(BTĐKT)-Là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ với diện tích rộng, địa hình chia cắt, dân cư phân tán, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đời sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, các doanh nghiệp ít và có quy mô nhỏ… nên huyện Yên Lập xác định còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng NTM.
Từ năm 2011, cùng với việc thành lập các Ban chỉ đạo (BCĐ), ban quản lý, ban phát triển nông thôn từ cấp huyện đến cơ sở, Yên Lập đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM… để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân cùng vào cuộc thực hiện. Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn, huyện Yên Lập đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện ngắn hạn và dài hạn, chia làm 4 nhóm giải pháp chính theo tinh thần huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước để công cuộc xây dựng NTM thành công và bền vững…
Từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, đời sống người dân xã Hưng Long thay đổi rõ nét.
Ngay từ những năm đầu, huyện đã chú trọng phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quan hệ sản xuất ở nông thôn, thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Phát triển văn hóa, xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, chăm lo các đối tượng chính sách, thực hiện an sinh xã hội, tạo điều kiện để người dân được thụ hưởng các hoạt động văn hóa, thể thao. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh.
Yên Lập đã đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết”. Đến hết năm 2014, tổng khối lượng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn đạt hơn 315 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ kinh phí thông qua các chương trình như: Hỗ trợ cho người trồng lúa nước, kinh phí cấp bù do miễn thu thủy lợi phí, hỗ trợ trồng lại chè, trồng rừng phòng hộ…; các sở, ban, ngành của tỉnh còn đầu tư xây dựng một số công trình với giá trị lớn như đường giao thông liên huyện Cẩm Khê - Yên Lập - Thanh Sơn, đập Ngòi Lao - xã Mỹ Lung, nâng cấp hệ thống điện… từ đó đã góp phần tích cực tạo điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập cho người dân.
Huyện coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở. UBND huyện phối hợp với Chi cục phát triển nông thôn - Sở NN&PTNT, Văn phòng điều phối chương trình MTQGXDNTM tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ trực tiếp tham gia công tác xây dựng NTM, ban quản lý, giám sát của các xã về năng lực làm chủ đầu tư dự án, quản lý, giám sát công trình…; tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” trên địa bàn huyện, mở trên 50 lớp dạy nghề với tổng số trên 2.000 lao động được đào tạo trình độ sơ cấp…
Mô hình nuôi lợn thịt tại xã Đồng Thịnh.
Huyện chỉ đạo việc xây dựng NTM ở cấp xã phải chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của mỗi xã, tránh dập khuôn, máy móc. Từ năm 2011 đến nay, 16/16 xã đã hoàn thành lập quy hoạch, đề án xây dựng NTM, có 25 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản và bước đầu đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo một số dịch vụ cơ bản cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển với 10 trang trại đạt tiêu chí và hơn 100 gia trại quy mô khá. Trình độ thâm canh và sản xuất của nông dân đã chuyển biến tích cực, năng suất cây lúa đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, ngành chăn nuôi chuyển dần từ phương thức chăn nuôi thủ công quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp, quy mô, năng suất và sản lượng chăn nuôi tăng nhanh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 452 - 465 tỷ đồng/năm. Tốc độ giảm nghèo của các xã khá nhanh, còn bình quân 21,6%, giảm 10,3% so với cùng kỳ. Có 2 xã đạt thu nhập bình quân đầu người đạt trên 16 triệu đồng/người/năm là Hưng Long và Đồng Thịnh, 1 xã gần đạt là Minh Hòa.
Hết năm 2014, trong tổng số 16 xã trên địa bàn huyện Yên Lập có 6 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 10 xã đạt 5 - 9 tiêu chí. Hệ thống giao thông bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, giao lưu, thương mại và sinh hoạt của nhân dân. Các công trình thủy lợi được Nhà nước đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nên cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất. Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng NTM, thời gian qua công tác xây dựng và chỉnh trang nhà ở, cổng ngõ, sân vườn được nhân dân các dân tộc trong huyện đặc biệt quan tâm góp phần giúp bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc… Trong đó, tiêu chí số 16, 18, 19 về Văn hóa, Hệ thống chính trị, An ninh trật tự có 13/16 xã đạt; bưu điện, 15/16 xã đạt; 16/16 xã đã có nhà văn hóa trung tâm, chưa có xã nào có khu thể thao của xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, 208/208 khu dân cư có nhà văn hóa, 138/208 khu dân cư có đất sân thể thao nhưng chưa khu nào được đầu tư đạt chuẩn; trên 74% số hộ dân xây dựng được nhà kiên cố và bán kiên cố; trên 72% người dân được dùng nước hợp vệ sinh…
Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Yên Lập bước đầu đạt những kết quả đáng khích lệ, 16 xã đã đạt được 137/304 tiêu chí, riêng năm 2014 các xã hoàn thành 48/30 tiêu chí vượt kế hoạch đề ra, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện những năm tiếp theo. Chương trình được người dân quan tâm và kỳ vọng. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực, các công trình được đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả…
Chương trình xây dựng NTM đã góp phần đem lại đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương tốt hơn và đã được người dân tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào, đóng góp công sức cùng Nhà nước thực hiện. Nhiều hộ đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, tự chỉnh trang nhà cửa, sân vườn đảm bảo theo các tiêu chí theo quy định, qua đó đã xuất hiện nhiều điển hình như hiến đất, giải phóng mặt bằng, phát triển kinh tế hộ… tại các xã Xuân Viên, Đồng Thịnh, Ngọc Lập, Thượng Long, Mỹ Lung… Các ban, ngành, đoàn thể đã chủ động tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia phong trào xây dựng NTM, gương mẫu đi đầu trong các phong trào như phát triển kinh tế hộ gia đình… góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương./.
Thanh Phượng