nậm Nhùn kể: “Chúng tôi thành lập các nhóm giúp đỡ hộ nghèo. Tuỳ theo hoàn cảnh từng nhà, thiếu lao động, đất sản xuất thì mọi người trong bản cùng nhau giúp khai hoang thêm ruộng, cho mượn trâu, bò để cày cấy, nhà nào có lao động thì được hỗ trợ giống, kỹ thuật để sản xuất. Chi bộ bản cùng các đoàn thể vận động bà con chăm sóc cao su, làm công nhân tại công trường Thuỷ điện Lai Châu”. Đến nay cả bản đã có 3ha đất trồng rau xanh các loại, 300 con trâu, 80 con bò, hàng trăm lợn, gà, vịt.
 
Đánh thức xã nghèo
 
Pú Đao là xã đặc biệt khó khăn với 95% dân số là người Mông. Bị chắn bởi hai dãy núi cao, đường sá khó khăn nên cuộc sống của dân Pú Đao trước đây gần như tách biệt với bên ngoài. Sau khi được huyện chọn làm xã điểm xây dựng NTM, Pú Đao đã triển khai nhiều hạng mục quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
 
Ông Chá A Thứ - Chủ tịch UBND xã Pú Đao cho biết: Ngoài đường giao thông từ huyện tới xã, thành công nhất của Pú Đao đó là bê tông hoá đường nội bản với chiều dài hơn 3,2km, với sự hỗ trợ của nhà nước cùng đóng góp của người dân, những đoạn đường dốc khó đi lại dẫn tới các bản vào mùa mưa đều đã được bê tông hoá. Chính quyền xã đã đứng ra tổ chức và hướng dẫn nhân dân xây được 80 nhà vệ sinh và 13 chuồng trâu đảm bảo tiêu chí. 
 
“Từ bao đời nay, người Mông toàn ở trong nhà gỗ, nền đất nhưng giờ hơn 60% số hộ dân đã cứng hoá nền nhà. Chỉ những cái đơn giản vậy thôi nhưng là cả một quá trình”– ông Thứ cho hay. 
 
Xây dựng nông thôn mới ở Nậm Ban còn nhiều gian khó
 
Đến xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn những ngày đầu mùa mưa, đánh vật với những đoạn đường lúc lầy lội, lúc lại toàn sỏi đá, chúng tôi mới hiểu một phần những khó khăn mà người dân nơi đây đang trải qua.
 
Triển khai chương trình xây dựng NTM, UBND xã Nậm Ban đã phát động phong trào Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền rộng rãi về nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình với nhiều hình thức tới bà con. Đồng thời, công khai quy hoạch và đề án xây dựng NTM của xã để toàn dân biết, thực hiện và giám sát. Đặc biệt đối vớinhững tiêu chí quan trọng như: Giao thông, hộ nghèo, nhà ở dân cư, thủy lợi, thu nhập…
 
Tuy nhiên Nậm Ban là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Nậm Nhùn với 313 hộ, 6 bản, gồm 8 dân tộc anh em cùng sinh sống. Kinh tế chủ yếu dựa vào trồng lúa, làm nương và chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống của bà con còn không ít khó khăn. Giao thông, địa hình phức tạp cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế của bà con đã và đang ảnh hưởng không nhỏ lộ trình xây dựng NTM ở xã.
 
Ông Hảng A Vảng – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ban cho biết: “Đến hết năm 2014, xã đã hoàn thành 6 tiêu chí: quy hoạch chung, chợ nông thôn, tỉ lệ lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, an ninh trật tự. Đến hết năm 2015, xã phấn đấu hoàn thành thêm 2 tiêu chí: Văn hóa và hệ thống tổ chức chính trị. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chính quyền, Đảng ủy xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể đảm bảo mục tiêu đề ra”.
 
Khảo sát một số tuyến đường liên bản, chúng tôi nhận thấy hầu hết là đường đất, nên mùa mưa thường trơn trượt và lầy lội. Ông Vảng cho biết, đến nay xã mới có 2 bản hoàn thành tuyến đường giao thông nông thôn dài 700m, và 1.500m đường lên xã được cứng hóa. Để sớm hoàn thành đường nông thôn, xã Nậm Ban đang huy động tối đa nguồn lực của địa phương, huy động Nhân dân góp công, góp sức để làm.
 
Đối với tiêu chí về nhà ở của xã cũng gặp khó khăn, toàn xã có 313 hộ nhưng có đến 20 nhà dân tộc Mảng ở bản Nậm Ô, Hua Pảng là nhà tạm, nhà dột nát. Để vận động người dân xây dựng nhà theo tiêu chuẩn 3 cứng “mái cứng, nền cứng, nhà cứng” cùng các công trình: nhà bếp, nhà vệ sinh là rất khó, vì người dân không thể bỏ ra một khoản tiền lớn, nhất là đối với hộ nghèo. Đến hết năm 2014 tỉ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn 52,8%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 6 triệu đồng/năm..
 
Bên cạnh đó, vấn đề về sinh con thứ 3 và môi trường cũng là sự trăn trở đối với các đồng chí lãnh đạo xã, dù đã đi vận động người dân nhưng tỉ lệ sinh con thứ 3 vẫn cao chiếm 31% (năm 2014). Hiện tại ở xã vẫn chưa có nơi để xử lý rác thải, nhiều hộ gia đình chưa có chuồng trại, gia cầm, gia súc vẫn thả rông nên tiêu chí về môi trường cũng rất khó thực hiện…
 
Để giải quyết những khó khăn trên, giải pháp mà cấp ủy, chính quyền xã Nậm Ban đưa ra là sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, xây dựng quy ước, hương ước với các bản về kế hoạch hóa gia đình, môi trường, kiên quyết xử phạt các hộ vi phạm. Cùng với đó, để giảm nghèo, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, xã sẽ tích cực vận động người dân khai hoang, trồng trọt, tăng gia sản xuất. Ngoài ra, xã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, vận động các ban ngành, đoàn thể giúp đỡ, có như vậy, sẽ tạo ra nhiều việc làm, đời sống Nhân dân mới được cải thiện.
Giải pháp thì đã có song để đảm bảo tiến độ xây dựng NTM, ngoài việc phát huy nội lực, Nậm Ban rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống của người dân. 
Vân Hà
 
 
Ý kiến của bạn